| Hotline: 0983.970.780

Hết thời chè hạt

Thứ Ba 17/08/2010 , 10:07 (GMT+7)

Trên dãy núi Tam Đảo thuộc xã Ký Phú, huyện Đại Từ, hơn 60ha chè giống cũ trồng từ hạt vào những thập niên 80 – 90 đang đứng trước nguy cơ trở thành... củi.

Số người thoi thóp làm chè hạt tại xã Ký Phú nay chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay

Trong khi các giống chè mới giâm cành như: Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, LDP1, TRI777... liên tục ghi điểm mạnh mẽ ở thủ phủ chè Thái Nguyên bởi năng suất và chất lượng vượt trội thì trên dãy núi Tam Đảo thuộc xã Ký Phú, huyện Đại Từ, hơn 60ha chè giống cũ trồng từ hạt vào những thập niên 80 – 90 đang đứng trước nguy cơ trở thành... củi.

Chè cũ rẻ như... cho

Có mặt tại chợ phiên của xã Ký Phú, Đại Từ, Thái nguyên, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy các lái buôn trả giá chỉ 35.000 đồng cho 1kg chè khô, loại chè trồng từ hạt trước đây. Đấy là chè đẹp nhất mới được giá như vậy chứ chè trung bình hay chè xấu giá bán chỉ từ 25 - 30 nghìn đồng/kg là kịch. Với 30.000 đồng/kg, khi trừ hết chi phí phân bón, thuốc sâu, củi lửa và điện đóm thì người làm chè sẽ còn lại cho mình bao nhiều đồng tiền công? Ngay lập tức, tôi được một chị bán chè nhanh nhảu cho biết: “Chắc chắn là lỗ, như anh thấy đấy, nhà nông chúng tôi ở đây ngoài cây lúa và cây chè ra thì chẳng có nguồn thu nhập nào khác, đành phải lấy công làm lãi chứ biết làm sao?”.

Do các giống chè mới hiện nay yêu cầu trồng trên địa hình độ dốc thấp, đất đai phải tương đối màu mỡ, đặc biệt, phải được tưới nước thường xuyên nên không phù hợp với địa hình đồi núi dốc. Trong khi đó, chè hạt lại khắc phục được những nhược điểm đó nên được trồng rất nhiều trên dãy núi Tam Đảo. Khoảng những năm 1995 – 2005 là thời vàng son của chè hạt. Người người trồng chè, nhà nhà làm chè, hầu hết người dân của xã Ký Phú sống gần khu vực dãy Tam Đảo đều có một diện tích chè nhất định. Cây chè cũng đem lại một nguồn thu nhập không phải là nhỏ cho người dân vùng trung du này. Các lái buôn từ khắp nơi đổ về thu mua chè tươi bán lại cho các nhà máy sao chế khiến nơi đây trở thành một vùng trồng chè nhộn nhịp. Vậy mà mấy năm trở lại đây, từ khi xuất hiện các giống chè mới, chè bản địa nơi đây thất thế ê chề do không thể cạnh tranh với chè giống mới có chất lượng vượt trội. Các lái buôn liên tục ép giá khiến có thời điểm giá chè hạt tụt xuống thê thảm chỉ còn 20.000 đồng/kg, thậm chí là bán không có ai mua khiến người dân chán nản bỏ cây chè đi làm công việc khác.

Từ giã cây chè hạt

Theo số liệu thống kê mới nhất của ông Dương Văn Hanh - Bí thư Đảng uỷ kiêm Trưởng Ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp xã Ký Phú thì diện tích chè của xã hiện nay là gần 90ha. Trong đó, 20ha là chè giống mới, còn lại là chè hạt giống cũ. “Mấy năm nay do chi phí sản xuất cao, giá chè lại thấp nên có tới 90% người trồng chè nơi đây đã bỏ loại cây truyền thống này. Ví dụ như xóm Chuối có 250 hộ dân thì nhà nào cũng có diện tích chè hạt lên tới cả mẫu. Nhưng giờ số hộ còn bám trụ lại với cây chè chỉ đếm được trên đầu ngón tay”. Ông Hanh nói.

Gia đình bà Nguyễn Thị Bạo trước đây có diện tích chè lớn nhất nhì xóm Chuối với hơn 2ha, mỗi năm đem lại cho gia đình bà một nguồn thu nhập tương đối ổn định. Từ khi cây chè hạt mất vị thế, các con bà lần lượt đi làm thuê ở các thành phố lớn. Công việc không có gì lấy làm vinh quang nhưng thu nhập cao hơn làm chè rất nhiều. Ngay bên cạnh nhà bà Bạo, gia đình anh Lê Văn Lập cũng đã bỏ tới 70% diện tích chè. Diện tích chè ít ỏi anh Lập đang cố gắng làm là do “đâm lao phải theo lao” trót thuê người cắt từ năm trước nên giờ hái được cân nào hay cân đấy chứ không bón phân hay phun phiếc gì cả. Gia đình bà Bạo, anh Lập chỉ là số ít trong số hàng trăm hộ dân ở vùng núi Tam Đảo đã chính thức nói lời chia tay với cây chè hạt truyền thống.

Năm 2008 người dân xã Ký Phú bắt đầu lác đác bỏ cây chè, năm diện tích chè bỏ hoang tăng lên 50%, năm 2010 là 90%. Nếu tình hình không có gì thay đổi thì chỉ hết năm nay sẽ không còn hộ dân nào ở xã này theo cây chè hạt.
Dạo một vòng quanh khu vực ven và thượng nguồn hồ Gò Miếu, tôi không khỏi xót xa khi thấy những đồi chè ngút ngàn tầm mắt bỏ hoang vô cùng lãng phí. Do lâu không có người chăm sóc nên một số đồi chè sim, mua, cỏ dại mọc lút đầu. Số khác, người dân trồng keo kín mít giữa các khe hở của luống chè. Họ bảo, khi nào keo lớn họ sẽ chặt chè đi để cho cây phát triển. Nhiều nhà còn chặt chè một cách không thương tiếc đốt đi để trồng cây khác.

Nguyên nhân dẫn tới kết cục buồn cho cây chè hạt chưa hẳn hoàn toàn là do chất lượng kém. Ngày trước, do tránh trâu, bò phá hoại nên người dân trồng chè tận sâu trong rừng, phải đi bộ mấy cây số mới tới nơi. Trong khi đó thanh niên trai tráng đi làm ăn xa nhà, chỉ còn các ông bà già ở nhà nên các nương chè ở xa bỏ hoang là điều tất yếu. Lý do thứ hai là bà con nơi đây đều làm chè theo hình thức tự sản xuất. Nghĩa là tự trồng, chăm sóc và thu hoạch, tự chế biến rồi đợi đến chợ phiên thì đem bán cho các lái buôn. Chính vì sự thiếu chuyên nghiệp đó nên khi sản phẩm đưa ra thị trường thua kém hẳn các giống chè được sản xuất có quy trình khoa học kỹ thuật ở các vùng khác.

Bên cạnh đó phải nói đến yếu tố chăm sóc, người dân chỉ muốn thu hoạch mà không chịu đầu tư trở lại cho cây chè khiến chất lượng chè không được cao. Mặt khác, cây chè hạt trên thị trường không có tên tuổi nên khi giao bán rất khó để xác định. Bản thân người dân nơi đây khi được hỏi họ cũng chỉ biết đây là giống chè các cụ ngày xưa để lại, họ lấy hạt đem trồng nên gọi là chè hạt chứ chẳng biết tên gọi của giống chè họ trồng là gì.

TS Đỗ Văn Ngọc, Phó Viện trưởng Viện KHKT NLN miền núi phía Bắc: Nhiều vùng núi nên quy hoạch lại vùng trồng chè

Thực tế nhiều vùng trồng chè miền núi phía Bắc tỷ lệ chè giống cũ còn rất cao. Đấy là các giống chè Trung du trồng từ hạt trước đây (dân quen gọi chè hạt), chất lượng rất thấp, giá bán không thể cạnh tranh với các giống chè mới phần lớn được lai tạo, chọn lọc từ các giống chất lượng cao của Trung Quốc, Đài Loan. Giống chè mới nhân giống bằng phương pháp giâm cành, trồng chỉ 2 năm là bắt đầu có sản phẩm thu hoạch. Theo chúng tôi các địa phương cần quy hoạch lại vùng trồng chè, thay đổi cơ cấu giống chè. Hiện Viện KHKT NLN miền núi phía Bắc có bộ giống chè mới rất phong phú phù hợp nhiều vùng đất, chất lượng cao. Chẳng hạn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có tới 5.000 ha chè, nhưng chủ yếu là chè cũ trồng từ hạt trước đây, giá bán quá thấp. Vì vậy chúng tôi đã bàn vấn đề quy hoạch lại vùng chè với đồng chí Chủ tịch huyện Đại Từ. Ví dụ trong quy hoạch, ngay cả vùng núi cao như ở xã Ký Phú vẫn có thể đưa giống mới chất lượng vào được, đó là giống chè Shan Chất Tiền hoặc chè PH10, là các giống hoàn toàn phù hợp vùng có độ dốc lớn. Về hiệu quả, như giống PH10, trồng 2 năm đã cho NS 3 tấn/ha, chè tuổi 5 đạt 7-8 tấn/ha, tuổi 8 đạt 10 tấn/ha. Giá bán của PH10, chè tươi tối thiểu cũng 8.000-10.000 đ/kg; chè khô hiện có giá 180-220 ngàn/kg cao hơn giá chè hạt rất nhiều, đương nhiên kinh tế hơn hẳn, và phải mức giá đó nông dân mới hào hứng với cây chè. 

Về phương pháp thay giống mới, Viện chúng tôi khuyến cáo không nên phá hẳn chè cũ mà giữa 2 hàng chè cũ trồng một hàng chè giống mới, hai năm sau chè mới bắt đầu thu hoạch mới phá hẳn chè cũ, như thế nông dân vẫn có thu nhập khi trồng mới. Mặt khác, quy hoạch trồng chè cần quy hoạch tổng thể, vừa trồng chè chất lượng cao, vừa xây dựng những làng nghề chế biến chè thủ công ứng dụng công nghệ và thiết bị hiện đại, đồng thời kết hợp du lịch sinh thái. Đây sẽ là mô hình để cho nhiều vùng núi áp dụng.

TC

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm