Dự trữ 10 mặt hàng thiết yếu
Theo đó, đơn vị này sẽ chuẩn bị dự trữ 10 mặt hàng thiết yếu (gồm: gạo tẻ; thịt lợn; thịt gà; trứng gia cầm; thủy hải sản tươi, đông lạnh; dầu ăn; rau củ; thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo tết, sữa nước) được dự trữ từ nguồn vốn tạm ứng của thành phố, vay các tổ chức tín dụng và nguồn vốn của doanh nghiệp).
Đồng thời mở rộng tối đa mạng lưới phân phối bán lẻ mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại các huyện ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu tập trung đông dân cư; cung cấp kịp thời, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân, hạn chế tình trạng khan hiếm, mất cân đối về cung cầu hàng hóa, đảm bảo công tác bình ổn giá theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.
Để thuận tiện cho việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa, trong suốt quá trình triển khai phương án, Hapro đề xuất các cơ quan chức năng cấp thêm giấy phép cho các phương tiện được phép hoạt động 24/24 giờ trên địa bàn thành phố.
Tổng công ty giao cho một số đơn vị có thế mạnh trong sản xuất và khai thác, phân phối các mặt hàng thiết yếu làm đầu mối bán buôn, cung ứng hàng hóa cho các hệ thống bán lẻ trong và ngoài Tổng công ty; tăng cường đẩy mạnh công tác đưa hàng bình ổn giá vào các bếp ăn tập thể tại các trường học, cơ quan, nhà hàng, khách sạn,....
Đối với hình thức bán lẻ, Hapro sẽ bố trí khoảng 184 điểm bán hàng bình ổn giá theo các tiêu chuẩn của Thành phố. Tại các điểm bán hàng bình ổn giá, Tổng công ty bố trí treo các băng rôn, thông điệp về Chương trình bình ổn giá của Thành phố, treo bảng niêm yết công khai giá bán.
Xây dựng mức giá hợp lý nhất
Ngoài tập trung vào các điểm bán cố định trong các Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm bán trong mạng lưới bán lẻ của mình, Hapro còn tổ chức các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn giá về nông thôn, các khu công nghiệp, chế xuất (theo Chương trình đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2015).
Đồng thời, đơn vị này cũng phát triển mạng lưới ở các chợ dân sinh, khu dân cư,...theo mô hình hợp tác liên kết, bán đại lý,…với giá bán và nhận diện thống nhất trong hệ thống của Tổng công ty, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại khu vực nông thôn.
Tổng công ty cam kết xây dựng mức giá bán hợp lý nhất, bám sát giá thị trường tại cùng thời điểm đối với các mặt hàng được tạm ứng vốn và thực hiện nghiêm chỉnh việc đăng ký giá với Sở Tài chính theo quy định, niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết.
Trong trường hợp giá của một hoặc một số loại hàng hoá nằm trong nhóm hàng bình ổn trên thị trường, được dự trữ bằng nguồn vốn tạm ứng từ Ngân sách Thành phố có biến động tăng kéo dài từ 15 ngày liên tục và mức tăng từ 15% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động, Tổng công ty sẽ xây dựng phương án điều chỉnh giá bán, báo cáo liên Sở Công thương –Tài chính đề nghị điều chỉnh giá bán, mức giá điều chỉnh đảm bảo nguyên tắc thấp hơn 10% giá thị trường.
Trường hợp thị trường có biến động giảm giá từ 5% trở lên, Tổng công ty sẽ chủ động điều chỉnh giảm giá bán tương ứng đối với các mặt hàng giảm giá, đồng thời gửi thông báo điều chỉnh giá về liên Sở Công thương – Tài chính theo quy định.