| Hotline: 0983.970.780

Hệ lụy trên dòng Mekong: Nỗ lực khuếch trương ảnh hưởng của Trung Quốc

Thứ Tư 31/07/2019 , 08:55 (GMT+7)

Bắc Kinh được cho là đang tái định hình dòng Mekong, biến nó thành công cụ phục vụ cho các mục tiêu chính trị của mình.

1150608997
Tàu tuần tra của Trung Quốc trên sông Mekong. Ảnh: NPR.

Khách Trung Quốc tới Thái Lan nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung luôn chiếm số lượng nhiều hơn khách từ các quốc gia khác. Làng Sob Ruak của Thái Lan, nằm ở trung tâm vùng Tam giác Vàng, nơi giao thoa giữa Lào, Thái Lan và Myanmar, không phải ngoại lệ. Xe buýt du lịch thường xuyên chở hàng nghìn du khách Trung Quốc tới đây để mua đồ trang sức, chụp ảnh và tham quan. Nhưng những người đến từ Trung Quốc không phải chỉ có riêng du khách, theo NPR.

Hàng tháng, các tàu kiểm soát biên giới Trung Quốc, xuất phát từ cảng Quan Lũy, lại đi dọc sông Mekong qua Myanmar và Lào. Chúng xuất hiện sau những tiếng còi hú dài, rồi bắt đầu hành trình lội ngược dòng ngay sát vùng nước của Thái Lan. Cánh quạt động cơ tàu quẫy tung dòng nước màu nâu nhạt. Tàu tuần tra Thái lan trong lúc đó chỉ đứng nhìn.

Tam giác Vàng vốn nổi tiếng là trung tâm buôn bán ma túy. Các cuộc tuần tra hàng tháng nhằm “khiến biên giới trên sông an toàn hơn”, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua cho biết sau vụ 13 thủy thủ Trung Quốc bị sát hại hồi năm 2011.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại có suy nghĩ khác. Họ coi đây là một hành vi “đe dọa”.

Sự xuất hiện của tàu tuần tra Trung Quốc “giống như lời nhắc nhở tới các láng giềng về sức ảnh hưởng của họ và rằng họ có quyền lực cứng, sức mạnh sắc bén mà họ nắm giữ đang ngày càng tăng”, Elliot Brennan, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Phát triển và An ninh, trụ sở ở Bangkok, Thái Lan, nhận định.

Ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của Trung Quốc đang không ngừng gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là tại Đông Nam Á. Sáng kiến Vành đai – Con đường mà Bắc Kinh khởi xướng tiếp tục khiến sức ảnh hưởng của họ được mở rộng thêm. Chưa hết, Trung Quốc còn đang xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên dòng Mekong mà theo giới chuyên gia, chúng giúp tạo ra lượng điện cần thiết nhưng cũng là mối đe dọa lớn với môi trường, đồng thời sẽ tiếp tục giúp Trung Quốc mở rộng quyền kiểm soát trong khu vực.

Theo Thitinan Pongsudhirak từ Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, trên dòng Mekong, Trung Quốc không gặp phải sự cạnh tranh hay kháng cự từ bất kỳ cường quốc khu vực nào. Đây được xem là lợi thế không nhỏ đối với Bắc Kinh trong nỗ lực khuếch trương ảnh hưởng.
 

Những con đập

Trong hơn một thập kỷ, Trung Quốc không ngừng tăng tốc xây dựng các nhà máy thủy điện dọc theo sông Mekong. 10 đập đã hình thành và con số dự kiến còn tiếp tục tăng. “Nếu thêm nhiều đập nữa được xây và nước sông trở nên khan hiếm hơn, Trung Quốc có thể lợi dụng vị trí đầu nguồn của họ như một đòn bẩy, thậm chí là một công cụ cưỡng chế”, Thitinan, chuyên gia nghiên cứu về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc dọc sông Mekong, nhận định.

Thitinan lưu ý rằng con sông vẫn mang tới nguồn thức ăn và thu nhập cho gần 60 triệu người dân ở hạ lưu, đến từ các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Phongsee Sriattana, 51 tuổi, quản lý một cửa hàng bán đồ câu cá ở làng Sob Ruak của Thái Lan. Bà cho biết mực nước sông và nguồn cá tôm đã thay đổi đáng kể từ khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng đập. Gần nhất là đập Cảnh Hồng, cách làng 290 km về phía thượng nguồn, thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

“Khi tôi còn trẻ, tôi thường ra sông bắt cá với mẹ. Lúc bấy giờ, cá nhiều đến nỗi chúng tự nhảy vào lưới của chúng tôi và tôi cứ thế lùa cá vào xô”, bà kể.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ khi Trung Quốc xây đập ở thượng nguồn. “Khi người Trung Quốc muốn chuyển hàng hóa xuống hạ lưu bằng tàu thuyền, họ xả nước”, bà nói. “Khi tàu thuyền của họ không đi, họ giữ nước bên trong các đập”.

Phongsee cho hay sông Mekong trước đây nổi tiếng với loài cá trê khổng lồ nhưng hiện tại, chúng đã vắng bóng bởi mực nước thay đổi quá nhiều khiến cá không thể đẻ trứng.

Theo các nhà sinh học, việc đánh bắt quá mức và hoạt động xây đập ngăn nước xuống hạ lưu là hai trong các nguyên nhân dẫn tới sự biến mất của loài cá trê khổng lồ sông Mekong. Các đập của Trung Quốc làm giảm mực nước và lượng trầm tích giàu chất dinh dưỡng cần thiết cho việc canh tác ở hạ lưu.

“Tôi lo họ sẽ xây thêm nhiều con đập nữa”, ngư dân Singkha Wantanam, 61 tuổi, nói. “Nhưng chẳng biết làm thế nào để ngăn họ lại. Rồi thì cá sẽ lại càng ít hơn nữa”.
 

Tàu chở hàng ngày càng lớn

Không chỉ những con đập khiến người dân giận dữ. Trung Quốc còn lên kế hoạch mở rộng, đào sâu một phần sông Mekong để vừa với các tàu cỡ lớn hơn bây giờ và đẩy mạnh thương mại dọc con sông.

2150609121
Lao động ở làng Sob Ruak, Thái Lan, chuyển nước tăng lực lên tàu hàng của Trung Quốc để chở về thượng nguồn. Ảnh: NPR.

Hiện tại, các tàu 100 tấn vẫn dỡ hàng hóa tại cảng Chiang Saen, cách làng Sob Ruak khoảng 24 km về phía hạ nguồn. Trung Quốc muốn sử dụng các tàu có tải trọng 500 tấn để chở hàng hóa từ tỉnh Vân Nam xuống tới Luang Prabang của Lào. Điều này có nghĩa họ phải dọn hết đá và nạo vét phần hẹp của dòng sông. Các nhà môi trường học cảnh báo động thái trên sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng với sông Mekong và cả những người phụ thuộc vào nó.

“Họ sẽ phá hủy hệ sinh thái của sông”, nhà hoạt động môi trường Niwat Roikaew cho hay. Khi phá hủy hệ sinh thái, đồng nghĩa họ hủy hoại luôn an ninh thực phẩm đối với con người, động vật, tất cả mọi thứ”.

Đội chiếc mũ lưỡi trai in dòng chữ “Sông Mekong không phải để bán”, đứng bên sông, Niwat chỉ về một điểm hẹp mà Trung Quốc muốn cho nổ để khiến dòng sông rộng và sâu hơn.

Khi ba tàu khảo sát Trung Quốc tới đây hồi năm 2017, Niwat đã dẫn đầu một cuộc biểu tình chống lại kế hoạch của Bắc Kinh. Sau vài tháng biểu tình, chính phủ Thái Lan tạm dừng dự án. Nhưng nhà khoa học chính trị Thitinan cho rằng "chỉ là vấn đề thời gian”, kế hoạch sẽ lại được thực hiện.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.