| Hotline: 0983.970.780

Cấp bách chuyển đổi cây trồng: Tưới tiết kiệm cho cây lạc

Thứ Sáu 26/07/2019 , 08:37 (GMT+7)

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai mô hình trồng lạc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng sản xuất hàng hóa tại xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ mang lại kết quả khả quan.

09-13-02_ong_loi_ben_ruong_lc_cu_minh_
Tưới nước hợp lý cây lạc phát triển tốt.

Ông Nguyễn Đình Lợi ở thôn Phú Ngạn, xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ có 6 sào (500m2/sào) đất màu. Vụ Đông Xuân năm nay gia đình ông tham gia chương trình dự án cải thiện nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên cây lạc với diện tích 3 sào.

Do vùng ruộng chủ yếu là đất bùn sét, độ thoáng khí kém, nắng thì khô cứng nên cây trồng thường bị thiếu nước. Để phục vụ cho việc gieo trồng lạc, chương trình đã xây dựng cơ sở hạ tầng tưới phục vụ cho ruộng mô hình khi thời tiết khô hạn.

Giống lạc chương trình đưa vào sử dụng là L14, có thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng rộng, tỷ lệ nhân cao. Lạc được trồng trên luống có độ cao 15 - 20 cm, mặt luống rộng 1,2 - 1,5 m, rãnh 30 cm, mặt luống được chia thành 4 - 5 hàng chạy dọc theo chiều dài luống, bố trí gieo trồng với khoảng cách 22cm x 10cm x 1 hạt/hốc (45 cây/m2), độ sâu khi lấp hạt không quá 6cm. Trong quá trình gieo cấy lạc đã ứng dụng cơ giới hóa bằng máy gieo hạt MGH-1.

Ông Lợi vui vẻ cho biết, nhờ tham gia mô hình bản thân ông cũng như các hộ dân đã nắm bắt được các kỹ thuật mới như sử dụng chế phẩm Trichoderma nhằm gia tăng lượng vi sinh vật có ích trong đất, cải tạo đất; sử dụng đạm urê hạt vàng 46a+ thay thế urê thông thường nhằm giảm thất thoát phân bón và tăng hiệu quả sử dụng.

“Bao nhiêu năm qua mới có vụ lạc khá. Tôi rất vui vì kết quả năng suất và chất lượng lạc đều cao hơn so với trồng đại trà. Với 3 sào lạc trong chương trình này cho thu nhập cao hơn 1.500.00 đồng so với 3 sào trồng ngoài mô hình”, ông Lợi nói.

Mô hình trồng lạc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng hàng hóa được triển khai tại HTX Thanh Sơn, thôn Phú Ngạn, xã Cam Thanh có 47 hộ tham gia với diện tích 10,68 ha.

Tham gia mô hình các hộ đã được hỗ trợ 100% giống lạc L14 đảm bảo phẩm cấp và chế phẩm vi sinh, 30% phân bón nhả chậm và một phần kinh phí để mua máy gieo lạc.

09-13-02_ton_0821
Cả năng suất và chất lượng lạc mô hình đều cao hơn so với trồng đại trà.
Lạc là cây cần nhiều dinh dưỡng nhưng có thời gian sinh trưởng ngắn và phân hóa mầm hoa sớm nên cần bón phối hợp phân vô cơ phân hữu cơ, bón sớm và tập trung.

Theo KS Dương Hồng Phong cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị, lượng phân bón mà chương trình áp dụng cho 1ha lạc là: Phân hữu cơ: 6-10 tấn; Đạm urê hạt vàng 46a+: 65kg; phân lân Lâm Thao: 600kg; phân Kali clorua: 160kg; Vôi bột: 500kg; chế phẩm Trichoderma: 10kg.

Toàn bộ lượng phân này sẽ chia làm 2 đợt bón chính là bón lót và bón thúc. Giai đoạn bón lót: Toàn bộ lượng phân hữu cơ, phân lân, 70% vôi và 70% phân đạm. Sau khi rạch hàng, phân hóa học được trộn đều vào hàng đã rạch sẵn (hàng rạch sâu 10-15 cm), phân hữu cơ bón sau cùng. Lấp một lớp đất dày 2-3cm lên trên phân sau khi bón lót để khi gieo hạt không bị tiếp xúc vào phân.

Giai đoạn bón thúc chia làm 2 lần: (i) lần 1: Giai đoạn lạc có 3-4 lá thật với 30% lượng đạm còn lại và 50% Kali, bón phân cách gốc 6-8cm, bỏ phân rồi lấp đất kết hợp làm cỏ lần 1; (ii) lần 2: Bón lúc hoa tàn đợt một, 50% lượng Kali và 30% lượng vôi còn lại. Vôi bón sát gốc vào lúc lạc đâm tia, vì canxi không di động trong cây nên bón vôi trực tiếp vào gốc là tốt nhất.

Ngoài ra KS Dương Hồng Phong còn cho biết, để lạc sinh trưởng và phát triển tốt cần làm tốt công tác tỉa dặm, xới xáo, làm cỏ. Khi cây có 2 lá thật nên tỉa dặm để đảm bảo mật độ. Khi cây có 3-5 lá thật thì nhổ cỏ, xới xáo đất, kết hợp bón thúc. Khi cây có 9 lá thật, bắt đầu ra hoa thì cuốc cỏ xới sâu 5-6cm gần gốc. Khi hoa đợt một tàn thì bón phân, vôi còn lại, kết hợp vun gốc cho lạc.

Ông Nguyễn Thanh Oai, Phó Giám đốc HTX Thanh Sơn cho biết: “Việc triển khai mô hình trồng lạc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng hàng hóa đạt được kết quả tốt. Đặc biệt là nâng cao mật độ cây lạc một cách hợp lý và sử dụng hệ thống tưới đã đảm bảo năng suất cũng như hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Năng suất của ruộng lạc mô hình đạt 25 tạ/ha, cao hơn ruộng đại trà 3 tạ/ha”.

Ông Nguyễn Văn Thức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thanh đề nghị cấp trên tiếp tục hỗ trợ kinh phí, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn và xây dựng mô hình các vụ tiếp theo để bà con tiếp cận nhiều hơn nữa với tiến bộ kỹ thuật...

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.