Bà yêu cầu chính quyền Mỹ phải "hành động nghiêm túc" để ngăn chặn việc giết hại người gốc Phi không vũ trang.
"Đây là vụ mới nhất trong một loạt vụ giết người Mỹ gốc Phi không vũ trang", bà Bachelet nói trong một tuyên bố.
"Tôi rất thất vọng khi phải thêm tên của George Floyd nối dài danh sách của Breonna Taylor, Eric Garner, Michael Brown và nhiều người gốc Phi khác chết trong những năm qua dưới tay cảnh sát", bà nói.
"Chính quyền Mỹ phải có hành động nghiêm túc để ngăn chặn những vụ giết người như vậy, và để đảm bảo công lý trừng phạt kẻ có tội".
"Các thủ tục phải thay đổi, hệ thống phòng ngừa phải được đưa ra, và trên hết, những sĩ quan cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức nên bị buộc tội và kết án về tội ác gây ra", bà Bachelet nói.
Trước đó, trong các vụ bạo hành người da đen, cảnh sát thường được tha bổng.
Năm 1992, sau một sự cố giao thông, Rodney King, người đàn ông da đen, bị cảnh sát Los Angeles đánh đập dã man. Ông bị đối xử như thể không phải là con người và khi các sĩ quan đánh đập King được tha bổng, bạo loạn bao trùm khu vực Los Angeles.
“Cơn giận dữ về sự tha bổng tràn ra đường, dẫn đến 5 ngày bạo loạn ở Los Angeles. Nó đã kích hoạt một cuộc đối thoại quốc gia về sự chênh lệch về chủng tộc và kinh tế, cũng như việc sử dụng vũ lực của cảnh sát vẫn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay”, theo Đài phát thanh công cộng quốc gia (NPR).
Hai mươi năm sau, năm 2012, Khayvon Martin, 17 tuổi, bị sát hại bởi người canh gác khu phố George Zimmerman. Zimmerman, giống như các sĩ quan cảnh sát Los Angeles, được tha bổng.
“Cuối cùng, anh ta được tha bổng. Sáu nữ bồi thẩm nhận thấy không có một chứng cứ đủ mạnh để chứng minh rằng Zimmerman phạm tội giết người cấp độ 2”, theo NPR.
Michael Brown, một thanh niên 18 tuổi đến từ Missouri, bị bắn và giết bởi một sĩ quan cảnh sát vào năm 2014. Kẻ sát hại cậu ta cũng được tha bổng.
“Một bồi thẩm đoàn lớn đã không truy tố viên cảnh sát Darren Wilson vì bất kỳ tội ác nào liên quan đến cái chết của Brown, 18 tuổi. Wilson, người da trắng, bắn và giết Brown, người da đen không vũ trang, trong sự kiện ngày 9/8 gây ra sự tức giận và tranh luận ở Ferguson, Missouri và nhiều nơi khác”, NPR đưa tin.
Đã đến lúc cần thay đổi.
Năm 2019, Daniel Pantaleo, giết chết người da đen Eric Garner trong quá trình bắt giữ, bị sa thải khỏi ngành sau khi một thẩm phán kết luận ông ta vi phạm quy trình của cảnh sát.
Vụ việc xảy ra trước đó 5 năm tại Staten Island, New York. Ngày 17/7/2014, Garner bị buộc tội bán thuốc lá lậu. Những lời cuối cùng của Garner, “Tôi không thở được”, trở thành khẩu hiệu của phong trào biểu tình khắp nước Mỹ sau đó.
Trong vụ Floyd, các công tố viên Minnesota thông báo cảnh sát Derek Chauvin bị truy tố tội giết người cấp độ 3 và ngộ sát do bất cẩn. Tuy nhiên, họ vừa tăng mức truy tố lên tội giết người cấp độ 2, tức không mang sự mưu tính trước nhưng sẽ chịu mức phạt nặng hơn.
Theo kênh CNBC, với tội danh đó, bị cáo có thể đối diện án phạt tối đa 40 năm tù. Còn với tội giết người cấp độ 3, án phạt tối đa là 25 năm tù.
Ba cảnh sát viên khác, gồm Tou Thao (34 tuổi), J. Alexander Kueng (26 tuổi) và Thomas Lane (37 tuổi), bị truy tố tội hỗ trợ và tiếp tay giết người cấp độ 2.
9 thành viên của Hội đồng thành phố Minneapolis xuất hiện cùng các nhà hoạt động vào chiều 7/6/2020 và thề sẽ bắt đầu xây dựng lại lực lượng cảnh sát thành phố.
Một phiên bản cải tổ hoàn chỉnh hơn của Sở cảnh sát Minneapolis có thể sẽ ra mắt trong những tháng tới, với việc thúc đẩy cắt ngân sách hoặc bãi bỏ bộ phận cảnh sát hiện tại khi cuộc điều tra dân quyền được tiến hành.
Trong một bài báo của Star Tribune năm 2014, lực lượng cảnh sát Minneapolis, bao gồm cả các học viên trong đào tạo thực địa, có 78,9% người da trắng, 9,2% người da đen, 5,2% người châu Á, 4,1% người gốc Tây Ban Nha và 2,5% người Mỹ da đỏ.
Không chỉ Minneapolis, Thị trưởng New York Bill de Blasio cam kết cắt giảm ngân sách của Sở cảnh sát, chiếm 6% ngân sách thành phố, và dành nhiều tiền hơn cho dịch vụ xã hội.
Philip McHarris, nghiên cứu sinh tiến sĩ về xã hội học tại Đại học Yale, cho biết có hai luồng ý kiến.
Một số người ủng hộ tái phân bổ một phần, không phải là tất cả, ngân sách vốn dành cho các Sở cảnh sát sang các dịch vụ xã hội. Trong khi đó, một số muốn cắt hoàn toàn tài chính và giải tán lực lượng cảnh sát.
Công chúng cũng muốn xóa bỏ quan điểm cảnh sát là những người bảo vệ cộng đồng.
“Cắt ngân sách cho cảnh sát sẽ giúp chấm dứt văn hóa trừng phạt trong hệ thống tư pháp hình sự”, nghiên cứu sinh McHarris nêu suy nghĩ.
Về phía hệ thống cảnh sát, phần lớn bắt đầu hiểu ra rằng sự tàn bạo, đặc biệt là vũ lực gây chết người, dẫn đến sự ngờ vực của công chúng. Lực lượng cảnh sát Hoa Kỳ đang cố gắng trở nên đa dạng hơn.
Những sinh viên đại học chuyên ngành tư pháp hình sự, những người dự định trở thành sĩ quan thực thi pháp luật trong tương lai giờ đây thường xuyên có sự đa dạng trong các khóa học về công lý hình sự.
Chương trình giảng dạy tương đối mới này được thiết kế để, cùng với những điều khác, làm cho các chuyên gia cảnh sát trong tương lai nhận thức rõ hơn.
Nhưng sự “thâm căn cố đế” của phân biệt chủng tộc có nghĩa là trừ khi chính sách của Mỹ tính toán với gốc rễ vấn đề, nếu không tương lai sẽ có khả năng tiếp tục lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Điều này sẽ cản trở cảnh sát bảo vệ và phục vụ toàn bộ công chúng.