Đến thăm cánh đồng rau sạch của HTX Phước Thịnh tại ấp Trong, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc (Long An) mùa này là những mảng màu xanh mướt mắt của đủ các loại rau màu đang vào độ thu hoạch. Theo ông Đặng Duy Dũng, Giám đốc HTX Phước Thịnh, với lợi thế của vùng đất nằm gần cửa biển, tích tụ nhiều phù sa cổ, kể từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của chính quyền địa phương, ông đã nhanh chóng tập hợp, thu hút thành viên để thành lập HTX.
Ngay từ khi thành lập, HTX đã phát triển theo hướng an toàn, tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh môi trường, đảm bảo tạo ra những sản phẩm chất lượng cao để phục vụ thị trường. Ra đời năm 2012, HTX chỉ có vỏn vẹn 8 thành viên cùng diện tích canh tác chưa đến 3 ha, nhờ đi đúng hướng, đến nay HTX đã lớn mạnh với 30 thành viên chính thức và hàng chục thành viên liên kết sản xuất trên diện tích 40 ha, đặc biệt 100% thành viên đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và các tiêu chuẩn khác cao hơn.
“HTX đã chuyển từ sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu sang sản xuất tập trung, xây dựng các vùng rau chuyên canh, ứng dụng khoa học – kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thay vì lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón như trước, hiện các thành viên HTX đã nắm chắc các nguyên tắc phòng trừ dịch hại an toàn, biết cách sử dụng thiên địch, thuốc trừ sâu sinh học chế từ tỏi, ớt… để trừ sâu bệnh, vừa gia tăng giá trị kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, vệ sinh thực phẩm”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Đặng Duy Dũng cho biết thêm, các loại rau ăn lá, nhất là rau gia vị trồng tại huyện Cần Giuộc có mùi vị rất đặc trưng, nhờ sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp các cấp, hiện nay, nhóm rau ăn lá Phước Thịnh (rau diếp cá, tía tô, húng quế) đã được đánh giá và công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao.
“Từ khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, nhóm rau ăn lá của HTX Phước Thịnh ngày càng khẳng định được thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, đã vào được các hệ thống siêu thị, Bách Hóa Xanh… Để phát huy lợi thế, HTX hướng đến sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, giữ vững sản lượng cung cấp cho khách hàng, đặc biệt, tiêu chí an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu”, ông Dũng phấn khởi nói.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Cần Giuộc, hiện toàn huyện có trên 1.800 ha chuyên canh rau, năng suất khoảng 22 tấn/ha/vụ, sản lượng ước trên 125.000 tấn/năm. Đây là một trong những lợi thế để xây dựng sản phẩm OCOP. HTX Phước Thịnh được chọn xây dựng điển hình về cây rau đang phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng thương hiệu rau an toàn của địa phương. Điều đáng ghi nhận của HTX là đã liên kết tiêu thụ với các siêu thị, bếp ăn tập thể của doanh nghiệp, trường học trong và ngoài tỉnh với số lượng rau cung ứng khoảng 7 tấn/ngày. HTX còn có chính sách thu mua nông sản của thành viên với giá cao hơn thương lái để bảo đảm đầu ra ổn định cho người nông dân, đã tác động lớn đến sự "thay da đổi thịt" của vùng đất này.
“Điểm thuận lợi nhất đối với các sản phẩm này là sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, cơ bản bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm, một số sản phẩm đã được chế biến, đóng gói, có bao bì... Việc xây dựng thương hiệu rau Cần Giuộc là điều cần thiết để phát triển bền vững ngành hàng này tại địa phương. Để thực hiện được mục tiêu đó, huyện Cần Giuộc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của những người tham gia công tác quản lý, HTX cũng như người sản xuất về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu rau Cần Giuộc”, ông Ngô Bảo Quốc - Phòng NN-PTNT huyện Cần Giuộc nhấn mạnh .
Được biết, năm 2021, tỉnh Long An đã công nhận được 19 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 31 sản phẩm, trong đó: 19 sản phẩm đạt hạng 4 sao (4 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao và đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Trung ương đánh giá, công nhận); 12 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Năm 2022, UBND tỉnh đặt mục tiêu là công nhận thêm 44 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên; đồng thời, hỗ trợ máy móc, thiết bị, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP và những sản phẩm tiềm năng để đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.
“OCOP là chương trình hiệu quả, thiết thực với người dân, góp phần đưa sản phẩm đặc trưng, có tiềm năng, thế mạnh của địa phương đến với thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Việc này rất quan trọng với Long An khi ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại của tỉnh đang trong giai đoạn phát triển, thị trường tiêu thụ nhỏ, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt nhưng chưa được nhiều người biết đến. Chương trình OCOP không chỉ giúp địa phương giải quyết vấn đề giảm nghèo, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân mà còn xây dựng mối liên kết, phát triển kinh tế cộng đồng”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh nhìn nhận.