| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ chuyển đổi cây trồng vùng hạn

Thứ Sáu 26/04/2013 , 10:22 (GMT+7)

TS Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đã trao đổi với NNVN xung quanh vấn đề chuyển đổi cây trồng trước BĐKH, cụ thể là những vùng thiếu nước tưới.

Sau khi NNVN đăng tải loạt bài về chuyển đổi cây trồng trước BĐKH, cụ thể là những vùng thiếu nước tưới ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ, TS Nguyễn Văn Hòa (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đã trao đổi với NNVN xung quanh vấn đề này.

Theo ông Hòa, căng thẳng nhất về nước tưới cho chuẩn bị vào vụ HT hiện nay là khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Hiện các tỉnh, TP khu vực này đang chuẩn bị vào vụ HT; vụ này sẽ có hàng chục ngàn ha bị ảnh hưởng bởi thiếu nguồn nước. Cụ thể, vụ HT 2013 kế hoạch diện tích SX lúa vùng DHNTB  sẽ điều chỉnh còn 205.237 ha, giảm khoảng 17.233 ha (8,7%) so với vụ HT năm ngoái.

Nguyên nhân do thiếu nguồn nước, các địa phương đã dựa trên cơ sở kiểm tra, dự báo lượng nước của các hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đồng thời tính toán khả năng khai thác nguồn nước bổ sung (nước ngầm, nước tận dụng…), qua đó cân đối nguồn nước và điều chỉnh kế hoạch SX theo hướng giảm diện tích lúa, chỉ SX lúa ở những vùng có khả năng tưới và khuyến cáo chuyển đổi trồng màu những vùng còn lại. Tuy vậy, trong vụ này vẫn còn 18.940 ha không chủ động nguồn tưới nên phải lùi thời vụ để gieo khô chờ mưa.

Bên cạnh đó, 16.940 ha lúa nước ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Khánh Hòa, thuộc diện không đảm bảo nước tưới cho cây lúa. Những diện tích này đều được cấp nước từ những công trình thủy lợi nhỏ, do lượng mưa thấp hồi cuối năm ngoái, những công trình này đều đã cạn kiệt không thể cung cấp đủ nước để cho nông dân đổ ải. Nếu tiếp tục làm lúa thì nguy cơ bị thiệt hại là không nhỏ.

Thưa ông, giải pháp nào cho 16.940 ha không đảm bảo tưới lúa?

Tốt nhất là nên khuyến cáo chuyển sang trồng các cây trồng cạn. Đáng mừng là các địa phương cũng đều muốn chuyển đổi hết diện tích đó sang cây trồng cạn trong vụ HT. 16.940 ha này tuy thiếu nước tưới lúa, nhưng đủ điều kiện để chuyển đổi sang cây trồng cạn ngắn ngày như ngô, lạc, mè, sắn, rau đậu các loại. Hiện các địa phương đang tích cực triển khai kế hoạch SX, thông báo với cơ sở và hộ nông dân để thực hiện chuyển từ lúa sang cây trồng cạn trong vụ này.

Ngoài diện tích vụ HT nói trên, còn hàng chục ngàn ha lúa vụ mùa cũng bị ảnh hưởng nặng bởi thiếu khả năng tưới. Ở 6 tỉnh, TP từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, ước tính có khoảng 21.000 ha đất lúa vùng cao, do thiếu nước tưới vì không có các công trình thủy lợi nên mỗi năm chỉ SX được 1 vụ lúa mùa sử dụng nước trời. Diện tích này cũng nên khuyến khích nông dân chuyển đổi sang cây trồng cạn.

Khu vực DHNTB khá thích hợp để phát triển các loại cây trồng cạn ngắn ngày như ngô, lạc, sắn, đậu nành, mía, ớt, rau đậu các loại... Trong thực tế đã có nhiều mô hình chuyển đổi đạt được thành công. Vừa rồi, Cục Trồng trọt đã khảo sát viêc chuyển đổi trên 2.000 ha lúa sang cây trồng cạn trong vụ ĐX 2012 - 2013 ở Bình Định.

Theo đó, ở những vùng có khả năng khai thác nguồn nước để tưới bổ sung, cây lạc đóng vai trò chủ lực và chiếm khoảng 50% diện tích. Tiếp đó là ngô với 20% diện tích. Còn lại là cây rau các loại. Với năng suất 3 - 3,5 tấn/ha, cây lạc cho doanh thu 66 - 70 triệu đ/ha, gấp 2 lần so với SX lúa. Mỗi ha ớt cũng cho doanh thu 80 - 90 triệu đồng… Những vùng không có khả năng khai thác nguồn nước thì chuyển sang trồng sắn, mía hoặc bỏ đất trắng chờ mưa.

Khi chuyển sang cây trồng cạn, chính quyền và nông dân các địa phương cần lưu ý những gì?

Trước hết là phải khoanh vùng SX tập trung, liên vùng, không để tình trạng "da beo", tức là cây màu và cây lúa đan xen nhau, sẽ rất khó cho việc quản lý nước tưới. Phải bố trí cây trồng cạn phù hợp theo vùng đất, theo tập quán canh tác và có thị trường, dễ tiêu thụ. Phải tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nông dân về kỹ thuật canh tác đối với các loại cây trồng cạn. Đặc biệt, khi đưa cây trồng cạn xuống đất lúa, phải có kế hoạch ứng phó lỡ khi xuất hiện các đợt mưa lớn gây ngập nước làm hư cây trồng cạn.

Hình như chúng ta vẫn chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích chuyển đổi SX lúa sang cây trồng cạn, thưa ông?

Đúng vậy. Hiện vẫn chưa có chính sách để khuyến khích nông dân chuyển đổi. Do đó, những khi bị hạn hán, nông dân không thể SX lúa, các địa phương muốn hỗ trợ dân chuyển sang làm cây trồng cạn, nhưng hỗ trợ ra sao lại không phải là chuyện đơn giản vì chưa có chính sách, cơ chế nào về vấn đề này. Hay nói cách khác là dù rất muốn hỗ trợ nông dân chuyển đổi, nhưng các địa phương lại đang lúng túng vì biết căn cứ vào đâu để hỗ trợ?

"Tôi rất đồng tình với các tỉnh đề nghị Chính phủ quan tâm có chính sách trong trường hợp này để khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ cây lúa sang cây trồng cạn ở những vùng thường xuyên bị đe dọa bởi hạn hán. Có như vậy, việc chuyển đổi mới có thể có những bước chuyển biến mạnh mẽ và thành công, không chỉ trong vụ HT 2013 mà cả trong những năm sau này", TS Nguyễn Văn Hòa.

Để giúp nông dân có điều kiện chuyển lúa sang cây trồng cạn, 5 tỉnh, TP có diện tích lúa nằm trong 16.940 ha không đủ nước tưới, đã có kiến nghị về việc hỗ trợ nông dân kinh phí mua giống các loại cây trồng cạn, với tổng kinh phí trên 45 tỷ đồng. Hiện một số tỉnh đang tính tới khả năng ứng trước từ ngân sách để hỗ trợ kịp thời hạt giống cây trồng cạn cho nông dân trong khi chờ được sự đồng ý của Chính phủ. Tuy nhiên, họ lại lo nếu Chính phủ không giải quyết thì không biết sẽ tính toán khoản ngân sách đã ứng ra trước như thế nào.

Trong khi đó, việc áp dụng chính sách hỗ trợ cho nông dân ở những vùng bị thiên tai, mà cụ thể ở đây là do hạn hán nông dân không thể gieo trồng lúa phải chuyển đổi sang cây trồng cạn thì không có quy định nào. Thực tế là do hạn hán không có nước, nông dân không thể gieo trồng lúa, họ đã bị thiệt hại vì không gieo trồng lúa được, nếu trồng cũng sẽ không thu hoạch được.

Như vậy không phải chờ khi gieo trồng lúa xong bị khô hạn chết lúa chúng ta mới hỗ trợ thiên tai, mà trong trường hợp khô hạn không thể trồng lúa cũng nên có chính sách hỗ trợ để giúp nông dân chuyển dịch cây trồng để có thu nhập, đây là một cách khắc phục hạn hán tích cực và thiết thực.

 

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.