Để hỗ trợ một số xã hoàn thành tiêu chí số 3 trong xây dựng NTM, năm 2020 Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức phòng chống thiên tai cho 2.093 lượt người.
Theo ông Ngô Đức Hợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy (BCH) phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh, nội dung chuyển tải đến các học viên chủ yếu là tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng tránh, ứng phó với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh như bão, lũ, giông sét, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét…
“Những nội dung này được cụ thể hóa từ đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” (gọi tắt là Đề án 1002), được triển khai tại Hà Tĩnh từ năm 2014”, ông Hợi nói.
Năm nay, việc triển khai các nội dung Đề án 1002 được lồng ghép vào Chương trình xây dựng NTM của các địa phương. Theo đó, để hỗ trợ một số xã của huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Hương Khê, thị xã Kỳ Anh hoàn thành tiêu chí số 3 - Thủy lợi, BCH phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh tổ chức tập huấn cho 17 xã/34 lớp/2.093 lượt người. Đối tượng là cán bộ cấp xã và người dân khu vực ảnh hưởng nguy cơ cao về thiên tai.
Về nội dung tập huấn, mỗi đối tượng giáo viên sẽ soạn thảo một bài giảng riêng. Cụ thể, đối với cán bộ cấp xã, hướng dẫn cách xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 5 năm theo quy định Luật Phòng chống thiên tai sát với tình hình thực tế ở các địa phương.
Người dân vùng biển các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh, hướng dẫn cách phòng tránh các loại hình thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, gió mạnh trên biển. Vùng núi huyện Hương Sơn, Hương Khê thì phòng tránh sạt lở đất, lũ ống, lũ quét…
Đánh giá về tính hiệu quả của Đề án 1002, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh nói: “Khi tham gia lớp tập huấn, chúng tôi không chỉ hiểu rõ các quy định mới của Luật phòng chống thiên tai mà còn xây dựng được “kịch bản” phòng, chống các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn xã như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Chủ động xây dựng lực lượng “4 tại chỗ”, kịp thời khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra”.
Được biết, Đề án 1002 bắt đầu triển khai thực hiện tại Hà Tĩnh từ năm 2014. Kể từ đó đến nay mỗi năm BCH phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra cho hàng nghìn lượt người, từ cán bộ cốt cán cấp huyện, xã, thôn xóm cho đến người dân, các lực lượng xung kích và giáo viên, học sinh các trường tiểu học.