Với số lượng được phân bổ trong toàn tỉnh là 100 tấn, riêng thành phố Biên Hòa là 30 tấn, sẽ có hơn 33 ngàn người được nhận gạo trong chương trình "Hạt vàng Bưu điện" tại Đồng Nai.
Là đại diện doanh nghiệp Bưu chính quốc gia trên địa bàn tỉnh, trong nhiều ngày qua Bưu điện tỉnh Đồng Nai triển khai hàng loạt các giải pháp đảm bảo lưu thông luồng thông tin thư tín là các văn bản quan trọng trong chỉ đạo phòng chống dịch từ Trung ương đến tỉnh, từ tỉnh đến huyện, xã cũng như đảm bảo chuyển phát hàng ngàn tấn hàng hóa thiết yếu đến với người dân trong đại dịch.
Trong những ngày thành phố Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai áp dụng chỉ thị 16 của Chính phủ, Bưu điện tỉnh kích hoạt 86 điểm bán hàng hóa thiết yếu tại Bưu cục để phục vụ người dân đồng thời tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên, người lao động của đơn vị, từ đó tạo cơ sở đề xuất với Sở Thông tin và truyền thông, sở Công thương và Sở Giao thông vận tải luồng xanh cho xe vận chuyển chuyên dụng, cấp mã đội ngũ Bưu tá giúp kết nối chuỗi cung ứng, đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cũng với "Hạt vàng Bưu điện", doanh nghiệp Bưu chính số 1 Việt Nam đang phát huy tốt vai trò vì cộng đồng của mình trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bà Dương Thị Việt Hương, Phó giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Hạt vàng Bưu điện” chung tay vì cộng đồng, vượt trên thách thức của dịch Covid-19 do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, với sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn khác là: Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS), Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Ngân hàng Sea Bank, Nam Á Bank tổ chức với tổng số gạo dự kiến là 700 tấn.
"Chúng tôi đã báo cáo và nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện rất lớn từ UBND tỉnh, các tổ chức như Mặt trận tổ quốc, Hội Chữ thập Đỏ, Tỉnh Đoàn cũng đã vào cuộc cùng chúng tôi từ mấy ngày nay để xác minh, phát phiếu cho người nhận, phân luồng đảm bảo giãn cách, an toàn chống dịch.
Đối với những khu vực bị cách ly hoàn toàn, những người già neo đơn, người tàn tật chúng tôi có phương án phối hợp với tổ dân phố, chính quyền tại phường, xã để phát tại nhà cho người dân. Đây là một hành động nhỏ nhưng theo tôi mang ý nghĩa rất lớn, chúng tôi cũng vô cùng xúc động khi nhận được những lời cảm ơn từ người nhận. Đúng là sự sẻ chia thì bao giờ cũng rất yêu thương và nhân văn", bà Hương cho biết thêm.
Có mặt tại điểm phát gạo của Bưu điện, anh Q., người bán vé số sở thành phố Biên Hòa cho biết, anh trước đây làm nghề bán vé số, vợ làm công nhân trong khu công nghiệp, nhưng do dịch bệnh, nhà máy tạm đóng cửa, thành phố thực hiện giãn cách anh cũng không thể đi bán vé số được, hai vợ chồng có hai con nhỏ đang tuổi đi học, mẹ già yếu nên tiền lương, thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ trả tiền sinh hoạt phí và đóng học cho con, dù được hưởng các chính sách an sinh xã hội vì là hộ nghèo song ở thời điểm hiện tại anh gặp phải rất nhiều khó khăn.
“Một chút thôi nhưng sẽ giúp chúng tôi bớt lo toan, với số gạo này bằng một ngày bình thường tôi bán vé số, giờ không bán được nữa, cũng không ai mướn làm gì nên khó khăn lắm, tôi mong dịch bệnh qua mau để cuộc sống trở lại bình thường, tiếp tục được đi làm, có thu nhập trang trải, nuôi con”.
Bên cạnh các hoạt động đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, Bưu điện Đồng Nai cũng đang tích cực làm việc với Sở Nông nghiệp, các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội tại địa phương triển khai và xây dựng kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT Postmart.vn nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn.
Với một hệ sinh thái với nhiều nền tảng số mang tính kết nối từ đăng ký định danh xác thức điện tử, mở gia hàng số đến thanh toán điện tử postpay. Bưu điện Đồng Nai chắc chắn sẽ nhanh chóng triển khai hàng loạt các giải pháp xây dựng thành công mô hình công dân số, xã hội số góp phần xây dựng chính quyền số, chính phủ số.