| Hotline: 0983.970.780

Hiu hắt làng nghề Hà Nội

Thứ Hai 21/11/2011 , 10:16 (GMT+7)

Nhiều làng nghề quy mô sản xuất giảm sút chỉ còn 50% so với trước. Nhiều thợ giỏi, nghệ nhân đã phải bỏ nghề vì thu nhập bọt bèo...

Không còn nhiều lao động gắn bó với nghề thủ công truyền thống

Nhiều làng nghề quy mô sản xuất giảm sút chỉ còn 50% so với trước. Nhiều thợ giỏi, nghệ nhân đã phải bỏ nghề vì thu nhập bọt bèo. Nguy cơ mất nghề truyền thống có thể thấy rõ ở nhiều làng nghề ở Thủ đô.

Sa sút nghề

Ninh Sở, làng nghề nổi tiếng của huyện Thường Tín, nơi từng có đến 90% số hộ sản xuất mây giang đan xuất khẩu tiếng tăm vang xa trên trường quốc tế ngày nào giờ không còn thấy cảnh tấp nập của xe tải chở nguyên liệu và sản phẩm vào ra, cũng không còn cảnh nhà nhà, người người chăm chú vào làm mây giang đan như trước… Thay vào đó là cảnh vắng hiu vắng hắt, đi sâu vào các thôn Xâm Dương, Bằng Sở… lác đác mới có một vài hộ còn làm hàng.

Phó chủ tịch UBND xã Ninh Sở Lê Hồng Lân ngậm ngùi cho biết: "Làng nghề giờ chỉ còn thoi thóp. Ngày công quá rẻ mạt, trông vào nghề có mà chết đói, các hộ làm nghề trước đây, kể cả các nghệ nhân, thợ giỏi cũng đã bỏ nghề cả rồi”.

Cũng theo ông Lân, chỉ những người già hết tuổi lao động, hoặc sức khỏe, trí tuệ kém… mới chịu ở nhà đan lát với ngày công 25-30 ngàn đồng, chứ có sức lao động là họ bươn chải đủ nghề từ chạy chợ, phu hồ, hay làm công nhân trong các nhà máy ngày công khá hơn nhiều. Nếu như cách đây 3-4 năm, cả xã có trên 2.000 hộ tham gia sản xuất mây giang đan thì nay chỉ còn vài trăm hộ; từ 25 hộ đứng ra làm đầu mối thu gom hàng trước đây nay chỉ còn 16 hộ nhưng quy mô đều giảm chỉ bằng một nửa so với lúc nghề thịnh vượng.

Không riêng gì Ninh Sở, cảnh tượng ảm đạm này cũng lặp lại tương tự ở các làng nghề xã Trường Yên, Phú Nghĩa, Đông Phương Yên… huyện Chương Mỹ. Ông Nguyễn Gia Dư, Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết, nếu như thời hoàng kim, xã có 90% số hộ tham gia vào sản xuất mây giang đan thì nay chỉ còn 40%. Lúc phát triển, địa phương có 30 DN tham gia vào sản xuất, kinh doanh mây giang đan thì nay chỉ còn 10 DN.

Để mục sở thị khó khăn của làng nghề, chúng tôi tới Cty TNHH Mây tre đan Hoa Nam đóng trên địa bàn xã Trường Yên. Nếu như cách đây 3 năm, Cty này có hàng trăm lao động sản xuất tập trung và hàng ngàn lao động vệ tinh tại các thôn trong và ngoài xã thì hiện tại, chỉ còn vẻn vẹn 10 lao động.

Bà Nguyễn Thị Tiến ở xã Đông Sơn làm công nhân tại đây cho biết: “Mỗi ngày công tôi được 50 ngàn đồng, làm ngày nào chấm công ngày ấy, nhưng việc không đều, lúc có lúc không. Bây giờ tuổi cao, tìm việc khó nên tôi phải làm chứ còn trẻ họ bỏ đi làm nghề khác hết”.

Chương Mỹ là huyện dẫn đầu thành phố về số làng có nghề và làng được công nhận làng nghề với tổng số 33 làng, chiếm 70% số đó là làng nghề sản xuất mây giang đan xuất khẩu. Theo ông Đào Xuân Hà, Phó phòng Kinh tế huyện, chưa bao giờ làng nghề mây giang đan lại èo uột như lúc này. Chỉ trong vòng 3 năm nay, sản xuất mây giang đan của huyện đã giảm 50% cả về giá trị và sản lượng, 50% DN hoạt động trong lĩnh vực này bị phá sản hoặc chuyển đổi sang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng khác…

Lối ra xa thẳm

Làng nghề mây giang đan bị “tuột dốc không phanh” bởi phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn như: thiếu vốn, nguyên liệu, giá nhân công cao... và đặc biệt là thị trường xuất khẩu thu hẹp, không tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Ông Bùi Văn Việt, một chủ DN xuất khẩu mây giang đan thôn Yên Trường, xã Trường Yên không ngần ngại cho biết, hầu hết sản phẩm mây giang đan của các làng nghề Hà Nội là xuất khẩu nhưng nhiều DN đã bị mất bạn hàng xuất khẩu do đối tác gặp khó khăn về kinh tế; do sản phẩm không cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của các nước khác như Thái Lan, Trung Quốc; trong khi đó DN của ta lại không tìm được các đối tác mới…

Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công, Tư vấn và Phát triển công nghiệp (Sở Công thương Hà Nội):

Để hỗ trợ các làng nghề, Trung tâm đã tăng cường triển khai các lớp đào tạo: truyền nghề, nhân cấy nghề, tập huấn thiết kế mẫu mã sản phẩm… Đặc biệt là đưa DN mây giang đan, sơn mài và gốm sứ tham dự các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm.

Từ đầu năm tới nay, Trung tâm đã tổ chức 3 đoàn với 25 DN tham gia 2 hội chợ trong nước và 1 hội chợ quốc tế tại Đức. Tuy vậy các làng nghề ở Thủ đô cần hơn nữa những giúp đỡ thiết thực trong bối cảnh khó khăn, đầu ra ế ẩm, cơn bão “tín dụng đen” quét xơ quét xác nhiều vùng quê.

Không xuất khẩu được hàng, nguồn vốn bị tồn đọng, nhiều DN phải vay vốn chịu thêm khoản lãi suất ngân hàng tăng cao nên rơi vào thua lỗ nặng. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của nhiều làng nghề ngày càng khan hiếm và không thể chủ động được.

Ông Hà so sánh, nếu trước đây, nguyên liệu phục vụ các làng nghề trên địa bàn huyện được nhập về từ tỉnh Hòa Bình theo Quốc lộ 6 chỉ trong bán kính trên dưới 100km thì nay, các hộ làng nghề phải bươn chải khắp Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An, thậm chí sang cả Lào để thu mua song, mây, tre, nứa… vừa mất thời gian, chi phí vận chuyển lại cao gấp 3-4 lần… đội giá thành sản phẩm lên cao. Và rất nhiều, rất nhiều những khó khăn khác…

Không chỉ làm thiệt hại về kinh tế cho làng nghề và đời sống người dân mà việc suy giảm này còn tiềm ẩn nguy cơ xóa sổ nhiều làng nghề. Thực tế, để bù đắp cho chi phí sản xuất cao, đảm bảo lợi nhuận, nhiều hộ làm nghề đã sẵn sàng làm hàng chất lượng thấp, bớt xén vật liệu như: giảm độ dày của nan, kỹ thuật đan ghép mỏng, ẩu, ảnh hưởng đến thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Sản xuất èo uột, người thợ cũng ít có cơ hội để trình diễn tay nghề; lao động bỏ nghề cũng sẽ làm mất đi đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi - tinh hoa của các làng nghề. Ở nhiều làng nghề, người dân đã bắt đầu lo lắng về nguy cơ mai một các làng nghề truyền thống.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm