| Hotline: 0983.970.780

Nhân chứng 'bất đắc dĩ'

Thứ Năm 30/04/2020 , 05:30 (GMT+7)

Thời khắc Tổng thống chế độ Việt Nam Cộng hoà đọc lời tuyên bố đầu hàng cách mạng, có sự chứng kiến của một nhân chứng thứ ba “bất đắc dĩ”.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái kể lại giây phút lịch sử trưa 30/4/1975. Ảnh: Phúc Lập.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái kể lại giây phút lịch sử trưa 30/4/1975. Ảnh: Phúc Lập.

Đó là kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, một thành viên quan trọng trong lực lượng hòa giải, hòa hợp dân tộc, vận động chính quyền Sài Gòn buông súng, tránh gây thương vong không đáng có cho lực lượng cả 2 bên.

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi gặp kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái tại Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập cũ), TP.HCM, để nghe ông hoài niệm về những giây phút lịch sử cách đây 45 năm.

Từ chối "thiên đường" để đến với cách mạng

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái sinh năm 1940, tại Đà Nẵng, trong một gia đình công chức. Năm 1958, sau khi đỗ Tú tài Trường Thiên Hựu (Huế), ông tiếp tục học ngành Kiến trúc và Luật, Viện Đại học Sài Gòn.

Những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, ông là một trong những nhân tố tích cực nhất trong phong trào sinh viên xuống đường biểu tình, đòi tự do, dân chủ.

Năm 1963 - 1964, chàng sinh viên Nguyễn Hữu Thái được bầu làm chủ tịch tổng hội sinh viên Sài Gòn, trở thành cái tên quen thuộc trong giới sinh viên, học sinh Sài Gòn đương thời.

Do nhiệt tình đấu tranh nên năm 1964, chàng sinh viên 24 tuổi bị bỏ tù, trở thành cái tên nổi bật trong “danh sách đen” của chế độ cũ. Trong vòng 10 năm sau đó, anh đã 3 lần bị bắt giam.

“Sau cuộc đảo chính tháng 11/1963, phái quân sự lên nắm quyền, tôi là một trong số những người dẫn đầu đoàn sinh viên xuống đường tranh đấu. Lúc đó chưa có ai giác ngộ cách mạng cả, chỉ mong chấm dứt chiến tranh, tránh đổ máu vô ích thôi.

Sang năm 1964, tôi bị bắt giam ở khám Chí Hòa. Cùng phòng giam có một số cán bộ Cộng sản. Ngay trong đêm đầu tiên, giữa tôi và họ đã tranh luận gay gắt về phương pháp đấu tranh...

Những cán bộ này đa phần hoạt động ở vùng nông thôn nên không hiểu lắm tình hình đô thị. Tuy vậy, càng tranh luận thì tôi càng bị họ thuyết phục và hiểu rằng, ngoài cuộc đấu tranh của sinh viên, trí thức chống chế độ Sài Gòn, còn có cuộc đấu tranh lớn lao của những người Cộng sản”, ông Thái mở đầu.

“Sau lần bị bắt giam ấy, tôi hiểu thêm về Đảng, về cách mạng, và dần dần giác ngộ, mặc dù tôi từng nhận được lời đề nghị của một quan chức Mỹ rằng sẽ tạo điều kiện sang Mỹ học rồi về Việt Nam làm quan chức.

Năm 1971, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa tổ chức bầu cử Quốc hội và Tổng thống. Người của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đề nghị tôi ra tranh cử với lập trường hòa bình trung lập, chuẩn bị cho “Thành phần thứ ba” như trong Hiệp định Paris.

Tôi được sự ủng hộ của tướng Dương Văn Minh, người sẽ ra tranh cử Tổng thống. Nhưng do bị nghi ngờ là người của quân giải phóng nên tôi đã thất cử. Tướng Minh vào giờ chót cũng rút lui khỏi cuộc tranh cử Tổng thống”, ông kể tiếp.

Một năm sau, Nguyễn Hữu Thái lại bị chính quyền Sài Gòn bắt giam trước ngày ký kết Hiệp định Paris về hòa bình Việt Nam, do bị tố cáo là thành phần thân Cộng. Khi người đàn ông 34 tuổi được ra tù năm 1974, tình hình đã biến chuyển nhanh theo hướng chấm dứt chiến tranh...

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái và Đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Chính uỷ Lữ đoàn xe tăng 203, người soạn lời tuyên bố đầu hàng cho cựu Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà Dương Văn Minh tại Hội trường Thống Nhất. Ảnh: Phúc Lập.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái và Đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Chính uỷ Lữ đoàn xe tăng 203, người soạn lời tuyên bố đầu hàng cho cựu Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà Dương Văn Minh tại Hội trường Thống Nhất. Ảnh: Phúc Lập.

Trầm ngâm giây lát, ông Thái kể tiếp: “Hồi đó, tôi đã nung nấu ý định thoát ly ra “cứ” hoạt động, nhưng không được toại nguyện. Sau này, tôi được biết, có ý kiến nói rằng tôi giao tiếp nhiều với người Mỹ nên nghi ngại, rồi có ý kiến cho rằng, tôi hoạt động công khai ngay ở Sài Gòn như vậy tốt hơn”.

Nhưng sau đó, một biến cố xảy đến, đó là khi Nguyễn Hữu Thái bị bắt đi quân dịch, trở thành giảng viên chiến tranh chính trị trong quân đội Sài Gòn rồi lại bị bắt đi tù lần thứ 3 vì vẫn chủ trương đấu tranh, hòa giải.

Ra tù, ông tiếp tục hoạt động công khai, trở thành cây bút chủ lực của báo Điện Tín do Dương Văn Minh chủ trương.

Ông ngày càng gắn bó hơn với nhóm trí thức trẻ thân cận với Dương Văn Minh, như Ngô Công Đức, Lý Quý Chung, Phan Xuân Huy, Nguyễn Văn Binh, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Huỳnh Bá Thành...

Họ là những người được coi như “thành phần thứ ba” có xu hướng vận động chính quyền Sài Gòn đi vào con đường hoà giải, hoà hợp dân tộc. Và đó cũng là những tiền đề để ngày 30/4/1975, Nguyễn Hữu Thái có mặt trong Dinh Độc lập chứng kiến giây phút lịch sử của dân tộc.

Người đầu tiên của cách mạng lên sóng phát thanh

Ông Nguyễn Hữu Thái còn nhớ như in thời khắc lịch sử của 45 năm trước.

“Sáng 30/4, tôi cùng mấy người bạn đến Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) tìm gặp ông Lý Quý Chung, Tổng chưởng thông tin duy nhất trong nội các Dương Văn Minh khi đó là bạn tôi, để thuyết phục ông cùng nội các Dương Văn Minh đến đài phát thanh, ra lời kêu gọi nhằm tránh đổ máu thêm nữa.

Ông Chung đồng ý. Sau đó không lâu, chúng tôi bắt đầu nghe tiếng súng, nhìn ra đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), thấy đoàn xe tăng của quân ta đang ào ào tiến thẳng vào dinh.

Tôi cùng anh Huỳnh Văn Tòng và một số người khác đưa anh bộ đội (Bùi Quang Thận - PV) lên cắm cờ Mặt trận trên nóc Dinh Độc Lập.

Sau đó, chúng tôi trở xuống tầng hai của Dinh. Lúc này, quân giải phóng đã có mặt khá đông ở phòng Dương Văn Minh.

Một cán bộ quân đội mà sau đó tôi biết là Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính uỷ Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2, yêu cầu Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng.

Bức ảnh giây phút lịch sử Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng tại đài phát thanh TP.HCM trưa 30/4/1975: Dương Văn Minh ngồi, mặc áo màu đen, Nguyễn Hữu Thái là người đứng, áo ngắn tay trắng, tay cầm xấp tài liệu. Ảnh: Tư liệu.

Bức ảnh giây phút lịch sử Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng tại đài phát thanh TP.HCM trưa 30/4/1975: Dương Văn Minh ngồi, mặc áo màu đen, Nguyễn Hữu Thái là người đứng, áo ngắn tay trắng, tay cầm xấp tài liệu. Ảnh: Tư liệu.

Ngay sau đó, chúng tôi lên 2 chiếc xe jeep, tháp tùng Tổng thống Dương Văn Minh cùng ông Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Tổng chưởng Thông tin Lý Quý Chung ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng.

Tại đây, ông Bùi Văn Tùng là người soạn lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Tuy nhiên, ông Minh không muốn nêu chữ Tổng thống, mà chỉ muốn dùng chữ Đại tướng. Nhưng không được ông ông Tùng đồng ý, vì cho rằng, ông Minh đã là Tổng thống chính quyền Sài Gòn và phải tuyên bố với tư cách đó mới ra lệnh được cho cả bên dân sự lẫn quân sự. Sau đó, chính ông thu băng và thử đi thử lại mấy lần mới xong”.

Và trong giờ phút lịch sử ấy, người đầu tiên được giao trọng trách lên sóng phát thanh để nói lời nói của chính quyền cách mạng chính là ông Nguyễn Hữu Thái. Ông Thái nói trực tiếp và đài cũng phát trực tiếp.

Đây cũng là lần đầu tiên cái tên Thành phố mang tên Bác được xướng lên: “Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới Dinh Độc lập trước 12 giờ và đã cùng anh em Quân giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc lập...

Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng. Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng...”.

Tiếp đó, đến lượt Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, trao lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam”.

Tiếp sau lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, giọng Trung tá Bùi Văn Tùng vang lên trên sóng phát thanh: “Chúng tôi, đại diện lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn".

Trong buổi lễ trao trả tự do cho nội các Việt Nam Cộng hòa tối 2/5/1975, cựu Tổng thống Dương Văn Minh phát biểu: “Tôi nghĩ rằng với hành động của mình, tôi đã góp phần tránh một cuộc đổ máu vô ích cuối cùng cho Sài Gòn. Đó là phần đóng góp cụ thể của tôi trong cuộc chiến đấu này. Riêng cá nhân tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi 60 tuổi, trở thành một công dân của một nước Việt Nam độc lập”.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.