| Hotline: 0983.970.780

Cấp bách chuyển đổi cây trồng: Hợp lòng dân

Thứ Tư 24/07/2019 , 08:57 (GMT+7)

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã chuyển đổi được gần 19.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác. Không những giảm áp lực nước tưới, việc chuyển đổi còn cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt.

10-24-03_1
Nhờ trồng màu, người dân Phú Thịnh thu 200 - 250 triệu đồng/ha/năm.

Trước năm 2012, 100% đất sản xuất nông nghiệp tại thôn Phú Thịnh, xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc là đất trồng lúa. Do không có ngành nghề phụ, Phú Thịnh thuộc tốp cuối về thu nhập bình quân đầu người so với toàn xã. Chi bộ thôn đưa việc chuyển đổi 2,5 ha đất lúa kém hiệu quả của 25 hộ dân sang trồng màu ra bàn bạc. Kế hoạch chuyển đổi được người dân đồng tình ủng hộ.

Bà Trần Thị Huệ, trưởng thôn Phú Thịnh cho hay, đây là diện tích đất 2 lúa + 1 ngô nhưng tổng thu chưa đến 35 triệu đồng/ha/năm. Vì thế, khi nói chuyển sang trồng màu để tăng hiệu quả kinh tế bà con rất phấn khởi. Năm đầu trồng ớt, sau 8 tháng trồng và thu hoạch, nhờ giá cao tổng thu đạt 300 triệu đồng/ha (15 triệu đồng/sào, sào Trung bộ 500 m2) và thêm được 1 vụ dưa chuột 100 triệu đồng/ha.

“Thấy hiệu quả, bà con lại bàn để mở rộng thêm 1 ha trồng màu. Giờ có kinh nghiệm rồi, người dân không độc canh mà đa dạng hóa cây trồng, luân canh để vừa không rơi vào cảnh cùng lúc sản lượng 1 mặt hàng quá lớn dẫn tới khó tiêu thụ vừa để thay đổi, cải tạo đất.

Thực tế cho thấy, nếu chỉ độc canh 1 loại cây trồng thì đất rất dễ bạc màu. Sản phẩm rau màu của làng Phú Thịnh bây giờ, ngoài ớt cay còn có thêm bí, dưa chuột, mướp đắng, đậu leo. Sản phẩm được tư thương vào tận thôn thu mua, bà con rất ít khi phải mang đi chợ bán”, bà Huệ cho biết.

Bà Huệ cũng cho biết thêm, rau màu trồng trên đất lúa cho năng suất cao và bền hơn nhiều trên đất chuyên canh màu ở địa phương. Vì thế, người dân đang tiếp tục đề nghị chuyển đổi một số diện tích đất lúa của thôn sang trồng màu nhưng hiện nay do nhiều yếu tố nên chưa triển khai.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, thôn và xã kiểm soát rất gắt gao và hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV. Những hộ nào sử dụng thuốc không đúng quy trình đều bị nhắc nhở, có trường hợp bị xử phạt theo quy ước vì tái phạm.

Theo Nghị quyết HĐND khóa XVIII, xã Phú Lộc đặt mục tiêu chuyển đổi 5 ha đất lúa kém hiệu quả sang rau màu và các loại cây trồng khác. Nhưng nhờ thấy rõ hiệu quả kinh tế, đến nay cả xã đã chuyển đổi thành công 20ha đất 2 lúa sang trồng màu.

“Từ đất lúa chỉ cho thu hoạch 8 tấn/ha/năm (chưa đến 50 triệu đồng-PV), đến nay, những diện tích chuyển đổi đã cho nguồn thu 200 - 250 triệu đồng/ha, lãi ròng 100 - 125 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi còn giảm được 50% lượng nước tưới, tăng hệ số sử dụng đất.

Có thể thấy, chủ trương chuyển đổi là đúng, hợp lòng dân; trồng màu hiệu quả kinh tế phải gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa. Vì thế, từ mục tiêu chuyển đổi 5ha, đến nay Phú Lộc đã chuyển đổi được 20ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu”, bà Lương Thị Hiền, cán bộ nông nghiệp xã Phú Lộc cho biết.

Còn tại xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa), việc chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác được manh nha từ cuối năm 2013. Nhưng phải đến vài năm lại đây, việc chuyển đổi mới thực sự diễn ra mạnh.

10-24-03_2
Hiệu quả từ việc chuyển đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác rất rõ rệt.

Ông Lê Chí Tám, một chủ trang trại trồng cây ăn quả tại Hoằng Quỳ cho hay, sau khi có chủ trương của xã, ông đã tích tụ được 5ha đất trồng lúa kém hiệu quả tại vùng Hàng Triền. Sau khi cải tạo đất, ông trồng các loại cây ăn quả như bưởi Diễn, bưởi đào, cam, táo đường. Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản của ăn quả lâu năm, nhờ trồng xen đu đủ Đài Loan; lấy ngắn nuôi dài, nguồn thu từ đu đủ vẫn giúp ông có tiền trang trải và tái đầu tư. Dự tính, chỉ vài năm nữa, diện tích cây ăn quả đến thời kỳ kinh doanh, mỗi năm ông Tám sẽ đút túi tiền tỷ.

Ông Lê Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Quỳ cho biết, từ việc một số diện tích đất lúa khó tưới tiêu, qua đi tham quan một số mô hình, UBND xã đã quyết định chuyển đổi một số diện tích. Quá trình chuyển đổi cây trồng cũng gắn với tích tụ ruộng đất. Đến nay, xứ đồng Hàng Triền có diện tích 10 ha đã được 4 hộ dân tích tụ trồng cây ăn quả.

“Tiền năng nâng cao hiệu quả kinh tế là rất khả quan. Đến nay, 4 hộ dân tích tụ chuyển đổi mới chỉ thu hoạch bói nhưng nhờ xen canh, lấy ngắn nuôi dài nên mấy năm cây ở giai đoạn kiến thiết cơ bản, diện tích chuyển đổi này vẫn đảm bảo được nguồn thu cho các hộ dân”.

Theo thống kê từ Sở NN-PTNT Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020, Thanh Hóa đặt mục tiêu chuyển đổi 27.000ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 18.967ha, đạt 70% kế hoạch. Từ việc chuyển đổi, tích tụ đất đai, sản xuất cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất, hiệu quả kinh tế trên những diện tích chuyển đổi này đã tăng đáng kể so với trồng lúa.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất