Làng quê đang vỡ ra với vô vàn những câu chuyện nhức nhối, nhưng cũng chính làng quê lại là nơi còn lưu giữ những câu chuyện cực kỳ nhân văn. Những câu chuyện về tình người, về tấm lòng của người dân nông thôn trong loạt bài này là một ví dụ.
Đại gia Tân Lý và gần 2.000 ngôi mộ mồ côi
Giữa đồng không mông quạnh ở xã Trực Hùng (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) mọc lên hai nghĩa địa nằm cạnh nhau. Tất cả đều không có bia mộ nhưng nhìn tươm mắt. Trước cổng chỉ có tấm biển bằng tôn đề: “Ai phát hiện hài cốt mồ côi ở gò, ở ruộng xin báo cho ông Lâm Quang Tuyến. Xin cảm ơn”.
Có duyên với mộ hoang
Ông Tuyến sinh năm 1955. Bố mất sớm, ông là con trai trưởng, sau còn 4 em gái với một bà mẹ. Bây giờ, ông là đại gia giàu có nhất xã Trực Hùng. Nhà cửa ở quê mà cứ tưởng là căn hộ cao cấp ở một khu du lịch nào đấy. Lộng lẫy chẳng khác nào cung điện.
Một ngày của người từng bị thầy bói phán “cả đời không hết khổ” nếu không lui cui với thú vui tao nhã là chơi cây cảnh thì tay lái chiếc Camry 3.5, lưng dắt chiếc máy tính bảng có hình trái táo đi tìm mộ hoang. Những bộ hài cốt được gom về một nơi tự ông đặt tên: Nghĩa địa mồ côi.
Giàu có nhưng Lâm Quang Tuyến là người kiệm lời, khiêm tốn và nhân nghĩa. Quá khứ nghèo khổ giúp ông sống hài hòa chứ không trọc phú như mấy tay giàu xổi, miệng hùm gan sứa. Ở quê, giàu như ông đã hiếm, giàu mà biết sẻ chia, biết nghĩ đến người khác như thế lại càng khó tìm. Người đàn ông này nghĩ, giàu hay nghèo là do bản thân, còn những việc ông làm đều là cơ duyên cả.
"Đại gia" Lâm Quang Tuyến
Những năm bao cấp, cái thời mà mỗi ngày ông Tuyến đi làm ruộng nhận 7-8 lạng thóc về nuôi mẹ, nuôi em thì cánh đồng xã Trực Hùng là một nghĩa địa hoang khổng lồ. Mộ nằm xen lẫn giữa ruộng. Mộ nhiều đến nỗi, trâu dẫm vào ván mục, lưỡi cày móc lên từng khúc xương người trắng hếu.
Chứng kiến cảnh ấy, Lâm Quang Tuyến vừa sợ hãi vừa ao ước, giá mà có chỗ an nghỉ đàng hoàng thì người nằm dưới ruộng kia cũng đỡ khổ mà những người làm ruộng như ông cũng an lòng. Nhưng ước mơ ấy vụt tắt ngay khi ông vừa nghĩ đến. Là bởi, nghèo như ông, ăn còn chả đủ thì làm sao có tiền, có thời gian đi lo việc ấy được?
Những ngôi mộ hoang vô tình phát hiện trong lúc cày ruộng, sang lắm thì người ta cũng chỉ lấp loa qua ngay bờ ruộng. Rủi, gặp mùa nước đổ ải, đến lúc rút đi chỉ còn trơ lại hốc. Đau lòng lắm đấy, nhưng chẳng thể làm gì được. Cái suy nghĩ “có thực mới vực được đạo” càng thêm thấm thía, ông bỏ làng đi buôn.
Miền biển, bao nhiêu thứ cần dùng đến dây chão nhưng dân trong vùng toàn phải đi mua. Một mình ông lăn lộn hết nơi này đến xó khác gom bao bì về đầu tư làm dây chão bán cho dân làng, cho xã, cho huyện rồi bán khắp các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng. Vậy mà cũng giàu, cũng thành đại gia chuyên SX dây chão cho người làm ruộng, người đi biển.
Cái anh nông dân chân đất nghèo xác nghèo xơ trở thành đại gia làng Tân Lý. Có của ăn của để, ông đầu tư cho con cái học hành, du học tận bên Ba Lan, Tiệp Khắc. Nhà cửa xây dựng đề huề, xe cộ cũng đầy đủ. Khi việc gia đình đã vẹn tròn, viên mãn thì ký ức về những ngôi mộ hoang nằm giữa cánh đồng mỗi năm ngập nước 9 tháng lại khiến ông chạnh lòng.
Giấc mơ về một chỗ yên nghỉ cho họ từ ngày xưa đã đến lúc có thể thực hiện được. Năm 2008, Lâm Quang Tuyến làm đơn gửi chính quyền xã xin đất lập nghĩa địa. Một việc làm gây náo động cả huyện Trực Ninh ngày ấy.
“Ban đầu họ cũng nghi ngờ ý tưởng kỳ quái của tôi, nhưng sau khi phân tích và trình bày nguyện vọng thiết tha của mình, xã đồng ý. Xong phần đất đai đến phần tiền bạc và công lao. Tôi huy động hai bên họ hàng nội ngoại tổ chức một cuộc họp để trình bày ý tưởng của mình. Ai cũng giơ tay biểu quyết tán thành. Khổ nỗi, đến lúc đề đạt chuyện đóng kinh phí để làm thì chỉ còn cha con tôi với ông chú họ ngồi lại mà thôi”, Lâm Quang Tuyến kể lại.
Không trông mong gì vào sự giúp đỡ của người khác, cha con ông Tuyến tự đi tìm mộ hoang, tự an táng lại cho những người xấu số. Nhưng chỉ được dăm hôm lại phải tính phương án khác vì nhiều mộ quá, không làm xuể. Đã thành lệ, từ tháng 9 âm lịch trở đi, khi những cánh đồng ở xã Trực Hùng rút nước, hai tốp người mà cha con ông Tuyến thuê lại kéo nhau đi tìm mộ hoang.
Dụng cụ là một thanh sắt 10 dài khoảng một mét. Cứ chỗ nào nghi ngờ có mộ thì xăm xuống, nghe bục bục thì đích thị là ván với xương người. Mộ chôn thành hàng, có khi cả chục bộ hài cốt nằm sát sạt nhau. Ngày cao điểm, đội quân săn mộ đưa về 40 chục bộ hài cốt mồ côi, còn bình bình cũng vài ba chục.
Xương cốt đưa về được làm lễ an táng lại hẳn hoi. Ông Tuyến làm đơn xin xã xác nhận rồi qui tập vào nghĩa địa của mình. Cũng tiểu sành, nước thơm, vải điều, tươm tất như lo cho người thân mình vậy. Nghĩa địa mồ côi ở Trực Hùng bây giờ đã có gần 20.000 ngôi mộ.
Ông Tuyến bên những nấm mồ ở Nghĩa địa mồ côi
Hết thôn Tân Lý đến thôn Tân Phường, hễ người dân phát hiện mộ hoang ông đều cho quân đến. Quân của ông là mấy người trong thôn, làm việc, hưởng lương theo sản phẩm hẳn hoi. Rất chuyên nghiệp.
Xem như chính người thân của mình
Ông Tuyến dẫn tôi ra khu nghĩa địa mồ côi. Những nấm mồ được xây ngay ngắn, sạch sẽ, đều tăm tắp. Từ ngày ông Tuyến cho xây dựng nghĩa địa, người dân xã Trực Hùng thay nhau hương khói, ai ai cũng nghĩ những người nằm dưới mộ là tổ tiên của mình. Nhưng nghĩa địa mồ côi không chỉ là nơi nương náu của những linh hồn bạc mệnh ở địa phương.
Tiếng tăm về một khu nghĩa địa đặc biệt lan sang các huyện xung quanh rồi lên tận thành phố. Năm ngoái, trên TP Nam Định người ta phát hiện 3 bộ hài cốt trong khi xây dựng khu đô thị. Đất thành phố hạn hẹp, chi phí an táng cao, có người làng biết tin báo cho ông Tuyến.
Ông đánh xe lên phố nhận về xây mộ, thờ cúng chu toàn. Cũng có nhiều người hợp, con cháu biết chắc là mồ mả tổ tiên mình nhưng không có điều kiện an táng riêng đành gửi nhờ ông bát hương thờ phụng.
Đến ngay cả những người còn sống có hoàn cảnh neo đơn cũng đến xin ông một suất để mai này nằm xuống được vào nghĩa địa mồ côi. Tất nhiên là ông nhận lời. Cũng chính ở nghĩa địa mồ côi nhiều gia đình con cháu tìm lại được tổ tiên của mình.
Chỉ cách đây mấy hôm, một ông cán bộ ngân hàng tỉnh biết tin ông Tuyến quy tập được mộ của cố mình đánh xe về kiểm tra. Sau khi phát hiện bộ hài cốt trùng khớp với những di vật lúc an táng bà cố, ông lạy ta rồi xin được hương khói chung với những người cùng cảnh ngộ ở nghĩa địa mồ côi.
Một ông khác, làm cán bộ ở Trung ương, quê cũng ở xã Trực Hùng này. Chiến tranh, sơ tán nên thất lạc từ thời chống Pháp. Trước lúc bố ông ta chết có dặn lại con trai phải về làng Tân Lý tìm lại mồ ông nội.
“Ông ấy nhờ nhà ngoại cảm tìm và khẳng định là ông nội mình đang nằm trong nghĩa địa mồ côi. Ông ấy cũng xin phép được cất bốc đưa về Hà Nội nhưng tôi không đồng ý. Thứ nhất là vì tôi không tin lắm vào chuyện ngoại cảm, thứ hai nữa là mồ mả nằm ở đâu không quan trọng, miễn là mình có tấm lòng thờ phụng. Khi tôi xây dựng nghĩa địa mồ côi này tự nghĩ rằng, chết đi rồi thì ai cũng như ai cả mà thôi”, Lâm Quang Tuyến nói thế.
Gần 2.000 ngôi mộ, mỗi ngôi chi phí thuê người tìm, an táng hết hơn 200 ngàn đồng. Nếu tính chi phí thì cũng gần nửa tỷ đồng, nhưng Lâm Quang Tuyến chưa bao giờ nghĩ đến. Ông vừa bàn với Chủ tịch UBND xã Trực Hùng lập thêm nghĩa địa thứ 3 bởi mộ hoang còn nhiều quá. Sẽ nhiều người thắc mắc, sao ông chọn người chết để làm việc thiện? Ông chưa bao giờ trả lời câu hỏi ấy, chỉ có bà Dịu, vợ ông, biết đôi chút: Ông ấy bảo, sông có khúc người có lúc, phàm là người thì nên là những việc có ích, phúc đức mình không hưởng thì con cháu hưởng.