| Hotline: 0983.970.780

Khuất Duy Tiến - Người chiến sỹ cộng sản trong sáng

Hiên ngang Côn Đảo

Thứ Ba 10/10/2017 , 08:38 (GMT+7)

Ông Phạm Thành Anh và bà Hoàng Mỹ Hạnh cho tôi xem lại những kỷ vật về người cha Khuất Duy Tiến. Những kỷ vật ấy nhắc nhớ về một người chiến sỹ cộng sản thế hệ hiến thân vì nước vì dân đã không còn nữa.

14-51-16_khut_duy_tien_1980
Ông Khuất Duy Tiến (1910 - 1984), ảnh tư liệu gia đình cung cấp

Điều này, đúng như đánh giá của Thành ủy Hà Nội ngày ông Khuất Duy Tiến qua đời (11/2/1984): “Chúng ta không quên hình ảnh đồng chí Khuất Duy Tiến ngày đêm tận tụy với công tác; làm việc không nề mệt nhọc, khó khăn; mang hết sức lực và tài năng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, nêu một tấm gương sáng về lòng trung thành, tinh thần trách nhiệm năng động và phẩm chất trong sáng của người chiến sĩ cộng sản”.
 

Những ngày ở nhà tù Côn Đảo

Trong hồi ký của mình, ông Khuất Duy Tiến cho biết: Tháng 10/1932, ông và các đồng chí của mình được đưa từ nhà tù Sơn La về lại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Những người tù chính trị chưa biết sẽ ở nơi địa ngục trần gian này cho đến hết án hay sẽ được Nhà nước Bảo hộ cho “đi du lịch” tiếp. Trong tù, họ cùng nhau rút kinh nghiệm hoạt động và tổ chức các tổ sưu tầm kinh nghiệm vận động công nhân, nông dân, học sinh trí thức. Bất ngờ, một ngày đầu tháng 3/1933, giám đốc trại giam Hỏa Lò đến báo cho họ biết sửa soạn quần áo và ba lô để “lên đường đi du lịch” tiếp.

Lần này là nhà tù Côn Đảo giữa mênh mông biển khơi. Hơn 300 tù nhân, trong đó hơn 200 tù Cộng sản và hơn 100 tù Quốc dân đảng bất thình lình bị đánh thức dậy lúc 5 giờ sáng để đưa đi lưu đày.

Lần đầu tiên được “đi du lịch” bằng đường thủy, đoàn tù nhân vừa ngồi trên boong tàu vừa dõi mắt ngắm những địa danh lần lượt lùi xa, từ Đồ Sơn, vịnh Hạ Long, dãy Trường Sơn, rồi cảng Đà Nẵng. Giữa mịt mùng biển khơi, chẳng có một bóng tàu thuyền, Khuất Duy Tiến và những người mơ mộng liên tưởng tới sa mạc Sa-ha-ra ở Bắc Phi. Nơi ấy, trong đầu họ cũng đã nghĩ tới không ngoài khả năng sẽ bị lưu đày đến đó. Và họ cũng đã có kế hoạch trong đầu sẽ vượt ngục qua sa mạc Sa-ha-ra nếu bị đày tới đó.

Nhưng không, nơi họ đến là Côn Đảo. Từng ngồi tù Sơn La, ông Tiến nhớ tới câu ca dao “nước Sơn La, ma Vạn Bú”. Lần này, ông và một số anh em tù nhân bàn với nhau, chắc chúng định cho mình thưởng thức “nước Sơn La, ma Côn Đảo”. Hơn 100 tù nhân bị kết án khổ sai đem giam tại banh 1. Khuất Duy Tiến và hơn 200 tù nhân bị kết án cấm cố, phát lưu đem giam tại banh 2. Khoảng 4 người bị nhốt chung trong một phòng.

Từ trong tù Hỏa Lò, những người tù Cộng sản và tù Quốc dân đảng đã chia làm hai phe bút chiến với nhau về đường lối cách mạng. Nay giữa hòn đảo mênh mông biển khơi, không biết ngày về khi nào, họ bàn với nhau, gác lại chuyện cũ và phối hợp chặt chẽ với nhau để sống trong lao tù, đợi đến ngày ra tù sẽ tiếp tục đánh đuổi thực dân Pháp.
 

Trường học trong lao tù

Không chỉ cùng nhau đấu tranh với nhà tù cải thiện đời sống vật chất, thay các bữa ăn gạo rang với cá ký ninh bằng cơm gạo giã do tù nhân tự thực hiện, những người tù còn không ngừng học tập lý luận chính trị. Nhờ các thủy thủ, họ đã bí mật có được cuốn “Tư bản luận” và báo “Nhân đạo” của Đảng Cộng sản Pháp. Đây là những vũ khí lý luận sắc bén về chủ nghĩa Mác - Lênin, cùng với tờ báo “Tiến lên” do chi bộ nhà tù xuất bản. Nhà tù Côn Đảo đã trở thành trường huấn luyện cách mạng với những tên tuổi của các đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Bùi Công Trừng, Trần Văn Giàu, Ngô Gia Tự. Những cán bộ trí thức đã trở thành những “Giáo sư đỏ” trong tù cùng nhau nghiên cứu và giảng dạy chủ nghĩa Mác.

“Thế là, trong trường huấn luyện ở Côn Đảo, anh em chúng tôi hết sức tha thiết và tích cực nghiên cứu bộ “Tư bản luận”, có một số anh em thuộc lòng từng đoạn trong sách. Công việc nghiên cứu cũng nhiều như công việc cỏ-vê (lao động khổ sai) nhưng mà ngày và tháng vẫn quá dài với chúng tôi. Hết tháng này qua tháng khác, hết nghiên cứu lại đi cỏ-vê, ngày tháng quá kéo dài”, ông Khuất Duy Tiến hồi tưởng lại. Thật đúng là một ngày trong tù bằng nghìn thu ở ngoài.

Sang năm 1936, biết tin Đảng Cộng sản Pháp giành thắng lợi tại Nghị viện Pháp, thông qua tờ báo “La Lutte” (Đấu tranh), Khuất Duy Tiến đã viết thư kiến nghị gửi Nghị viện Pháp đề nghị ân xá cho tù chính trị đang bị giam giữ tại Côn Đảo. Không bao lâu, ông Tiến nhận được thư trả lời. Trong thư, vị Nghị sĩ Quốc hội Pháp đại ý nói, ông ta sẽ đến Văn phòng Bộ Thuộc địa để can thiệp. “Tôi làm hết sức tôi và chắc chắn sẽ có kết quả tốt cho các đồng chí”, trong thư nêu rõ.

Chẳng bao lâu sau, đầu tháng 6/1936, lệnh ân xá của Chính phủ ra đến Côn Đảo. Ông Khuất Duy Tiến kể: “Rất nhiều anh em chúng tôi được nghe tên mình được đọc lên, thế là anh em chúng tôi rủ nhau sửa soạn ba lô quần áo để đi theo viên đại tá lên tàu thủy về”.

Còn nhiều những câu chuyện về người chiến sỹ cộng sản trong sáng Khuất Duy Tiến mà ít người được biết. Trong một dịp khác, chúng tôi xin kể tiếp.

Như một con thoi hoạt động không biết mệt mỏi, ông Khuất Duy Tiến đã đứng mũi chịu sào đảm nhiệm nhiều chức vụ trong kháng chiến: Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Chính trị Bộ Quốc phòng kiêm Trưởng phòng Dân quân toàn quốc của Cục Chính trị (nay là Tổng cục Chính trị), Đổng lý sự vụ Bộ Nội vụ kiêm Phái viên Chính phủ Đặc nhiệm bao vây kinh tế địch…

 

Xem thêm
Nhà sản xuất Lý Hải có một điều ước gây bất ngờ

Nhà sản xuất Lý Hải tạo nên cơn sốt mới cho thị trường điện ảnh, khi bộ phim ‘Lật mặt 7: Một điều ước’ đạt doanh thu 200 tỷ đồng sau dịp nghỉ lễ.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

HLV Kim Sang-sik chính thức làm HLV trưởng ĐT Việt Nam

Ngày 3/5/2024, VFF và ông Kim Sang-sik (quốc tịch Hàn Quốc) đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí HLV trưởng ĐT Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.