| Hotline: 0983.970.780

Hạt điều xuất khẩu bị cảnh báo về chất lượng

Thứ Tư 11/10/2023 , 14:49 (GMT+7)

Chất lượng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam đang giảm, đó là cảnh báo từ một số hiệp hội, khách hàng lớn từ 2 thị trường quan trọng là châu Âu, Mỹ.

Đang có những cảnh báo về việc chất lượng hạt điều Việt Nam suy giảm.

Đang có những cảnh báo về việc chất lượng hạt điều Việt Nam suy giảm.

Xuất khẩu hạt điều Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng tốt về lượng, nhưng giá hạt điều xuất khẩu lại giảm khá nhiều. Cụ thể, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 9 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 453 nghìn tấn hạt điều, tăng gần 19% về lượng, nhưng giá trị xuất khẩu lại chỉ tăng 13,5% và đạt 2,6 tỷ USD.

Lượng xuất khẩu tăng mạnh hơn đáng kể so với kim ngạch là do giá hạt điều xuất khẩu bình quân giảm. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 8 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.760 USD/tấn, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho giá xuất khẩu bình quân hạt điều giảm, trong đó có vấn đề chất lượng. Theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), do an toàn vệ sinh thực phẩm của hạt điều Việt Nam bị suy giảm nên giá hạt điều Việt Nam hiện đang thấp hơn giá hạt điều của Ấn Độ.

Thông tin từ Vinacas cho thấy, trong thời gian qua, đã có những phàn nàn, cảnh báo từ một số khách hàng, thị trường về chất lượng của nhiều lô hàng hạt điều Việt Nam xuất khẩu. Cụ thể, 2 hiệp hội về ngành hạt và thực phẩm ở châu Âu, Mỹ và một số khách hàng lớn đã có văn bản cảnh báo về việc chất lượng hạt điều Việt Nam đi xuống. Trong đó, những chỉ tiêu bị cảnh báo nhiều là sâu mọt (côn trùng) sống trong hạt điều, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tạp chất lạ …

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Vinacas, cho biết, các tháng cuối năm là thời điểm mưa nhiều khiến cho hạt điều dễ bị ẩm mốc, côn trùng sinh sôi nảy nở. Đây lại là thời điểm các nhà máy tăng cường sản xuất để đáp ứng kịp thời nhu cầu nhập khẩu tăng cao vào dịp cuối năm. Do đó, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trong chế biến nhân điều có thể không còn được chặt chẽ như trước. Ngay cả yêu cầu đảm bảo thời gian cách ly sau khi dùng thuốc để khử trùng, cũng không được nhiều nhà máy tuân thủ vì áp lực giao hàng, đã dẫn tới có dư lượng hóa chất trên sản phẩm xuất khẩu.

Trước thực trạng đó, trong thời gian qua, Vinacas đã thường xuyên khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên về những cảnh báo từ nước ngoài, về việc phải tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong quá trình kiểm soát… Tuy nhiên, ông Công thừa nhận, Hiệp hội chỉ có thể dừng ở khuyến cáo, không có quyền kiểm tra, xử phạt. Trong khi đó, các lô hàng bị cảnh báo chủ yếu đến từ các doanh nghiệp không phải thành viên của Vinacas.

Vì vậy, Vinacas mong muốn cơ quan chức năng ở các tỉnh có ngành công nghiệp chế biến điều, nhất là Bình Phước, cần tăng cường công tác kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm ở các nhà máy chế biến điều, qua đó góp phần vào việc giữ vững chất lượng, uy tín cũng như vị thế của hạt điều Việt Nam trên thị trường thế giới.

Theo ông Phạm Văn Công, với kim ngạch đã đạt được trong 9 tháng đầu năm, cộng với nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường tăng cao trong những tháng cuối năm, xuất khẩu hạt điều trong năm nay hoàn toàn có thể đạt 3,2 tỷ USD.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.