| Hotline: 0983.970.780

Hành, đậu phộng: 2 loại cây làm giàu của người dân xứ biển

Thứ Năm 09/04/2020 , 15:47 (GMT+7)

Mỗi năm làm 1 vụ lúa không đủ ăn, từ khi chuyển sang trồng mỗi năm 3 vụ màu với cây hành và đậu phộng, người dân vùng quê biển “dư ăn dư để”.

Nông dân xã Cát Hải (huyện Phù Cát) thu hoạch đậu phộng. Ảnh: Đăng Lâm.

Nông dân xã Cát Hải (huyện Phù Cát) thu hoạch đậu phộng. Ảnh: Đăng Lâm.

Hồi sinh một vùng đất 

Mấy chục năm trước đây, nhắc đến xã Cát Hải (huyện Phù Cát, Bình Định), ai nấy đều “lè lưỡi, lắc đầu”, bởi đó là vùng quê biển cực kỳ hoang vắng, dân cư thưa thớt, nghèo nàn.

Khi ấy, ai muốn về Cát Hải phải vượt qua chặng đường khoảng 20km từ trung tâm huyện Phù Cát xuống đến chân đèo Vĩnh Hội. Từ đó, lại phải vượt qua 2 con đèo Vĩnh Hội và Tân Thanh có chiều dài khoảng 10km nữa mới đến Cát Hải.

Khi ấy Cát Hải buồn và nghèo, ruộng nương chỉ làm được mỗi năm 1 vụ lúa đông xuân, đa số là ăn nước trời, có rất ít diện tích được ăn nước hồ chứa. Do đó, dẫu mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa mà năng suất thấp tịt nên cơ cực bủa vây cuộc sống người dân ở đây. Bởi thế, dẫu người dân Cát Hải sống “sát nách” với biển nhưng cả xã không sắm nổi chiếc tàu cá để hành nghề đánh bắt thủy sản ven bờ cải thiên đời sống, càng bám vào ruộng người dân Cát Hải càng nghèo khổ.

Ông Lê Văn Diêu, Chủ tịch UBND xã Cát Hải, kể: “Từ năm 2002 trở về trước, dù Cát Hải là vùng quê thuần nông nhưng chỉ có 1 hồ chứa nước nhỏ tại thôn Tân Thắng, hồ này chỉ tưới được khoảng 40ha.

Một hồ chứa khác ở thôn Vĩnh Hội còn nhỏ hơn, chỉ tưới được chừng 10ha. Hàng trăm héc ta đất canh tác lúa còn lại đều ăn nước trời.

Do đó, dẫu mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa đông xuân mà năng suất rất thấp, không quá 45 tạ/ha, người dân chẳng đủ gạo ăn, đi đến đâu cũng gặp cái nghèo, cái đói”.

Cánh đồng đậu phộng mênh mông của huyện Phù Cát. Ảnh: Đăng Lâm.

Cánh đồng đậu phộng mênh mông của huyện Phù Cát. Ảnh: Đăng Lâm.

Năm 2003, người dân Cát Hải bỗng phát hiện vùng đất của mình được thiên nhiên ưu đãi ban cho mạch nước ngầm rất dồi dào, phát hiện này đã mở ra hướng làm ăn mới.

Thế là gần cả ngàn chiếc giếng đóng ra đời. Những diện tích canh tác mỗi năm 1 vụ lúa nhanh chóng được thay thế bằng cây hành, đậu phộng.

“Hành và đậu phộng thích hợp với đất cát nên phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế rất cao, hơn hẳn trồng lúa. Chẳng bao lâu, cây hành và đậu phộng nhanh chóng phủ kín đồng đất Cát Hải và trở thành cây làm giàu”, ông Lê Văn Diêu, Chủ tịch UBND xã Cát Hải nhớ lại.

Theo ông Đỗ Hoàng Phong, Phó Chủ tịch xã Cát Hải, hiện vùng đất này chỉ còn 192ha nằm gần hồ nước Tân Thắng là còn canh tác cây lúa bởi gần nguồn nước, cũng là vì đất thịt nên chẳng thể chuyển sang trồng hành và đậu phộng, còn lại, hầu hết đã chuyển đổi.

“Hiện nay, diện tích đất canh tác cây hành hàng năm ở Cát Hải là 440ha và diện tích trồng đậu phộng hàng năm dao động từ 360 – 380ha.

Hầu hết những hộ sản xuất hành và đậu phộng ở Cát Hải đều đóng giếng, mạch nước ngầm lại không bao giờ cạn kiệt nên không lo về nước tưới, kể cả mùa hạn.

Nhờ đó năng suất hành khô bình quân cả năm đạt từ 80 – 85 tạ/ha, năng suất đậu phộng (khô) bình quân đạt từ 34 – 36 tạ/ha”, ông Đỗ Hoàng Phong cho hay.

Hành khô của người dân xã Cát Hải (huyện Phù Cát) chờ tiêu thụ. Ảnh: Đăng Lâm.

Hành khô của người dân xã Cát Hải (huyện Phù Cát) chờ tiêu thụ. Ảnh: Đăng Lâm.

Đất nghèo đẻ ra vàng

Hiện diện tích sản xuất lúa của Cát Hải chỉ còn 192ha, nhưng sản lượng lương thực hàng năm lại đạt cao hơn trước nhờ sử dụng các loại giống mới cho năng suất cao, nhờ đó người dân ở đây đã đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, họ đang làm giàu với cây hành và cây đậu phộng.

Theo đánh giá của ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những diện tích chuyển từ trồng lúa sang trồng cây đậu phộng hiệu quả kinh tế tăng cao gấp 4 lần. Những diện tích từ trồng lúa sang trồng cây hành hiệu quả kinh tế còn tăng cao hơn, gấp 6 – 7 lần.

“Hiện nay, người dân xã Cát Hải sản xuất cây màu quanh năm, mỗi năm làm đến 3 vụ với công thức: Vụ hè trỉa đậu phộng, thu hoạch xong vụ đậu phộng hè họ tiếp tục trồng hành vụ thu và làm tiếp hành vụ mùa.

Cây hành vụ đông xuân 3 tháng mới thu hoạch, nhưng hành vụ hè và vụ mùa chỉ từ nông dân bán tươi hành củ và hành lá củ nên chỉ từ 1 tháng 5 ngày đến 1 tháng 10 ngày là thu hoạch. Nông dân ở đây chỉ bán sản phẩm tươi, rất ít người phơi khô rồi mới bán như nông dân các nơi khác.

Đậu phộng nhổ lên là bán tươi ngay tại ruộng, hành cũng vậy, vừa nhổ lên khỏi đất là đã có thương lái đến thu mua. Hiện hành tươi có giá từ 15.000đ – 25.000đ/kg, đậu phộng tươi có giá từ 12.000đ – 15.000đ/kg.

Đất đẻ ra tiền quanh năm, nhờ đó mỗi héc ta đất canh tác cây màu ở Cát Hải bình quân mỗi năm cho nông dân thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng”, ông Đỗ Hoàng Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, không giấu được vẻ phấn khởi, chia sẻ.

Người dân xã Cát Hải (huyện Phù Cát) thu hoạch hành tươi. Ảnh: Đăng Lâm.

Người dân xã Cát Hải (huyện Phù Cát) thu hoạch hành tươi. Ảnh: Đăng Lâm.

Nông Võ Kế Cu ở thôn Vĩnh Hội (xã Cát Hải), bộc bạch: “Hàng năm gia đình tôi sản xuất 6 sào đậu phộng, 2 sào hành, thu nhập đều đặn trên 120 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 80 triệu đồng/năm.

Vài năm trở lại đây, bà con trong thôn đã lắp đặt thiết bị tưới phun nước tự động trên ruộng hành, ruộng đậu phộng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước”.

Ông Lương Văn Khoa, Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, minh họa cho chúng tôi về sự chu chuyển mùa vụ nhanh đến “chóng mặt” của các loại cây trồng ở xã Cát Hải: “Vì đất ít người đông, nên Cát Hải đã tính toán chu chuyển mùa vụ nhằm tăng hệ số sử dụng đất, mục đích là để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Ngay những diện tích đất lúa ở thôn Tân Thắng nông dân cũng xen canh cây màu để tăng hiệu quả. Thu hoạch xong lúa đông xuân, bà con liền xuống giống đậu vụ xuân hè, thu hoạch đậu xong là trồng ngay vụ hành hè thu”.

Theo ông Lê Văn Diêu, Chủ tịch UBND xã Cát Hải, vào thời điểm trên vùng đất Cát Hải chưa xuất hiện cây đậu phộng và cây hành, người dân ở đây xoay sở cuộc sống hàng ngày thôi đã “mướt mồ hôi”, không ai dám nghĩ tới chuyện đóng chiếc ghe chiếc tàu đánh bắt cá để kiếm thêm thu nhập.

Từ khi canh tác cây hành cây đậu, thu nhập của bà con khấm khá hơn, có của ăn của để nên đã phát triển thêm nghề đánh bắt thủy sản.

“Hiện Cát Hải đã 68 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ với tổng công suất 7.223CV, làm các nghề khai thác cá ngừ đại dương, câu mực, khai thác tôm hùm giống, giá trị đánh bắt thủy sản hàng năm trên 55 tỷ đồng”, ông Diêu cho hay.

 "Năm 2012, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ về Cát Hải chọn 2 hộ dân ở thôn Vĩnh Hội trồng thí điểm giống đậu phộng mới mang tên LDH09. Đây là giống chịu hạn, chịu mặn, có thể “chung sống” với vùng đất cát do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ lai tạo. Chính giống đậu phộng này đã khiến đất nghèo đẻ ra vàng và làm nên sự hưng thịnh cho ngành nông nghiệp xã Cát Hải”, ông Lương Văn Khoa, Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, nhớ lại.

Xem thêm
VRG đã bán được mủ cao su thích ứng EUDR

VRG vừa tổ chức Lễ công bố thích ứng quy định EUDR của Liên minh Châu Âu và ký kết bán mủ cao su thích ứng EUDR của một số đơn vị thành viên.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Greenfeed được vinh danh nhờ chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp

Greenfeed được gọi tên trong tốp 100 doanh nghiệp bền vững năm thứ ba liên tiếp, nhờ các thực hành nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng trong mọi hoạt động sản xuất.