Xuống cấp hàng loạt
Hồ Vinh, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn được làm từ những năm 80 của thế kỷ trước, với mục tiêu cung cấp nước SXNN cho người dân thôn Vinh. Do hồ chưa được xây dựng kiên cố, thân đập bằng đất nên qua rất nhiều năm khai thác, hồ có dấu hiệu xuống cấp.
Nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn hồ đập mùa mưa lũ rất cao. |
Ông Lương Văn Điệp, Chủ tịch UBND xã Võ Lao cho biết, qua khảo sát của cơ quan chức năng mới đây, hồ Vinh có hiện tượng rò rỉ tại mang cống tháo cạn, tràn đất tự do có hiện tượng xói lở, mái thượng lưu bị xói lở. Nhiều năm trở lại đây, xã Võ Lao cũng đã có văn bản báo cáo huyện Văn Bàn để có phương án khắc phục, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Cũng như hồ Vinh, hồ Na Quynh, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng được làm từ năm 1964 với mục tiêu cấp nước cho 20ha ruộng và sau này nuôi thủy sản. Mới đây, qua kiểm tra, rà soát, Chi cục Thủy lợi Lào Cai khẳng định, phần thân đập của hồ Na Quynh có hiện tượng rò rỉ. Mái đập đã được xây đá hộc gia cố, tuy nhiên đã xuống cấp, hư hỏng. Hồ bị bồi lắng, ảnh hưởng khả năng tích trữ nước.
Hồ Na Quỳnh, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng bị rò rỉ thân đập. |
Ngoài 2 hồ trên, một số hồ chứa tại tỉnh Lào Cai cũng có dấu hiệu xuống cấp. Có thể kể đến hồ Khuổi Lếch, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên. Phần đập bị bào mòn, rò rỉ. Tràn đất bị bồi lấp, cửa vào cống tưới kết hợp tháo cạn bị nứt, xuống cấp. Nguồn nước suy kiệt, thiếu nước tưới, cần bổ sung đường ống dẫn nước về hồ.
Hồ Noong Chai, xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn, cống tháo nước đã bị rò rỉ; mái đập thượng lưu, bờ hồ bị sạt; lòng hồ bị bồi lắng nghiêm trọng. Hồ tổ 1A, thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, phần mái đập thượng lưu bị bào mòn, mái hạ lưu có hiện tương sạt lở, đập rò rỉ, cống tưới bị rò rỉ đáy, tràn đất bị bào mòn, xuống cấp.
Hồ 1A, thị trấn phố Ràng, huyện Bảo Yên cũng có dấu hiệu xuống cấp. |
31 hồ chứa có dung tích lớn hơn 50.000m3 đang có một số hạng mục hư hỏng cần sửa chữa, như xói lở mái thượng lưu, van lấy nước bị rò rỉ, tắc cống, tràn bị bồi lắng. |
Ngoài ra, còn phải kể đến các hồ Nậm Mả, xã Nậm Mả, huyện Văn Bàn; hồ 19/5 xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng; Mai 4, xã Minh Tân, huyện Bảo Yên cũng đang bị xuống cấp, cần phải sửa chữa, nâng cấp kịp thời.
Nâng cấp, sửa chữa khó khăn
Ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT Lào Cai) cho biết, địa phương có 101 hồ chứa. Trong đó có 2 hồ chứa nước lớn, 7 hồ loại vừa, còn lại là các hồ nhỏ. Điểm chung các hồ chứa đều tràn tự do qua đập hoặc qua ống cống, không có van điều tiết.
Việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, chưa kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa nước, chưa lập quy trình vận hành hồ chứa, lắp thiết bị quan trắc đập... Nguyên nhân là do hầu hết các đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đều là đập, hồ nhỏ, không có van điều tiết.
Mặt khác, các đập, hồ chứa đều do nhân dân tự xây dựng từ những năm 70. Qua thời gian sử dụng chỉ nâng cấp, cải tạo lại, hiện 100% đập, hồ chứa nước đều do UBND cấp xã quản lý, khai thác, do vậy việc bố trí kinh phí để nâng cấp, sửa chữa gặp nhiều khó khăn, chưa thực hiện được.
Hồ Văn Bàn nhìn từ trên cao. |
Qua kiểm tra, toàn tỉnh Lào Cai có 101 hồ chứa nước thủy lợi cơ bản đang vận hành an toàn. Một số hồ chứa nguy cơ mất an toàn cao đã được đầu tư sửa chữa kịp thời, như hồ Luổng Đơ, xã Cốc San (huyện Bát Xát), hồ tổ 4A, thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên), hồ Noong Pó, xã Võ Lao (huyện Văn Bàn).
Theo ông Ngọc, để đảm bảo an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ, thời gian qua, Lào Cai đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý an toàn đập. Hằng năm xây dựng phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước, phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp. Trong đó, lồng ghép phương án phòng, chống thiên tai và phương án khắc phục hạn hán.
Cơ quan chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, rà soát đập, hồ chứa đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ, kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Bộ NN-PTNT.
Hiện Sở NN-PTNT Lào Cai đã xây dựng phương án sửa chữa, nâng cấp 59 hồ chứa, tổng kinh phí khoảng 206,9 tỷ đồng. Ngoài ra, 8 hồ hư hỏng nặng cần sửa chữa cấp bách, Lào Cai đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện, nhu cầu kinh phí 50 tỷ đồng.
Sở NN-PTNT Lào Cai đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương sử dụng kinh phí cấp bù giá dịch vụ thủy lợi và huy động nhân dân đóng góp để sửa chữa, khắc phục tạm 39 hồ hư hỏng nhẹ. Các hồ này sẽ tiếp tục được đầu tư sửa chữa trong những năm tới. |