Làng Tri Chỉ mở hội đón sắc phong
Ngày 30/10/2022 đánh dấu cột mốc không thể nào quên của toàn dân làng Tri Chỉ - một ngôi làng cổ của Hà Nội khi những sắc phong trở về dưới mái đình làng, người dân vui mừng mở hội lớn ăn mừng. Nhà nhà, người người đổ ra đường xem đoàn rước kiệu sắc phong đi qua.
“Châu về hợp phố”, câu nói được ông Lê Hữu Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Trung, dùng để bày tỏ cảm xúc trong ngày lễ trong đại của cả toàn xã. Bản thân ông và dân làng sẽ đồng lòng gìn giữ những báu vật quý giá mà không gì có thể đánh đổi được này.
Tại lễ trao trả sắc phong được tổ chức tại trụ sở UBND xã, thay mặt toàn bộ người dân, ông Lê Hữu Cường không giấu khỏi sự vui mừng khi bày tỏ sự cảm kích đối với hành động trao trả nguyên vẹn các sắc phong của nhà sưu tầm Đặng Vũ Khương cùng tập thể nhóm nghiên cứu Hán-Nôm.
Sắc phong là thứ vô giá mà tiền bạc không thể mua được. Sắc phong trở thành điểm tựa tinh thần để mỗi người dân sống ở làng đó đều thấy bản thân mình như một phần ở trong đó, như được che chở, bao bọc. Để từ đó họ ý thức hơn trong việc gìn giữ bảo vệ tài sản của làng, sống tốt hơn để xứng đáng với cha ông và những vị thần được phong sắc.
Hành trình 16 năm tìm về làng Tri Chỉ
16 năm đằng đẵng kể từ ngày làng Tri Chỉ đánh mất 27 đạo đạo sắc phong quý giá của các triều đại vua chúa ban phong cho thành hoàng làng và các vị thần. Những câu chuyện đồn đoán xung quanh về sự mất tích bí ẩn của các tờ sắc phong, các chức sắc trong làng thời điểm đó đã có một số mâu thuẫn kéo theo lòng dân cũng có phần ngổn ngang, nghi hoặc. Vài người còn cho rằng việc mất đi những sắc phong cũng khiến cho phần hồn, phần linh thiêng của làng quê cũng từ đó mà đi theo.
Trong 22 đạo sắc phong làng Tri Chỉ, có rất nhiều sắc phong có niên đại từ 1846 được lưu giữ nguyên vẹn, không mất chữ, đó là những sắc phong có từ thời vua Thiệu Trị thứ 6 (1846), đây là tư liệu quý về lịch sử văn hóa của đất nước cần được bảo tồn, lưu giữ.
Mãi cho đến khi có thông tin 22 đạo sắc phong đang được nhà sưu tầm Đặng Vũ Khương lưu giữ và mong muốn tặng lại cho chính quyền làng Tri Chỉ. Hành động cao cả của nhóm nhà nghiên cứu về sắc phong không những mang lại niềm tin cho người dân làng mà còn góp một phần công lao vào bảo tồn gìn giữ những bảo vật quý giá của lịch sử dân tộc.
Sắc phong là văn bản của nhà vua ban để phong chức tước cho quý tộc, quan chức, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần, thành hoàng được xây dựng trong các đình, làng thuộc xã người Việt.
Giá trị và ý nghĩa của sắc phong đối với văn hóa lịch sử: Sắc phong ghi lại tên tuổi và công lao của một số nhân vật lịch sử kèm theo quê quán, công tích và xếp hạng. Sắc phong phản ánh hệ thống hành chính với những địa danh và đơn vị hành chính mang niên đại cụ thể. Sắc phong thể hiện vai trò tối thượng của nhà vua trong việc trị vì muôn dân và cai quản cả thế giới thần linh, kết hợp với các tín ngưỡng và đời sống tâm linh, có quan hệ mật thiết với các lễ hội dân gian và sinh hoạt văn hóa của làng, xã.