| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả trồng ngô sinh khối ở Quảng Bình

Thứ Tư 18/12/2019 , 07:01 (GMT+7)

Theo ông Trần Công An, Chủ tịch UBND xã Nam Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình), hai năm nay, người dân đã chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối và đạt hiệu quả cao.

Hào hứng chuyển đổi

“Khi triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những vùng đất khắc nghiệt, với thời tiết thì cây ngô sinh khối là hướng đi nhiều triển vọng”- ông An nhấn mạnh.

12-39-54__1-_huyen_bo_trch
Huyện Bố Trạch tăng dần diện tích trồng ngô sinh khối.

Thôn Hòa Trạch (xã Nam Trạch) có hàng chục hộ dân đã bắt tay vào trồng ngô sinh khối. Ông Bùi Văn Châu, một nông dân ở đây có hơn 1 ha chuyển sang trồng ngô sinh khối, cho hay: “Trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao hơn so với trồng ngô thu hạt truyền thống”.

Theo ông Châu, trồng ngô sinh khối tức là cây ngô đến kỳ chuẩn bị trổ cờ thì thu hoạch để làm thức ăn cho chăn nuôi. Ngô sinh khối có thời gian sinh trưởng ngắn, ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết hơn so với trồng ngô lấy hạt nên thuận lợi cho bố trí thời vụ. Trong một năm, người nông dân làm được 3 vụ ngô sinh khối. Trung bình mỗi vụ, mỗi ha cho thu hoạch chừng 40 tấn, bán cho các doanh nghiệp thu về tiền tươi được gần 25 triệu đồng”- ông Châu cho hay.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Văn có 2 ha trồng cao su. Năm 2016, bão làm cao su gãy đổ gần hết. Ông thuê người chặt hết cây còn lại, cày xới đất và chuyển sang trồng ngô sinh khối. Mỗi năm, gia đình làm 3 vụ: hè-thu, thu-đông và đông-xuân.

“Cứ thu hoạch vụ này xong, làm đất tơi xốp, bón lót phân chuồng và trồng tiếp vụ sau.. 2 ha trồng ngô sinh khối của tôi, sau khi trừ đi chi phí cũng cho thu lãi khoảng 150 triệu đồng/năm”- ông Văn cho biết.

Thức dậy từ sáng sớm, ông Nguyễn Văn Huân cùng một số hộ dân trong thôn tranh thủ thu hoạch hơn 5 sào ngô để kịp chuyến xe vận chuyển đi tiêu thụ. Gia đình ông Huân có hơn 1 ha đất trồng sắn. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao, đầu ra bấp bênh, thường xuyên bị thương lái ép giá. Sau vài lần thử nghiệm, ông mới thấy trồng ngô sinh khối chuyên phục vụ chăn nuôi mang lại kết quả khả quan nhất.

Ông Huân chia sẻ: "Từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã, đến thời điểm này, gia đình tôi đã chuyển đổi hơn 0,5 ha đất trồng sắn sang trồng ngô sinh khối. Lợi nhuận cao gấp từ 3 - 4 lần so với cây sắn, trong khi không mất nhiều công chăm sóc".

Hiện Nam Trạch đã liên kết chuỗi sản xuất với Công ty Lê Dũng Linh (một doanh nghiệp chăn nuôi bò thịt có quy mô 10 ngàn con/năm ở huyện Quảng Trạch). “Chúng tôi đã làm hợp đồng cam kết doanh nghiệp sẽ thu mua thân ngô với giá cả ổn định để người dân yên tâm, tiếp tục sản xuất”- ông Nguyễn Công An, Chủ tịch UBND xã Nam Trạch cho biết.

Hiện, xã Nam Trạch có diện tích trồng ngô sinh khối hơn 100 ha, lớn nhất trong các địa phương ở huyện Bố Trạch. Từ năm 2016 đến nay, xã Nam Trạch sử dụng giống ngô chủ lực NK4300, NK7328. Theo chị Nguyễn Thị Suốt, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Nam Trạch cho hay, ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, thì NK7328 thuộc nhóm đứng đầu. Giống ngô này thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất sinh khối lớn, trung bình từ 45-50 tấn/ha.
 

Phân loại để mở rộng diện tích

Bình thường, nếu trồng ngô lấy hạt, bà con ở đây chỉ thu hoạch 1 vụ duy nhất trong năm. Khi trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi, mỗi năm, bà con trồng được 3 vụ. Thời gian trồng đến thu hoạch ngắn hơn, chỉ khoảng trên dưới 90 ngày, mật độ cây trồng dày hơn, chi phí đầu vào thấp nên nguồn lợi thu về từ đồng ruộng cũng tăng lên nhiều.

Ở Bố Trạch, ngô được xem là giống cây trồng chủ lực. Theo đó, Bố Trạch tập trung chuyển đổi theo 3 hướng: ngô lấy hạt, ngô thực phẩm và ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi.

Đối với ngô lấy hạt, được định hình ở những vùng có điều kiện canh tác tốt, nằm trong vùng truyền thống trồng ngô năng suất cao như xã Cự Nẫm, Sơn Trạch.

Ngô thực phẩm, được đưa vào cơ cấu các giống ngô có chất lượng cao, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng như: ngô nếp Tố nữ, ngô nếp lai HN88…

12-39-54__2-_nong_dn_x_nm_ytchj
Nông dân xã Nam Trạch thu hoạch và bán sản phẩm ngô sinh khối tại ruộng.

Riêng với ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi, là hướng đi mới trong chuyển cơ cấu cây trồng. Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch, cho biết: “So với ngô lấy hạt, ngô sinh khối có hiệu quả cao hơn 1-1,5 lần. Mặt khác, ngô sinh khối thường có thời gian sinh trưởng ngắn, ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, sâu bệnh”.

Nhiều giống ngô mới có năng suất cao đã được đưa vào sử dụng như: NK4300, NK6410, CP501, DK9955... Đối với xã Nam Trạch, trong năm 2019-2020, huyện hỗ trợ cho địa phương này hơn 400 triệu đồng để triển khai dự án “Phát triển liên kết sản xuất ngô làm thức ăn gia súc gắn với tiêu thụ sản phẩm”. Việc hỗ trợ chủ yếu đưa đến cho người dân về giống, vật tư phân bón... để thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch :“Từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ giá cho người trồng ngô các địa phương với trên 35 tấn giống ngô lai các loại. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ sử dụng giống ngô lai trên địa bàn huyện đạt 100% diện tích sản xuất.

Thời gian tới, Bố Trạch tiếp tục tìm kiếm, liên kết với các công ty, cơ sở chăn nuôi bò quy mô lớn để hướng bà con trên địa bàn chuyển đổi số diện tích đất kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích”.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất