| Hotline: 0983.970.780

Hiểm họa điện xông đèn thanh long

Thứ Sáu 17/06/2011 , 08:49 (GMT+7)

Thời gian gần đây ở vùng thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang) liên tiếp xảy ra những vụ cháy nổ bình biến áp hạ thế trong các khu vườn rất nguy hiểm. Hơn nữa, do sử dụng điện thiếu an toàn khi tưới nước, xông đèn thanh long khiến nhiều người dân bị điện giật chết hoặc để lại thương tật rất đáng tiếc…

Thời gian gần đây ở vùng thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang) liên tiếp xảy ra những vụ cháy nổ bình biến áp hạ thế trong các khu vườn rất nguy hiểm. Hơn nữa, do sử dụng điện thiếu an toàn khi tưới nước, xông đèn thanh long khiến nhiều người dân bị điện giật chết hoặc để lại thương tật rất đáng tiếc…

SỐNG CHUNG “TỬ THẦN”

Về vùng thanh long Chợ Gạo, thời điểm này chuẩn bị bước vào mùa xông đèn sớm thanh long nghịch vụ, chúng tôi nghe người dân kể nhiều trường hợp nhà vườn bị chết oan vì điện rất thương tâm; trong đó có hoàn cảnh “gà trống nuôi con” của anh Châu Văn Đông hiện đang gặp khó khăn do người vợ thương yêu của anh mới bị điện giật chết trong lúc chăm sóc vườn thanh long, bỏ lại 2 đứa con nhỏ dại.

Gặp chúng tôi, anh Đông buồn bã than phiền: “Cũng chỉ vì người ta quá bất cẩn khi kéo điện qua vườn thanh long nhà tôi khiến trong tích tắc đã giết oan vợ tôi!”. Theo lời anh Đông kể, thảm họa đổ ập xuống gia đình anh vào một ngày đầu năm, khi vợ chồng anh tính toán mướn thêm 2,5 công thanh long của gia đình ông Nguyễn Văn Vững (người cậu ruột) để xông đèn hòng kiếm thêm lời lo cho gia đình và con cái ăn học. Vậy nhưng, trong khi chăm sóc vườn thanh long vợ anh là chị Đinh Thị Lan đã chạm tay vào hàng rào lưới B40 đang nhiễm điện và bị giật chết tại chỗ. Nguyên nhân, tìm hiểu chúng tôi được biết, do ông Vững kéo đường dây điện từ nhà ra vườn thanh long, dây điện tróc vỏ chạm vào hàng rào lưới B40 vây quanh vườn nên đã gây ra sự cố điện giật chết người. Nhiều người dân địa phương cho hay, trước đó cũng từ hàng rào sắt này đã có 2 người dân trong xóm bị điện giật, nhưng may mắn được cứu kịp thời thoát chết. Vậy nhưng chủ vườn vẫn không khắc phục sự cố nhiễm điện, ngành điện cũng không hề quan tâm để tiếp tục gây ra cái chết đau lòng cho chị Đinh Thị Lan.

Tương tự ở xã Quơn Long còn nhiều trường hợp bị mất mạng oan vì sự cố điện như anh Trần Văn Lang, một nông dân chất phác ở ấp Long Hòa khi sử dụng mô-tơ điện bơm nước tưới vườn thanh long do bất cẩn đã bị điện giật chết. Hay trường hợp của anh Lê Ngọc Hiệp (32 tuổi) ở ấp Quang Ninh; và 2 phụ nữ ở xã Tân Thuận Bình cũng đã “ra đi” vì điện giật trong vườn thanh long. Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lập, người dân xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo bức xúc nói: “Thực tế những người chuyên “xông điện” thuê cho các chủ vườn cứ tiện đâu kéo đấy, dây điện tùm lum, rối như tơ vò, lại bị bong tróc vỏ như thế có khác nào đẩy người dân sống chung với… tử thần, rất nguy hiểm!?”. Để chứng minh, ông Lập kéo chúng tôi ra khu vực ngã 3 cống Tân Thuận Bình, chứng kiến đường dây điện kéo qua trục lộ giao thông chính nhưng các đầu mối dây bị bung ra thòng xuống ngang đầu người. Thấy quá nguy hiểm, người dân đã nhiều lần “alô” vào đường dây nóng nhưng “ông điện” vẫn im ru!? Do vậy, những hộ dân gần đó đã phải dùng cây gậy chống đỡ tạm để tự… cứu mình.

MỐI NGUY VẪN LUÔN RÌNH RẬP

Tại nhiều khu vườn trồng thanh long, chúng tôi chứng kiến các đường dây điện chằng chịt như mạng nhện vắt ngang trên cây thanh long hoặc vứt bừa dưới mặt đất, bờ kênh mương. Để ý có nhiều đoạn nối bị hở, vỏ dây điện cũ kỹ, bong tróc kém an toàn, xong cũng chẳng được bà con để ý. Không chỉ thế, thực tế hàng ngàn bình biến áp (phục vụ việc xông đèn) cũng được người dân địa phương ví như những “quả bom” nằm trong vườn thanh long, là hiểm họa không thể lường trước. Gặp chúng tôi, chị Châu Kim Thúy, người dân ấp Quang Ninh, xã Quơn Long chỉ tay lên bình biến áp trong vườn thanh long lo lắng nói: “Cái bình điện này của người khác nhưng treo sát nhà như vầy khiến cả gia đình tôi chẳng được yên chút nào, nếu xảy ra sự cố chắc khó chạy thoát kịp!”.

“Chỉ trong khoảng một năm trở lại đây, tại hai xã Quơn Long và Tân Thuận Bình đã xảy ra 6 vụ bị điện giật chết hoặc bị thương tích, do người dân sử dụng điện bất cẩn và kém an toàn trong quá trình chăm sóc vườn thanh long. Điều đáng nói là, mặc dù có không ít trường hợp bị điện giật được phát hiện sớm nhưng do người dân thiếu kiến thức sơ cứu khiến nạn nhân vẫn bị tử vong”.

Điều lo lắng của chị Thúy cũng có cơ sở khi thời gần đây thực tế đã có nhiều bình biến áp ở quanh vùng thanh long Chợ Gạo bị nổ làm cháy cả nhà dân. Do vậy, chị Thúy đã nhiều lần làm đơn đề nghị Chi nhánh Điện lực di dời hoặc ngưng cung cấp điện, nhưng chẳng hiểu sao bị “ông điện lực” bác bỏ...? Hơn nữa, nhiều hộ dân địa phương cũng xác nhận ở các xã trồng thanh long nhiều như Quơn Long, Tân Thuận Bình, Đăng Hưng Phước, Mỹ Tịnh An, Tân Bình Thạnh... đều có những trường hợp bị điện giật chết hoặc bị thương tích do sử dụng điện bất cẩn và kém an toàn trong vườn thanh long.

Trao đổi với PV NNVN, ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm HTX thanh long Chợ Gạo bức xúc nói: “Trước giờ chưa thấy ngành điện tổ chức tập huấn hay hội thảo, hỗ trợ nhà vườn sử dụng điện an toàn bao giờ. Hệ thống điện nhà vườn sử dụng sản xuất thanh long chằng chịt như mạng nhện, không theo quy định nào, nên nguy cơ dẫn đến sự cố chập điện, nhiễm điện nguy hiểm đến tính mạng con người là rất cao”. Theo ông Ửng, Chợ Gạo là địa phương có diện tích thanh long nhiều nhất vùng ĐBSCL, với gần 3.000 ha. Tuy nhiên, chỉ có 20 hộ xã viên của HTX sản xuất thanh long VietGAP (với khoảng 20 ha) được tập huấn lồng ghép với các biện pháp an toàn sử dụng điện bài bản. Còn lại hấu hết các hộ dân khác do không am hiểu về kỹ thuật điện, không được tập huấn các kiến thức về điện nên họ thường phải tự lắp đặt đường dây điện rất tạm bợ, kém an toàn.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm