| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả công nghệ Biofloc trong nuôi tôm nước lợ

Thứ Ba 19/01/2021 , 08:57 (GMT+7)

Semi Biofloc là làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo, còn Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng giúp làm sạch nước, cung cấp thức ăn giàu dinh dưỡng cho đối tượng nuôi.

Ngành NN-PTNT Khánh Hòa khuyến cáo người nuôi tôm nước lợ tuân thủ đúng lịch thả giống được khuyến cáo. Ảnh: Kim Sơ.

Ngành NN-PTNT Khánh Hòa khuyến cáo người nuôi tôm nước lợ tuân thủ đúng lịch thả giống được khuyến cáo. Ảnh: Kim Sơ.

Tuân thủ tuyệt đối thời vụ

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa vừa ký văn bản thông báo lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đối với nuôi tôm sú theo phương thức thâm canh, bán thâm canh, thời gian bắt đầu thả giống từ tháng 2 đến tháng 9, mật độ thả từ 15 - 25 con/m2.

Các khu vực không nuôi bán thâm canh và thâm canh áp dụng nuôi kết hợp đa dạng sinh học như: tôm sú với cá dìa, cá măng, cá đối mục hoặc cá rô phi, hải sâm, rong câu...Thời gian thả giống từ tháng từ 2 đến tháng 8, mật độ thả dưới 15 con/m2.

Tuy nhiên, ở các vùng nuôi có điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nước đảm bảo người nuôi có thể thả giống đến cuối tháng 9. Mặt khác, người nuôi lưu ý việc thả giống và thu hoạch phải theo phương thức "đánh tỉa thả bù" hoặc thu toàn bộ tùy thuộc vào từng mô hình thực hiện.

Đối với thời gian thả giống tôm thẻ chân trắng từ nửa cuối tháng 2 đến tháng 9. Nếu nuôi theo phương thức thâm canh, bán thâm canh nên áp dụng cho những ao lót bạt (mật độ thả giống cao trên 100 con/m2) hoặc ao đất có sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và công nghệ nuôi mới, tiên tiến. Xây dựng hệ thống mương cấp, thoát nước riêng biệt, có ao xử lý nước thải, bùn thải trước khi đưa ra môi trường bên ngoài.

Còn trên những ao đất, ít có sự đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, người nuôi áp dụng nuôi tôm theo phương thức quảng canh, quảng canh cải tiến. Cách nuôi hiệu quả có thể kết hợp nuôi đa dạng sinh học giữa tôm chân trắng với cá rô phi trong ao chứa lắng, tôm với cua...

Sở NN-PTNT Khánh Hòa còn lưu ý, nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh chỉ nên nuôi 1 vụ/năm, còn nuôi tôm chân trắng thâm canh, bán thâm canh và tôm sú quảng canh cải tiến chuyên tôm có thể nuôi 2 vụ/năm. Trong quá trình thả nuôi cần có khoảng thời gian ngắt vụ giữa các vụ nuôi khoảng 1 tháng đối với những ao nuôi hiệu quả và 2 tháng đối với những ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh.

Riêng những cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo không chịu ảnh hưởng của thời tiết, cũng như chủ động kiểm soát hoàn toàn các yếu tố môi trường, dịch bệnh có thể thả giống quanh năm.

Ông Lê Minh Chính cho biết, trong năm 2020 tổng sản lượng ông thu hoạch trên 150 tấn nhờ áp dụng Semi Biofloc trong nuôi tôm thẻ. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Lê Minh Chính cho biết, trong năm 2020 tổng sản lượng ông thu hoạch trên 150 tấn nhờ áp dụng Semi Biofloc trong nuôi tôm thẻ. Ảnh: Kim Sơ.

Công nghệ Biofloc, Semi Biofloc mang lại hiệu quả bền vững

Số liệu Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cung cấp, toàn tỉnh có khoảng 2.000ha nuôi tôm nước lợ, trong đó 1.574 ha nuôi tôm thẻ, còn lại là diện tích tôm sú, tập trung chủ yếu tại TX. Ninh Hòa và các huyện Cam Lâm, Vạn Ninh.

Bà Nguyễn Thị Toàn Thư, Phụ trách Phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa) cho biết, để nuôi tôm nước lợ đạt hiệu quả cao, Chi cục khuyến khích người nuôi áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình sản xuất như: Biofloc, Semi Biofloc, công nghệ sinh học, mô hình nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn mang lại hiệu quả cao.

“Các mô hình này có quy trình kỹ thuật nuôi khá hoàn thiện từ khâu chọn giống đến quản lý quá trình nuôi, cũng như đầu tư hệ thống ao nuôi, chủ động xử lý được nguồn nước cấp. Trong quá trình nuôi sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý sức khỏe động vật thủy sản nuôi. Từ đó, hạn chế rủi ro do bệnh và môi trường giúp người nuôi thu hoạch đạt sản lượng cao”, bà Thư chia sẻ.

Ghi nhận chúng tôi tại vùng nuôi ở xã Ninh Phú (TX Ninh Hòa) hiện có khoảng 10 ha/170 ha nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng theo công nghệ Semi Biofloc từ vài năm nay. Chủ tịch UBND xã Ninh Phú Phạm Thanh Sinh, đánh giá công nghệ Semi Biofloc rất hiệu quả khi áp dụng trên địa bàn xã trong thời gian qua khi không chỉ tạo ra sản phẩm tôm sạch do quá trình nuôi không dùng chất kháng sinh mà còn góp phần bảo về môi trường.

“Vụ nuôi tôm 2020, hầu hết bà con áp dụng công nghệ đều thắng lợi. Trung bình ao nuôi 2.000m2, thả với mật độ 150-200con/m2, người nuôi thu hoạch khoảng 5 tấn, tức khoảng 20 tấn/ha. Nhờ vậy, hộ nuôi lãi nhất hơn 4 tỷ, thấp nhất cũng lãi từ 500-600 triệu, trong khi các hộ nuôi tôm trên ao đất đều thất thu”, ông Sinh cho biết.

Hộ ông Lê Minh Chính, xã Ninh Phú có diện tích 1,5ha ao thả nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ Semi Biofloc, trong năm 2020 ông nuôi 3 vụ với tổng sản lượng thu hoạch trên 150 tấn, sau khi trừ chi phí ông lãi hàng tỷ đồng.

Theo ông Chính giải thích, công nghệ Semi Biofloc là làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo, còn Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đối tượng nuôi, ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh, từ đó, tôm nuôi mau lớn, kiểm soát được dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo ATTP.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.