| Hotline: 0983.970.780

OCOP mở đường cho nông sản đi xa

Thứ Tư 19/07/2023 , 07:35 (GMT+7)

Long An Đến nay, nhiều nông sản ở vùng nông thôn xa xôi của tỉnh Long An đã đến tay người tiêu dùng thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Long An, đến nay đã có 85 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (đạt 53% so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 là 160 sản phẩm). Trong đó, có 30 sản phẩm 4 sao và 55 sản phẩm 3 sao. Thời gian qua, chương trình mỗi xã một sản phẩm như là chiếc cầu nối mở đường cho nhiều mặt hàng nông sản của nông dân, nhất là ở những địa phương vùng sâu vươn xa đến tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Sản xuất lúa là thế mạnh của các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An. Ảnh: Minh Đảm.

Sản xuất lúa là thế mạnh của các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An. Ảnh: Minh Đảm.

Thế mạnh lúa - sen

Huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An là địa phương thuộc vùng Đồng Tháp Mười với thế mạnh là cây lúa. Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP huyện đã tăng cường chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai đến các xã, thị trấn. Kết quả bước đầu đã tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, từng bước khẳng định thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của huyện trên thị trường.

Đến nay, toàn huyện xây dựng được 5 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Trong đó, có 4 sản phẩm nấm của cơ sở sản xuất nấm bào ngư Thanh Nhàn (xã Tân Lập) gồm: Nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, nấm bào ngư, nấm mộc nhĩ (nấm mèo) và 1 sản phẩm gạo sạch Tân Thạnh ST25 của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất thương mại và dịch vụ Tân Thịnh (xã Nhơn Hòa Lập). Các sản phẩm OCOP góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Theo anh Bùi Văn Song, Giám đốc HTX Tân Thịnh cho biết, năm 2019 HTX được thành lập với mục tiêu sản xuất và cung cấp lúa giống, lúa hàng hóa và gạo sạch cho bà con nhân dân địa phương. Năm 2022, HTX bắt đầu xây dựng thương hiệu gạo sạch Tân Thạnh ST25 theo hướng hữu cơ với diện tích sản xuất ban đầu là 5ha. Đồng thời cũng thực hiện các thủ tục để tham gia Chương trình OCOP theo vận động của chính quyền địa phương.

Tháng 5/2023 vừa qua, sản phẩm gạo Tân Thạnh ST25 của HTX được công nhận OCOP 3 sao. Đây là niềm vui, tự hào cho sự cố gắng nỗ lực của 12 thành viên HTX.

Sản phẩm gạo sạch Tân Thạnh ST25 của HTX Tân Thịnh xã Nhơn Hoà Lập. Ảnh: Minh Đảm.

Sản phẩm gạo sạch Tân Thạnh ST25 của HTX Tân Thịnh xã Nhơn Hoà Lập. Ảnh: Minh Đảm.

Nói về việc tham gia chương trình OCOP, anh Song cho hay: HTX được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, chương trình còn hỗ trợ cho HTX một máy xay xát, tem truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, HTX còn được tham dự các chương trình xúc tiến thương mại do các Sở, ngành của tỉnh tổ chức. Qua đó, sản phẩm gạo sạch Tân Thạnh ST25 đã được người tiêu dùng trong tỉnh và tại TP.HCM biết đến. Sản lượng gạo sạch được tiêu thụ năm 2022 đạt trên 30 tấn với doanh thu khoảng 750 triệu đồng.

Định hướng phát triển sản phẩm gạo sạch trong thời gian tới, anh Song cho biết sẽ tích cực tìm kiếm thị trường mở rộng kênh tiêu thụ. Trên đà đã có, năm nay HTX quyết định mở rộng diện tích sản xuất gạo sạch lên 10ha. Anh cho rằng, thế mạnh của địa phương là cây lúa, nếu thị trường gạo sạch khả quan thì cơ hội để chuyển đổi sản xuất từ sản phẩm truyền thống sang sản phẩm sạch, hướng hữu cơ còn rất nhiều.

Bên cạnh cây lúa, vùng Đồng Tháp Mười còn nổi tiếng với cây sen. Tại huyện Tân Thạnh cây sen có mặt ở các xã như Nhơn Hòa, Tân Lập, Nhơn Hòa Lập… Thời gian qua, mô hình luân canh sen – lúa đã giúp người dân địa phương có thu nhập khá hơn so với độc canh cây lúa.

Từ tháng 4 đến tháng 10 (âm lịch) là vào mùa sen, mỗi lô khoảng 2ha chỉ tính riêng khai thác ngó được hơn 100kg mỗi ngày, với giá bán bình quân từ 10.000 đồng/kg, trừ tiền công 5.000 đồng/kg thì nông dân có thu nhập từ 500.000 đồng trở lên. Hiện nay, ngó sen đang có giá 16.000 đồng/kg, nông dân tích cực khai thác bán ngó sen. Mỗi vụ, bình quân thu nhập của người trồng sen khoảng 150 triệu đồng qua khai thác ngó và gương.

Mô hình sen - lúa nâng cao thu nhập cho bà con nông dân địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

Mô hình sen - lúa nâng cao thu nhập cho bà con nông dân địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

Ngó sen chủ yếu được tiêu thụ tươi tại các chợ truyền thống, chuỗi nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Riêng hạt sen có thể được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng như tim sen, bột sen, hạt sen qua sơ chế, mứt hạt sen…

Để đưa các sản phẩm được chế biến từ sen vươn xa thị trường trong nước cũng như khẳng định thương hiệu sen Tân Thạnh, tháng 8/2022, HTX Dịch vụ nông nghiệp Sen Hải Nhơn (xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh) được thành lập với 11 thành viên và diện tích sản xuất 32ha. Dù chưa tròn 1 năm nhưng HTX đã phát triển thêm được 4 thành viên và chuẩn bị gia tăng vốn điều lệ để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bà Ngô Thị Mỹ Dung, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Sen Hải Nhơn cho biết: “Hiện nay, HTX có 3 sản phẩm được chế biến từ sen là tim sen, bột sen và hạt sen chuỗi. HTX vừa hoàn tất các thủ tục xin được công nhận sản phẩm OCOP đối với bột sen và trà tim sen. HTX mong muốn đưa thương hiệu sen địa phương đến với người tiêu dùng trong nước thông qua chương trình này”.

Nhiều sản phẩm OCOP từ sen

Theo UBND huyện Tân Thạnh, OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng, thúc đẩy sản xuất gắn với phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị, góp phần nâng cao chất lượng nông thôn mới. Vì vậy, huyện đặt mục tiêu phải xây dựng mỗi xã có ít nhất một sản phẩm OCOP.

Để đạt mục tiêu này, công tác tuyên truyền đến các HTX, tổ hợp tác, các tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia sản phẩm là rất quan trọng. Bên cạnh đó, Phòng NN-PTNT huyện tích cực tham mưu Huyện ủy, HĐND, UBND huyện ban hành nghị quyết, kế hoạch hỗ trợ các sản phẩm OCOP đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm trà tim sen và bột sen của HTX Sen Hải Nhơn (xã Nhơn Hòa) đang tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023. Ảnh: Minh Đảm.

Sản phẩm trà tim sen và bột sen của HTX Sen Hải Nhơn (xã Nhơn Hòa) đang tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023. Ảnh: Minh Đảm.

Huyện Tân Thạnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương thực hiện chương trình OCOP. Đồng thời, tổ chức giám sát đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại cơ sở bảo đảm khách quan, hiệu quả và đầy đủ thủ tục để hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm.

Huyện cũng chú trọng đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ chuyên trách cấp huyện, xã và kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho lãnh đạo các doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất. Bên cạnh đó là kỹ năng bán hàng, quảng bá sản phẩm thông qua các kênh thông tin, thương mại điện tử.

Kế hoạch năm 2023, huyện thực hiện hồ sơ công nhận đạt OCOP cho 3 sản phẩm gồm: Trà tim sen, bột sen của HTX Sen Hải Nhơn (xã Nhơn Hòa), gạo tím Omega 3,6,9 của HTX Kiến Bình (xã Kiến Bình) và nâng hạng sản phẩm gạo sạch Tân Thạnh ST25 của HTX Tân Thịnh.

Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ triển khai mạnh mẽ Chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Thanh Truyền cho hay, Sở sẽ tiếp tục phối hợp các Sở, ngành, địa phương hỗ trợ những chủ thể khai thác, nâng cấp sản phẩm. Xây dựng phương án hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, các chủ thể khi tham gia Chương trình OCOP cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm.

Nhằm tạo điều kiện đưa các sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, Sở Công thương phối hợp Sở NN-PTNT tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, các đơn vị còn hỗ trợ chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm và chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định. Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Long An được bán tại những siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi và từng bước tiếp cận với thị trường nước ngoài.

LONG AN CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.