| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả chương trình OCOP ở Long An

Thứ Ba 19/11/2024 , 06:00 (GMT+7)

Các sản phẩm OCOP nông nghiệp do chính người nông dân Long An làm ra ngày càng nâng cao giá trị gia tăng và vươn ra thế giới.

Thế mạnh của sản phẩm OCOP

Lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Hưng (Long An) cho biết: Đề án mỗi xã một sản phẩm đang góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị. Hiện tại, nông dân các xã trên địa bàn huyện đã xây dựng được 10 sản phẩm OCOP được tỉnh công nhận xếp hạng 3 sao. 

Sản phẩm OCOP cà na sấy dẻo và cà na ngâm đường của Cơ sở chế biến thực phẩm Ngọc Lan. Ảnh: Thanh Phong.

Sản phẩm OCOP cà na sấy dẻo và cà na ngâm đường của Cơ sở chế biến thực phẩm Ngọc Lan. Ảnh: Thanh Phong.

Giám đốc HTX nông nghiệp Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Hưng) Nguyễn Thị Diệu Ngân cho biết, để các thành viên trong HTX gia tăng lợi nhuận trên một đơn vị đất trồng lúa, thời gian qua đơn vị đã triển khai quy trình sản xuất lúa hữu cơ không phân, không thuốc trên diện tích 5 ha chuyên sản xuất gạo tím lài Vĩnh Thuận (ĐTM). Gạo tím lài của HTX đã được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP, đã đưa lên sàn thương mại điện tử và nhiều được khách hàng trong và ngoài nước tìm mua.

HTX hiện có 83 thành viên cộng với liên kết nông dân bên ngoài canh tác trên 1.150ha lúa ứng dụng công nghệ cao, mỗi vụ cung ứng cho doanh nghiệp xuất gạo khoảng 1.000 tấn lúa sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi châu Âu. Trong tổng diện tích hiện đang canh tác thì có khoảng 100ha diện tích trồng lúa VietGAP xuất khẩu sang châu Âu, 50ha sản xuất lúa giống, còn lại khoảng 1.000ha lúa hàng hóa chất lượng cao được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường tại thời điểm thu hoạch là 3.000 đồng/kg.

Hiệu quả của việc trồng lúa sạch, trồng lúa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn châu Âu cho năng suất không giảm, thu về lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa truyền thống trên 4 triệu đồng/ha. Tất cả hợp đồng cung ứng lúa hàng hóa ký với doanh nghiệp rất bền vững và HTX đang tiếp tục đàm phán giá ký kết thêm hợp đồng với doanh nghiệp để mở rộng diện tích sản xuất, giúp nông dân làm giàu.

Ông Huỳnh Văn Trúc Nhơn, Phó bí thư Đảng ủy xã Khánh Hưng (Vĩnh Hưng, Long An) cho biết, mô hình OCOP của HTX Vĩnh Bình phát triển rất tốt. Cùng với, HTX còn thực hiện mô hình trồng lúa ứng dụng công nghệ cao rất hiệu quả, được địa phương nhân rộng ra toàn xã. Lợi nhuận bình quân so với sản xuất lúa truyền thống thì cao hơn khoảng 8 triệu đồng/ha. HTX hoạt động hiệu quả đã giúp cho địa phương giữ vững và nâng chất tiêu chí thu nhập để về đích NTM nâng cao và tiến tới NTM kiểu mẫu.

Cơ sở chế biến thực phẩm Ngọc Lan (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, Long An) đang sở hữu 9 sản phẩm nông nghiệp nông thôn đạt chứng nhận OCOP 3 sao đang giúp cho người lao động nhàn rỗi tại những xã có trồng cây cà na tăng thêm thu nhập, góp phần cùng với các địa phương hoàn thành tiêu chí việc làm, giảm nghèo bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được (bìa phải) cùng Lãnh sự quán Hàn Quốc (giữa) tại TP.HCM xem sản phẩm OCOP trưng bày tại điểm dừng chân Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An. Ảnh: Thanh Phong.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được (bìa phải) cùng Lãnh sự quán Hàn Quốc (giữa) tại TP.HCM xem sản phẩm OCOP trưng bày tại điểm dừng chân Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An. Ảnh: Thanh Phong.

Bà Trần Thị Ngọc Lan, chủ cơ sở cho biết, khi sản phẩm OCOP cà na sấy dẻo và cà na ngâm đường của cơ sở sản xuất bán ra thị trường có giá trị khá tốt, trừ tất chi phí thu về lợi nhuận 20% so với giá bán. Bà con ở các xã trên vùng Đồng Tháp Mười trồng cà na rất nhiều. Mỗi ngày cơ sở thu mua hơn 2 tấn trái, chế biến 200kg, còn lại tiêu thụ tại TP.HCM. Từ ngày nghiên cứu quy trình sản xuất cà na sấy dẻo và cà na ngâm đường thành công đã giúp cho 70 – 80 lao động nhàn rỗi có thu nhập ổn định. Bình quân 3 – 4 ngày, 1 lao động thu hoạch khoảng 100kg/ngày, giá bán 15.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 1 triệu đồng trở lên.

Hiện tại, sản phầm cà na sấy dẻo và cà na ngâm đường đã xuất 1,2 tấn qua đơn vị ủy thác qua thị trường Singapore. Sự sáng tạo của nông dân đã biến loại trái cây hoang dã trở thành sản phẩm có giá trị gia tăng, góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi là góp phần xây dựng NTM cho địa phương.

Với gần 40ha chanh không hạt sản xuất theo hướng hữu cơ, GlobalGAP và ứng dụng các công nghệ cao, doanh nghiệp Chanh Việt (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) kết hợp các giáo sư, tiến sĩ của các trường đại học trong và ngoài nước nghiên cứu, chế biến ra các sản phẩm từ chanh như bột chanh, sốt chanh, tinh dầu chanh... các sản phẩm đã được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Ngoài việc tiêu thụ tại thị trường trong nước, doanh nghiệp đã xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có thị trường khó tính như châu Âu với sản lượng khoảng 10.000 tấn sản phẩm trái và các mặt hàng chế biến. Phát triển OCOP từ sản phẩm nông nghiệp đã giúp tăng giá trị gia tăng cho trái chanh, giúp nông dân trồng chanh thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi đã góp phần cùng các địa phương giữ vững và nâng cao tiêu chí thu nhập trong quá trình xây dựng NTM tại các xã trồng chanh chuyên canh.

Lãnh đạo tỉnh Long An xem sản phẩm OCOP trưng bày tại Hội chợ xúc tiến thương mại tại TPHCM.  Ảnh: Thanh Phong.

Lãnh đạo tỉnh Long An xem sản phẩm OCOP trưng bày tại Hội chợ xúc tiến thương mại tại TPHCM.  Ảnh: Thanh Phong.

Nội lực quan trọng trong xây dựng NTM

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An - Châu Thị Lệ cho biết, toàn tỉnh hiện có 76 gian hàng tham gia sàn thương mại điện tử với 312 sản phẩm, trong đó 23 doanh nghiệp đăng ký tham gia phần mềm truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm OCOP đưa lên sàn thương mại điện tử đang góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, là cầu nối thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lê Thanh Đông cho biết, toàn tỉnh hiện có 231 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 47 sản phẩm 4 sao, 184 sản phẩm 3 sao. Nhìn chung, chương trình OCOP bước đầu đã mang lại hiệu quả về kinh tế, tạo việc làm cho lao động, tăng thu nhập cho các chủ thể. Đặc biệt, góp phần chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trở thành nguồn nội lực quan trọng trong phong trào xây dựng NTM.

Để phát khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm OCOP trong nông nghiệp, nông thôn, thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan và địa phương tập trung từng bước khắc phục những mặt còn hạn chế, tồn tại. Hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn cơ sở, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm. Xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát triển tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Gạo ĐTM Tím Lài Vĩnh Thuận của HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận; sản phẩm Cà Na sấy dẻo và Cà Na ngâm đường của Cơ sở chế biến thực phẩm Ngọc Lan, xã Vĩnh Bình; Khô cá lóc của hộ kinh doanh 6 Thiện (xã Tuyên Bình) và của hộ kinh doanh 9 Xuyến (xã Thái Bình Trung); Khô cá lóc, khô cá chốt, khô cá trê của hộ kinh doanh chế biến khô, mắm Tư Chủng, xã Khánh Hưng; Bưởi da xanh của hộ kinh doanh Võ Văn Lâm (xã Khánh Hưng) và ông Mai Văn Trung của HTX thương mại dịch vụ Hưng Thịnh Phát (xã Vĩnh Trị) đã được kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử https://nongsanantoanlongan.vn.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.