Sửa chữa đập đất hồ chứa nước Mỹ Thuận nằm trên địa bàn xã Cát Hưng (huyện Phù Cát, Bình Định). |
Hồ nhỏ chứa được ít lượng lượng nước, lại nắng nóng kéo dài khiến lượng nước trong hồ bốc hơi nhanh, nên hiện nay trên địa bàn Bình Định đã có 140 hồ chứa cạn kiệt nước, chỉ còn dưới 20% so dung tích thiết kế, không đảm bảo nước tưới cho SX trong thời gian qua và tới đây. Đến mùa mưa lũ, các hồ này lại là nỗi lo lớn cho những người có trách nhiệm bởi sự “rệu rã” của chúng!
Vì sao hầu hết hồ chứa ở Bình Định “bé tý tẹo”?
Theo Chi cục Thủy lợi Bình Định, hiện ngoài 15 hồ chứa lớn có tổng dung tích 458 triệu m3 do Cty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý, trên địa bàn tỉnh này còn có 145 hồ vừa và nhỏ có tổng dung tích thiết kế 127,4 triệu m3 do các địa phương quản lý.
Trong đó, huyện An Lão có 4 hồ với dung tích thiết kế 2,79 triệu m3; huyện Hoài Nhơn có 16 hồ với dung tích thiết kế 18,98 triệu m3; huyện Hoài Ân có 21 hồ với dung tích thiết kế 26,14 triệu m3; huyện Phù Mỹ có 48 hồ với dung tích thiết kế 46,43 triệu m3; huyện Phù Cát có 22 hồ với dung tích thiết kế 21,04 triệu m3; huyện Tuy Phước có 4 hồ với dung tích thiết kế 2,52 triệu m3; huyện Tây Sơn có 23 hồ với dung tích thiết kế 7,5 triệu m3; huyện Vĩnh Thạnh có 3 hồ với dung tích thiết kế 0,60 triệu m3; huyện Vân Canh có 4 hồ với dung tích thiết kế 1,23 triệu m3.
Trong đó có nhiều hồ có dung tích chứa cực kỳ nhỏ hiện đã trơ đáy, đơn cử một số hồ ở huyện Phù Mỹ như: Hồ Hóc Nhạn ở xã Mỹ Thọ; hồ Đồng Dụ ở xã Mỹ Châu; hồ Cây Me ở xã Mỹ Thành; hồ Đá Bàn ở xã Mỹ An; hồ Đập Lồi ở xã Mỹ Hòa.
Lý giải vì sao các hồ thủy lợi ở Bình Định hầu hết đều có dung tích chứa nhỏ, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, người rất tâm huyết với ngành thủy lợi, cho biết: Bình Định có rất nhiều núi, nhất là vùng phía tây tỉnh chạy dọc theo dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam. Núi non trùng điệp đã tạo nên địa hình khắc nghiệt, nhiều địa hình trông như chiếc bát úp, không liên kết với nhau nên không thể xây dựng hồ thủy lợi có dung tích chứa lớn.
“Bình Định đã có quy hoạch thủy lợi cụ thể, nhưng không phải chỗ nào cũng có thể xây dựng hồ chứa lớn. Nơi có vùng tưới rất cần nước nhưng địa hình không cho phép, nơi có địa hình thuận lợi thì không có vùng tưới nên nếu làm hồ chứa lớn thì không phát huy được hiệu quả”, ông Châu cho biết.
Trước thực trạng trên, ngành thủy lợi Bình Định đành dựa vào thế núi để xây dựng những hồ chứa nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu nước tưới cho SXNN. Đến nay, các hồ chứa ở Bình Định đã cung cấp nước tưới cho 48.000ha lúa và hàng chục ngàn ha đất màu/vụ, đáp ứng được yêu cầu của những vùng SX nhỏ lẻ, không tập trung.
Mối lo trong mùa mưa lũ
Tuy trong thời gian qua đã phát huy được hiệu quả, nhưng những hồ chứa nhỏ ở Bình Định hiện đang bộc lộ những bất cập, nhất là khi chúng đã quá “già nua” nên hầu hết đang “rệu rã”.
Theo ôngTrần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, do hầu hết các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh này có “tuổi thọ” đã gần 50 năm, mức độ đầu tư xây dựng vào thời điểm ấy chưa đúng yêu cầu, cộng thêm trình độ thi công còn hạn chế, nên qua thời gian dài khai thác đã trở nên “rệu rã”. Hiện nay, “bệnh” thường gặp ở các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Bình Định là thân đập sạt lở, gây thấm; các cống lấy nước bị rò rỉ.
Thi công bê tong đập chính hồ chứa nước Mỹ Thuận. |
Đặc biệt là các tràn xả lũ khi đã bị xuống cấp thì khả năng thoát lũ không đáp ứng được so với yêu cầu an toàn. Hơn thế nữa, các hồ chứa nước ở Bình Định được xây dựng theo thiết kế cách đây đã hơn 40 năm, nên bây giờ các tràn xả lũ đã trở nên lạc hậu đối với những thay đổi do ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
Ví như hiện nay mưa trở nên cực đoan hơn, nên cần xả lũ lưu lượng lớn hơn, trong khi tràn xả lũ được xây dựng theo thiết kế cũ không đáp ứng được yêu cầu nói trên. Thêm vào đó, hành lang thoát lũ bảo vệ công trình của các hồ chứa không còn bảo đảm, nhất là hành lang thoát lũ sau tràn.
“Vào thời điểm sau ngày giải phóng, vì nhu cầu SX, các cấp huyện, xã đều tham gia xây dựng hồ thủy lợi nên mức đầu tư hạn chế và kỹ thuật thi công không đảm bảo chất lượng”, ông Trần Châu chia sẻ.
Từ năm 2000 đến nay, Bình Định đã được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp 69 hạng mục công trình, hồ chứa. Trong đó, năm 2018 đã sửa chữa nâng cấp 8 hồ chứa với tổng kinh phí đầu tư 254 tỷ đồng; năm 2019 tiếp tục đầu tư sửa chữa nâng cấp 12 hồ chứa với tổng kinh phí đầu tư 119 tỷ đồng, hiện đã thi công đạt hơn 50 % khối lượng công việc và công trình đảm bảo theo kế hoạch vượt lũ chính vụ năm 2019.
Tuy nhiên, theo ông Trần Châu, hiện Bình Định vẫn còn gần 40 hồ chứa đang hư hỏng nghiêm trọng cần sửa chữa khẩn cấp để an toàn công trình trong mùa mưa lũ. “Vào những mùa mưa lũ, những hồ chứa đang bị hư hỏng là mối lo lớn của chính quyền và ngành chức năng Bình Định. Bởi, nếu chúng bị sạ lở, vỡ hồ thì dân cư sinh sống phía hạ lưu sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng”, ông Châu chia sẻ.
“Bình Định rất cần Bộ NN-PTNT hỗ trợ việc xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư và nâng cao năng lực quản lý, vận hành hồ chứa. Xây dựng mô hình mẫu trạm quản lý thủy lợi cấp huyện để thực hiện nhiệm vụ quản lý các công trình thủy lợi; xây dựng thể chế, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích hình thành các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật trong quản lý khai thác công trình thủy lợi cho các tổ chức hợp tác dùng nước. Hỗ trợ nguồn lực thực hiện Đề án Nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tỉnh Bình Định và tiếp tục hỗ trợ kinh phí để tiếp tục thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa thủy lợi”, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. |