Cũng từ đây, Bộ NN-PTNT, các địa phương đã rốt ráo vào cuộc để xử lý, ngăn chặn nạn buôn bán vacxin, thuốc thú y nhập lậu.
1.
Gần 10 năm gắn bó với Báo Nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi chẳng còn lạ lẫm gì với những câu chuyện gà nhập lậu; phân bón nhập lậu; thuốc trừ sâu nhập lậu; cây, con giống nhập lậu; hoá chất lậu... tràn vào lãnh thổ nước ta.
“Bạn đồng hành” với hàng lậu luôn là những mối hiểm hoạ, bởi chẳng có cơ quan chuyên môn nào kiểm tra chất lượng và tính an toàn của nó. Các loại dịch bệnh nguy hiểm; hoá chất độc hại cũng xâm nhập vào cây trồng, vật nuôi chủ yếu từ con đường này. Và đương nhiên, người tiêu dùng thực phẩm chính là nạn nhân nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn.
Cũng chính từ quá trình thâm nhập thực tiễn, tôi phát hiện ra một sự thật bàng hoàng trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y mà chưa có một phương tiện truyền thông, báo chí nào “đụng” đến, phản ánh sinh động với những bằng chứng cụ thể. Đó chính là tình trạng mua bán, sử dụng tràn lan vacxin, thuốc thú y nhập lậu.
Và để thu thập những sản phẩm vacxin, thuốc thú y nhập lậu, từ đó cảnh báo cho hàng chục triệu hộ chăn nuôi, chúng tôi buộc lòng phải... đi mua hàng lậu. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta không thể đánh đồng việc mua một loại hàng hoá nhập lậu, ngoài danh mục sản phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam với hành vi bị pháp luật nghiêm cấm dưới bất kỳ hình thức nào, đó là mua ma tuý.
2.
Có thể ví hoạt động buôn bán vacxin, thuốc thú y nhập lậu giống như “bão ngầm”, âm thầm gieo rắc mối nguy hiểm cho ngành chăn nuôi. Bởi việc sử dụng các loại vi sinh vật và hoá chất chưa được kiểm chứng độ an toàn sẽ khiến công tác phòng, chống dịch bệnh trở nên khó khăn và phức tạp.
Đặc biệt, tình trạng dùng kháng sinh nguyên liệu vô tội vạ, mất kiểm soát trên vật nuôi dẫn đến tồn dư trong thực phẩm (thịt, trứng, sữa, thuỷ sản), gây ra thảm họa kháng kháng sinh (kháng thuốc) trên người.
Bởi, rất nhiều loại kháng sinh được sử dụng chung để phòng và điều trị bệnh trên người và động vật. Trước vấn nạn trên, WHO đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ để nhân loại cùng chung tay phòng, chống kháng thuốc: “Không hành động hôm nay, ngày mai không có thuốc chữa”.
Xác định đây là đề tài mới và có ý nghĩa rất lớn cho xã hội, chúng tôi đã lên kế hoạch kỹ lưỡng và bài bản cho loạt bài dài kỳ mang tên: “Tràn lan vacxin, thuốc thú y lậu” gồm 9 bài. Đặc biệt là phương pháp nhập vai để tiếp cận và ghi video về hành vi của các đối tượng buôn bán, sử dụng vacxin, thuốc thú y nhập lậu một cách tự nhiên nhất, đảm bảo tính khách quan.
Tôi quyết định để râu, tóc tai bù xù và ăn vận xuề xoà như người chăn nuôi để mua vacxin, thuốc thú y, kháng sinh nguyên liệu nhập lậu. Những thuật ngữ chuyên ngành thú y, những tiếng lóng giới chăn nuôi hay sử dụng và các biểu hiện bệnh trên vật nuôi, cách thức sử dụng thuốc được chúng tôi tham khảo, ghi nhớ trước khi giao tiếp với người bán vacxin, thuốc thú y tại các cửa hàng kinh doanh.
Trong nghiệp vụ báo chí điều tra, yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công chính là bằng chứng. Và, video luôn là tài liệu, chứng cứ đảm bảo tính chân thực cao nhất. Để có được những khoảnh khắc trao đổi mua bán hàng hoá là các sản phẩm vacxin, thuốc thú y nhập lậu (các clip đính kèm trong các bài viết trên báo điện tử www.nongnghiep.vn), chúng tôi phải đầu tư các thiết bị chuyên dụng để đối tượng bị phản ánh không thể phát hiện.
Từ hoạt động nhập vai, “thâm cung” trong thị trường kinh doanh thuốc thú y dần được vén màn. Từ người bán hàng và chủ trang trại chăn nuôi đều thừa nhận, các loại vacxin, thuốc thú y nhập lậu đang được sử dụng một cách phổ biến tại Việt Nam, nhất là các loại vacxin phòng bệnh cúm gia cầm, E.coli - Bại huyết, cầu trùng, tembusu, tai xanh, rụt mỏ vịt...
Vô hình trung, giới buôn bán hàng lậu đã biến các trang trại chăn nuôi thành “phòng thí nghiệm” hiệu lực của vacxin, thuốc thú y. Bởi trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp tiêm thuốc phòng nhưng vật nuôi vẫn nhiễm bệnh như thường. Nhiều bác sỹ thú y chẳng cần hỏi thăm tình trạng sức khoẻ của vật nuôi, khách hàng cứ hỏi mua là bán kháng sinh nguyên liệu (mặt hàng cấm bán trực tiếp cho người chăn nuôi sử dụng). Thậm chí họ còn tự vẽ phác đồ điều trị để khuyến khích nông dân sử dụng thường xuyên.
Bên cạnh đó, chân dung những “ông trùm”, “bà trùm” buôn vacxin, kháng sinh nguyên liệu nhập lậu cũng hiện lên rõ nét trên mặt báo, khi các thủ thuật, mánh khoé kinh doanh phạm pháp được phơi bày.
Những hiện tượng bát nháo đó đã tồn tại nhiều năm qua, tuy nhiên, đáng buồn là sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước lại hết sức mờ nhạt. Bằng chứng là số vụ việc phát hiện, xử lý rất ít và đa phần không được công khai trên báo chí.
3.
Trước khi loạt bài được đăng tải, chúng tôi mang những chai vacxin, thuốc thú y nhập lậu trực tiếp gõ cửa một số cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để đề nghị phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm của các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y. Tuy nhiên, câu trả lời là: “Chúng tôi không có người để phối hợp”.
Một số đơn vị quản lý chuyên ngành địa phương thì nói “để chúng tôi nghiên cứu”, hoặc “thẩm quyền của chúng tôi có hạn”, “cần thời gian để trinh sát rồi mới tiến hành kiểm tra”... Thất vọng rồi lại đến thất vọng, cảm giác của chúng tôi ngày một tăng lên.
Không thể chần chừ được nữa. Ngày 23/5, Ban Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam quyết định đăng bài đầu tiên của loạt bài với tựa đề: “Tràn lan vacxin, thuốc thú y lậu: Tôi đi mua vacxin lậu”. Chỉ vài giờ sau khi bài báo được đăng tải trên nền tảng báo in và báo điện tử, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chỉ đạo khẩn Cục trưởng Cục Thú y phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam để kiểm tra, xử lý.
Tôi cũng nhắn tin, gọi điện thoại cho ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội đề nghị đơn vị này ra quyết định kiểm tra đột xuất đối với cửa hàng kinh doanh vacxin cúm gia cầm nhập lậu ở huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Kết quả, đoàn kiểm tra đã phát hiện và thu giữ rất nhiều sản phẩm vacxin, thuốc thú y vi phạm, không có tem nhãn tại cơ sở kinh doanh này.
Ngay trong tối 23/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã ký văn bản số 3209/BNN-TY đề nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vacxin thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Từ đó, nhiều địa phương cùng vào cuộc kiểm tra và xử lý các đối tượng được phản ánh trong loạt bài của Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, Thanh tra Sở NN-PTNT Ninh Bình phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Ninh Bình) tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã phát hiện kho hàng (không có biển hiệu) của ông Phạm Văn Sáng tại xóm 9, xã Chất Bình, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình có nhiều chai vacxin phòng bệnh cúm gia cầm (loại 250ml) và gần 2.000 chai “thuốc lạ” (100ml/chai) sử dụng cho thủy sản, tem nhãn in chữ Trung Quốc và không có nhãn phụ tiếng Việt. Cơ quan công an đã tiến hành thu giữ tang vật và điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với cửa hàng thuốc thú y - thuỷ sản Kim Tuấn do thạc sỹ Phạm Kim Anh phụ trách (nhân vật được nhắc đến trong bài “Đi tìm “trùm” buôn vacxin, kháng sinh nguyên liệu Trung Quốc”, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản Bắc Ninh phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra cơ sở kinh doanh này. Kết quả, chủ cửa hàng đã nhanh chóng bóc gỡ toàn bộ chữ nổi trên biển hiệu đồng thời có thông báo dừng kinh doanh.
Chúng tôi tin tưởng rằng với “hồi chuông cảnh tỉnh” sau loạt bài điều tra “Tràn lan vacxin, thuốc thú y lậu”, với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN-PTNT, đặc biệt là Văn bản số 3209/BNN-TY của Bộ NN-PTNT đề nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND các tỉnh cùng phối hợp ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vacxin thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc, vấn nạn trên sẽ được ngăn chặn trong thời gian tới.
Như vậy, sức sống và giá trị thông tin của loạt bài sẽ vẫn tồn tại cùng thời gian và mang lại sự đổi thay tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội.