| Hotline: 0983.970.780

Hết lòng với biển

Thứ Tư 09/01/2013 , 09:18 (GMT+7)

Yêu nghề biển, ngặt nỗi gia cảnh nghèo khó nên ông không thể sắm tàu cá vươn khơi cùng bầu bạn. Ông đành lấy nghề lái buôn cá chuồn để nuôi ước mơ. Khi đã có điều kiện, ông lập tức đóng cho riêng mình 1 chiếc tàu cá.

Yêu nghề biển, ngặt nỗi gia cảnh nghèo khó nên ông không thể sắm tàu cá vươn khơi cùng bầu bạn. Ông đành lấy nghề lái buôn cá chuồn để nuôi ước mơ. Khi đã có điều kiện, ông lập tức đóng cho riêng mình 1 chiếc tàu cá. Chẳng bao lâu sau, ông trở thành “ông chủ” của 1 tập đoàn tàu cá đánh bắt xa bờ với hơn 10 chiếc tàu công suất lớn.

Buôn cá chuồn làm nên chuyện

Sinh ra trên vùng quê biển thuộc thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn - Bình Định), mới 15 tuổi ông Bùi Thanh Ninh (1957) đã nối nghiệp ông cha ra biển kiếm kế sinh nhai. Thế nhưng cũng như bao ngư phủ khác vào thời đó, cha con ông Ninh ngày ngày lênh đênh trên con ghe nhỏ có công suất máy chỉ 4CV đánh bắt ở những vùng biển cách bờ vài hải lý. Những mớ cá đánh bắt được chỉ đủ cho gia đình đắp đổi cuộc sống qua ngày. Ngay từ lúc ấy, ông Ninh đã biết “thả” ước mơ trên sóng nước. Ông mơ có ngày mình sở hữu 1 con tàu vươn khơi xa đánh những mẻ cá lớn.

Năm 1976, ông Ninh nhập ngũ, đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. “Suốt mấy năm làm lính, không lúc nào tui nguôi quên cái ước mơ có được cho riêng mình 1 chiếc tàu cá công suất lớn. Tui tự hứa với lòng là sau khi hoàn thành nghĩa vụ, tui sẽ thực hiện ước mơ này". Năm 1980 ông Ninh xuất ngũ, nhưng với 2 bàn tay trắng, “giấc mơ tàu cá” của ông Ninh vẫn rất xa vời, ông đành xin vào chân đi bạn cho 1 tàu cá ở địa phương.

Sau 5 năm dành dụm được ít vốn, ông Ninh vay thêm tiền để hùn 50% vốn đóng chiếc tàu 30CV hành nghề đánh bắt cá chuồn. Cá đánh bắt được thì nhiều, nhưng thu nhập chẳng là bao vì giá bán rẻ bèo. Không cam lòng, ông nghỉ mấy chuyến biển để đi tìm thị trường tiêu thụ cá chuồn. Không ngờ thị trường các tỉnh phía Bắc ăn mạnh mặt hàng này. “Tui tính toán, với mức chênh lệch giá cao như thế này thì đi buôn cá chuồn 1 thời gian là sẽ có tiền đóng được tàu to ra khơi xa làm những nghề cho thu nhập cao hơn. Thế là tui bỏ biển đi buôn cá chuồn”, ông Ninh nhớ lại.


Ông Ninh theo dõi bản đồ biển Đông để điều hành đội tàu

Ông Ninh “theo” con cá chuồn đi Bắc đến năm 1994. Lúc này thị trường đã xuất hiện những mặt hàng hải sản đông lạnh, cá chuồn khô bị “thất sủng” nên buôn bán chẳng còn lời lãi gì. Ông Ninh nghĩ đã đến lúc quay về với biển. Gom góp số vốn tích lũy được qua chặng đời lái buôn cá chuồn, vay thêm ngân hàng 200 triệu, ông Ninh đóng tàu. Cái cách đóng tàu của ông cũng rất lạ đời. Những ngư dân khác khoán gọn cho các xưởng đóng tàu, ông Ninh thì không. Ông tự thiết kế, tự tìm nguồn gỗ, thuê bãi, thuê thợ về làm công dưới sự hướng dẫn của ông. Khi chiếc tàu hạ thủy, ngư dân trong và ngoài tỉnh nghe chuyện liền nườm nượp kéo về “thuê” ông Ninh đóng tàu.

Vậy là ông Ninh trở thành chủ xưởng đóng tàu bất đắc dĩ. Ông Ninh cho biết: “Tui phải tính toán làm sao để giá thành chiếc tàu xuống thấp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cao. Nhờ vậy mà nhiều chủ tàu tin tưởng giao cho mình đóng. Chỉ trong 2 năm 2004-2005 mà tui đóng được gần 100 chiếc tàu theo đơn đặt hàng”. Không dừng lại ở đó, bên cạnh hoạt động đóng tàu, ông Ninh còn khuếch trương làm các dịch vụ cung ứng xăng dầu, lương thực thực phẩm cho tàu cá trong khu vực và bao tiêu luôn sản phẩm.

Năm 2004, ông Ninh trả hết nợ ngân hàng. Sau đó, cứ kiếm được đồng lãi nào là ông dành dụm để đóng thêm tàu cá. “Tiền lãi từ đánh bắt mỗi năm gần 1 tỷ đồng cộng tiền lãi từ các khâu dịch vụ tui góp hết để đầu tư đóng thêm tàu lớn công suất từ 350-450CV, đồng thời loại bỏ dần những tàu công suất nhỏ”, ông Ninh nói. Cứ vậy, năm nào ông Ninh cũng đóng mới 1 vài tàu, nhanh chóng trở thành “ông chủ” của 1 tập đoàn tàu cá có số má ở Bình Định với 10 chiếc tàu. Đội tàu của ông Ninh chuyên hành nghề lưới rút đánh bắt cá ngừ sọc dưa và mực xà ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển phía Nam.

Tạo lòng tin, dựng cơ nghiệp

Điều làm người ta luôn thắc mắc là không hiểu sao ông Ninh “cả gan” giao cả 10 chiếc tàu với số tài sản đến vài chục tỷ đồng cho những ngư dân không hề có “dây mơ rễ má” họ hàng, thân thích rong ruổi làm ăn trên biển. Ông Ninh cho biết: “Ngoài thời gian dành cho hoạt động đóng tàu và các dịch vụ, hàng ngày tui phải thường xuyên trực máy Icom và radio nối liên lạc với Đài Duyên Hải đặt tại Nha Trang để điều hành đội tàu ngoài khơi. Dù không có mặt tui trên biển nhưng anh em đều nhất nhất làm theo hướng dẫn của tui nên chuyện làm ăn luôn gặp thuận lợi”.


Ông Ninh (người mặc áo đen đứng trên boong) đang chỉ đạo thợ đóng tàu mới

“Ông Ninh vừa được mời tham dự Hội nghị điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong phát triển kinh tế biển đảo do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 14/11/2012. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ có hướng phát triển đội tàu của ông Ninh thành  đội đánh bắt xa bờ; đồng thời tạo điều kiện để ông tiếp cận vốn ngân hàng đóng thêm tàu công suất lớn làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển”, ông Nguyễn Hữu Hào, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định.

Ông Ninh có cách gắn trách nhiệm và quyền lợi của các tài công với tàu cá mình điều khiển. Những tài công ông Ninh chọn là những người thật sự giỏi, nhưng vì không có vốn mà phải đi làm thuê cho các tàu cá khác. Ông Ninh “chiêu mộ” họ, giao tàu, kèm theo chính sách ưu đãi là được “góp cổ phần” vào tàu từ 25% đến 50% tổng tài sản bằng chính lợi nhuận sau mỗi chuyến biển mà mỗi tài công được hưởng theo cách trừ dần. Ví như tài công Lý Văn Vinh (ở thôn Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc). Dù ông Vinh đã có 20 năm tuổi nghề, gom góp được 350 triệu đồng nhưng vẫn không đủ để đóng tàu lớn vươn khơi. Chia sẻ với hoàn cảnh của ông Vinh, ông Ninh góp vào 1,5 tỷ để đóng chiếc tàu 450CV trị giá 3 tỉ đồng.

Phần ông Vinh còn thiếu hụt, ông Ninh đứng ra giúp vay ngân hàng. Tàu hạ thủy vào cuối năm 2011, đến nay, từ khoản lãi thu được, ông Vinh đã trả nợ ngân hàng được hơn một nửa. Trường hợp tương tự tài công Vinh vừa kể trên trong đội tàu của ông Ninh không phải là hiếm. “Mình phải cư xử với anh em như vậy họ mới hết lòng với mình ngoài biển cả. Làm ra 10 đồng, tài công hưởng 3 đồng, tui hưởng 7 đồng. Nhưng tui phải chi phí rất nhiều, đôi khi chỉ còn được 1 - 2 đồng thôi, nhưng vậy cũng là hiệu quả. Hiện nay mỗi tài công trong đội tàu của tui có thu nhập chắc bắp từ 100-120 triệu đồng/năm, mỗi ngư dân thu nhập 60 triệu đồng/năm”, ông Ninh cho biết.

Không chỉ vậy, những tài công chưa có nhà ở, ông Ninh cho họ ứng trước trọn gói tiền xây nhà, sau đó đi biển trả dần. Ngư dân đi bạn ai cũng được ông Ninh cho mượn từ 30 - 50 triệu đồng để xây nhà mới. Ở trên bờ, vợ con tài công, ngư dân gặp lúc khó khăn, chạy đến ông Ninh mượn vài trăm ngàn đến vài triệu đồng đều được giải quyết kịp thời. Bởi vậy, làm trong đội tàu của ông Ninh, dù phải đối mặt với sóng to gió lớn, xa nhà dài ngày, song các tài công, thợ máy, ngư dân đều yên tâm bám biển. “Hiện nay 2 chiếc tàu đóng mới của tui mỗi chiếc có công suất 400CV đã sắp hoàn thành. Hai chiếc tàu này đã ngốn của tui hết 5 tỷ đồng nhưng tui chưa phải vay ngân hàng đồng nào”, ông Ninh phấn khởi nói.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất