| Hotline: 0983.970.780

Cuộc "nội chiến" dai dẳng ở Hoa Kỳ

Gốc rễ của phân biệt chủng tộc trong hệ thống cảnh sát

Thứ Năm 11/06/2020 , 06:10 (GMT+7)

Trong khoảng thế kỷ đầu tiên Hoa Kỳ lập quốc, chế độ nô lệ hợp pháp hóa việc sở hữu người da đen và bóc lột họ.

Luật Jim Crow, theo sau chế độ nô lệ, thi hành sự phân biệt chủng tộc ở miền Nam Hoa Kỳ, chính thức nâng tầm việc phân biệt đối xử.

Tất cả những luật lệ này được ban hành vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 bởi các cơ quan lập pháp tiểu bang bị thống trị bởi những người da trắng theo đảng dân chủ miền Nam (southern democrats) sau thời kỳ Tái thiết. Luật được thi hành cho đến năm 1965.

Trong thực tế, luật Jim Crow ra lệnh thi hành phân biệt chủng tộc tại tất cả các cơ sở công cộng ở các bang thuộc Liên minh miền Nam Hoa Kỳ cũ và các tiểu bang khác, bắt đầu từ những năm 1870 và 1880.

Sau luật Jim Crow là một tổ hợp công nghiệp nhà tù tiếp tục tước quyền người da đen. Thông qua giết người và tống giam hàng loạt, phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại dai dẳng ở nước Mỹ.

Đã 60 năm kể từ khi Phong trào Dân quyền hình thành, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia bảo thủ và căm thù có hệ thống đối với người da đen.

Làm trầm trọng thêm vấn đề vốn đã khủng khiếp này là cảnh sát, vốn được thiết kế để bảo vệ công dân khỏi bạo lực, thường là những đối tượng chịu trách nhiệm các vụ bạo hành cá nhân và cộng đồng người da màu.

Martin Luther King Jr. nói về hậu quả của định kiến đó: "Quả thực đây là bi kịch cuối cùng của sự phân biệt. Nó không chỉ gây tổn hại cho một người về thể xác, mà còn làm tổn thương tinh thần. Nó làm tổn thương tâm hồn".

Tiền thân của lực lượng thực thi pháp luật

Để hiểu bản chất các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ thời gian qua, cần phải hiểu lịch sử đầy rắc rối của cảnh sát và phân biệt chủng tộc. Sự tàn bạo của cảnh sát, phân biệt chủng tộc và bạo lực đối với người thiểu số được đan xen và bắt nguồn từ lịch sử Hoa Kỳ.

Các nhân viên thực thi pháp luật từ lâu đã lạm dụng thẩm quyền của mình để kiểm soát người da đen.

Trước nội chiến, những đội tuần tra nô lệ, tạo nên từ những người tình nguyện da trắng, được giao nhiệm vụ theo dõi nô lệ chạy trốn trên khắp quốc gia. Họ được trao quyền giữ gìn trật tự và thực thi luật liên quan đến chế độ nô lệ.

Đội tuần tra chống nô lệ đầu tiên thành lập ở Nam Carolina vào đầu những năm 1700. “Vào thời điểm John Adams trở thành Tổng thống Hoa Kỳ thứ hai, mọi tiểu bang chưa xóa bỏ chế độ nô lệ đều có các đội tuần tra này”, giáo sư công tác xã hội của Đại học Georgia, Michael A Robinson, viết.

Các thành viên của đội tuần tra nô lệ có thể vào nhà bất cứ ai, bất kể chủng tộc hay sắc tộc của họ.

Tiền thân phổ biến hơn của lực lượng thực thi pháp luật hiện đại là các sở cảnh sát, bắt đầu hình thành từ đầu thế kỷ 19, đầu tiên là ở Boston và sớm mọc lên tại các thành phố New York, Albany, Chicago, Philadelphia…

Thành viên các lực lượng cảnh sát đầu tiên có màu da trắng áp đảo, chủ yếu là nam giới, và tập trung vào việc đối phó với mất trật tự hơn là tội phạm.

Như Gary Potter, nhà tội phạm học của Đại học Đông Kentucky, giải thích, các sĩ quan cảnh sát dự kiến sẽ kiểm soát “tầng lớp thấp kém nguy hiểm”, bao gồm người Mỹ gốc Phi, người nhập cư và người nghèo.

Lạm quyền

Cảnh sát tham nhũng và bạo lực - đặc biệt là chống lại người dễ bị tổn thương - là điều phổ biến trong những năm đầu thập niên 1900.

Những yếu tố - kiểm soát mất trật tự, thiếu đào tạo, thiếu sĩ quan không phải người da trắng và nguồn gốc tuần tra chống nô lệ - có thể coi là nguồn cơn của sự tàn bạo của cảnh sát hiện đại chống lại cộng đồng người da màu.

Cảnh sát gắn liền với việc sử dụng vũ lực bởi một hệ thống tư pháp nhằm duy trì phân cấp xã hội dựa trên niềm tin vào thuyết “người da trắng thượng đẳng”.

Trong hơn một thế kỷ sau Nội chiến, các quan chức cảnh sát thường là thành viên bí mật của các nhóm siêu quyền lực da trắng như Ku Klux Klan.

Năm 2019, dữ liệu do Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ tổng hợp cho thấy người da đen có khả năng bị cảnh sát giết chết cao gấp 2,5 lần so với người da trắng.

Cảnh sát có xu hướng nhắm vào người da đen vì nghi ngờ phạm tội nhiều hơn nghi ngờ người da trắng. Điều này đặc biệt rõ ràng trong các tội liên quan đến ma túy.

Mặc dù có tỷ lệ sử dụng ma túy tương tự như người da trắng, nhưng người da đen bị bắt giữ một cách không tương xứng và bị kết án về tội phạm ma túy. Giai đoạn 1995 - 2005, người da đen chiếm 13% số người sử dụng ma túy nhưng chiếm tới 46% số tội phạm ma túy.

Các cuộc biểu tình hiện nay là một tia hy vọng cho sự thay đổi, nhưng nếu không có bất kỳ hướng dẫn và thay đổi nào xảy ra, nước Mỹ có thể lại sớm nói về một nạn nhân da đen khác bị cảnh sát bạo hành.

Một nghiên cứu năm 2004 của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ phát hiện ra rằng người da đen thường liên quan đến các tính từ mô tả như nguy hiểm, hung hăng, bạo lực, và tội phạm. Những định kiến tiêu cực này ảnh hưởng đến các quyết định kiểm soát.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.