Tháng 1/1975 trên chuyến xe công tác Bình Long cùng đội chiếu bóng di động, trong đêm tối, chiếc xe đã va phải mìn chống tăng, cả đoàn trên chiếc xe đều hy sinh chỉ còn duy nhất ông - phóng viên ảnh Đỗ Kết còn sống. Bộ đội ta tìm thấy ông nằm cách chiếc xe vài chục mét, bị thương nặng và phải chuyển về tuyến sau điều trị. Và cũng vì thế, ông đã bỏ lỡ sự kiện lớn của dân tộc ta chỉ sau đó 3 tháng, ngày quân giải phóng Miền Nam cắm cờ trên dinh Độc Lập.
Là một nhiếp ảnh chiến trường, ông đau đớn vì đã bỏ lỡ những khoảnh khắc lịch sử của dân tộc mà ông đã chờ đợi suốt bao năm trong lửa đạn chiến trường mới có ngày chiến thắng, thế mà những khoảnh khắc ấy lại không có trong những cuộn phim của ông.
Sau giải phóng miền Nam, ông tiếp tục công tác tại Bộ Tư lệnh quân khu 7 đến cuối những năm 1980, ông về hưu và đưa cả gia đình về quê sinh sống.
Theo lời kể của những người trong gia đình, từ lúc về hưu, ông gần như "ở ẩn" và không một lần nhắc tới quãng đời làm một phóng viên ảnh chiến trường cho đến khi qua đời năm 2009.
Trong kho tư liệu đồ sộ của ông vốn chưa một lần được công bố, chúng tôi bắt gặp những thước phim âm bản quý về những người phụ nữ trong chiến trường Đông Nam Bộ.
Dưới đây là một số bức ảnh khác của tác giả Đỗ Kết về công tác trao đổi tù binh năm 1973. Vì tác giả Đỗ Kết không chú thích sự kiện ở từng bức ảnh nên chúng tôi rất mong các nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử có thể giúp hoàn thiện câu chuyện cho từng bức ảnh.
Hiện người lưu giữ những bức ảnh quý này là cháu của tác giả Đỗ Kết - anh Nguyễn Gia Minh - cung cấp cho Báo Nông nghiệp Việt Nam.