Những tín hiệu tích cực
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM cho biết tín dụng bất động sản trên địa bàn TP duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 3 tháng gần đây.
Cụ thể, tháng 3 tăng 0,96%, tháng 4 tăng 1,15% và tháng 5 tăng trưởng 1,15%. Tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại TP.HCM đạt 992.800 tỉ đồng, chiếm 28% so với tổng dư nợ tín dụng toàn TP và tăng 2,78% so với cuối năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn.
Đó là thông tin được chia sẻ tại hội thảo “Chính sách mới - Trợ lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển”, được tổ chức mới đây.
Theo ông Nguyễn Văn Nguyện, Phó trưởng phòng tổng hợp kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, hoạt động tín dụng cho vay mua nhà ở chiếm tỉ trọng cao nhất, 68% so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn. Trong đó xuất hiện điểm tích cực ở phân khúc này, khi tín dụng nhà ở tăng trưởng trở lại, tăng 1,2% so với tháng 4/2024 (các tháng trước đó tăng trưởng âm).
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, với những yếu tố thuận lợi về cơ chế chính sách như lãi suất thấp, khả năng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn của các tổ chức tín dụng, các luật về bất động sản có hiệu lực thi hành sớm… sẽ là cơ sở, là yếu tố thúc đẩy để thị trường bất động sản duy trì những điểm tích cực, tạo điều kiện để phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và phát triển dự án của DKRA Group nhận định, thị trường địa ốc vẫn còn nhiều thách thức.
"Thứ nhất, các cuộc khủng hoảng địa chính trị trên toàn cầu như chiến sự, bất ổn kinh tế thế giới, lạm phát kéo dài, nguy cơ khủng hoảng nợ toàn cầu; thứ hai, thị trường lệch pha cung cầu về phân khúc giá, tâm lý “chờ” của nhà đầu tư lớn; thứ ba, các vướng mắc pháp lý vẫn còn lớn, chủ yếu là vướng mắc trong khâu cấp phép dự án, tính tiền sử dụng đất… Và cuối cùng là vấn đề vốn, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn mới trong khi còn phải đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu 300.000 tỷ đồng từ giai đoạn trước”, ông Thắng phân tích.
Dự án kinh doanh phải công khai thông tin
Tại hội thảo, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản mới đã tăng sự công khai, minh bạch về thông tin dự án, giúp người mua có khả năng tiếp cận nhiều hơn các thông tin sạch, nâng cao việc bảo vệ người mua, giảm rủi ro tranh chấp.
“Luật mới cũng quy định các dự án khi đưa vào kinh doanh phải công khai thông tin, điều mà trước đây không có. Cùng với đó là bổ sung rõ các hành vi cấm cũng được quy định chặt chẽ hơn, hay việc mở rộng quyền kinh doanh bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài”, ông Hải nói.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua các luật: Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng (có hiệu lực từ ngày 1/8/2024). Điểm chung của các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong các luật này là nhằm đảm bảo phù hợp tình hình thực tế, tháo gỡ tồn tại, hạn chế; bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ giữa các luật này với các luật khác có liên quan để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cải cách thủ tục hành chính, chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế, thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở và thị trường bất động sản.
“Bốn luật này có vai trò hết sức quan trọng, đồng thời có sự liên quan mật thiết và có thể ví như chiếc bình thông nhau, sẽ tạo nên những thay đổi lớn về môi trường pháp lý và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thị trường bất động sản vốn đang trầm lắng, một mặt do tình hình kinh tế chậm phục hồi, mặt khác do gặp nhiều vướng mắc, trở ngại về các quy định pháp lý. Đây là “hành động” thể hiện sự quyết tâm và đồng bộ của pháp luật và tác động trực tiếp, trực diện đến các dự án nhà ở, bất động sản, đất đai, tín dụng”, ông Hải nói.
Trong đó, đối với Luật Kinh doanh Bất động sản, một điểm mới nổi bật là các cá nhân kinh doanh quy mô nhỏ, dưới quy mô nhỏ thì không thuộc phạm vi điều chỉnh. Luật cũng thể hiện tính thống nhất và bổ sung, làm rõ các khái niệm pháp lý quan trọng. Trong đó, quy định rõ các công trình xây dựng được đưa vào kinh doanh liên quan đến bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng, y tế, thể thao, văn hóa để có ứng xử phù hợp. Ngoài ra cũng làm rõ về condotel, officetel… nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho việc đầu tư, kinh doanh các sản phẩm.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, việc sớm đưa vào thực thi Luật mới kỳ vọng tháo gỡ được những vướng mắc pháp lý sẽ giúp cho nguồn cung ứng dồi dào, nguồn cung tăng lên thì tự nó sẽ điều chỉnh xu hướng thị trường “kim tự tháp” nhà ở bền vững.
Đa số nhà ở trên thị trường phải là nhà ở của người có tiền, trong đó có nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng đang đặt ra từ nay đến năm 2030: “làm sao phải kéo được giá nhà hợp lý, chứ bây giờ giá luôn tăng. Để có thể chuyển hướng sang thị trường bất động sản xanh, sinh thái, sức khỏe, thân thiện môi trường, tích hợp nhiều tiện ích… thì phải có nền tảng pháp lý đồng bộ, thống nhất”.
“Thị trường bất động sản trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn đó đang có xu hướng giảm dần và thị trường sẽ phục hồi cùng với sự cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh; các doanh nghiệp không còn tìm cách kéo lợi nhuận đơn thuần về phía mình mà luôn luôn đồng hành với nhà đầu tư, khách hàng”, ông Châu nói.
Luật Đất đai 2024 có 180 Điều sửa đổi bổ sung của Luật đất đai năm 2013, trong đó có 80 Điều hoàn toàn mới. Luật mới quy định trong phân cấp, phân quyền về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng. Hiện nay, giao cho Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định, không cần phải trình Thủ tướng Chính phủ như trước đây, việc này đẩy nhanh tiến độ các dự án, trong đó có dự án bất động sản.