| Hotline: 0983.970.780

Sẵn sàng phương án ứng phó nguy cơ thiếu nước vụ đông xuân

Chủ Nhật 20/02/2022 , 19:18 (GMT+7)

CAO BẰNG Sản xuất vụ đông xuân năm nay ở Cao Bằng nhiều khả năng sẽ thiếu hụt nguồn nước, nhất là các huyện vùng cao.

Hồ Bản Viết, xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh có dung tích hơn 3 triệu m3 nước. Ảnh: Công Hải.

Hồ Bản Viết, xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh có dung tích hơn 3 triệu m3 nước. Ảnh: Công Hải.

Vụ đông xuân 2021 - 2022, tỉnh Cao Bằng phấn đấu gieo cấy 3.657 ha lúa, 25.308 ha ngô và hơn 10.000 ha cây trồng các loại… Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Cao Bằng, mực nước trung bình toàn mùa trên hệ thống sông Bằng ở mức xấp xỉ thấp hơn so với mực nước trung bình nhiều năm (TBNN); hệ thống sông Gâm ở mức thấp hơn TBNN và thấp hơn cùng kỳ vụ đông xuân năm 2020 - 2021. 

Hiện nay, tỉnh Cao Bằng có trên 3.600 công trình thủy lợi, 23 hồ chứa nước do cấp tỉnh quản lý, trong đó chỉ có 5/23 hồ chứa đạt dung tích thiết kế, 9/23 hồ chứa đạt dung tích từ 69 - 96% dung tích thiết kế, còn lại 9 hồ chứa dung tích đạt thấp so với thiết kế, trong đó, hồ Thôm Cải đạt 7%, hồ Bản Nưa (Hà Quảng) đạt 31%, hồ Phja Gào (Hòa An) đạt 17%, hồ Bản Viết (Trùng Khánh) 41%... 

Từ đầu năm 2022, Sở NN-PTNT Cao Bằng ban hành nhiều công văn chỉ đạo về công tác chuẩn bị nước tưới phục vụ sản xuất vụ xuân 2022; xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước, kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước chi tiết đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể.

Nạo vét kênh Nà Tậu, xã Lê Lai, huyện Thạch An. Ảnh: Công Hải.

Nạo vét kênh Nà Tậu, xã Lê Lai, huyện Thạch An. Ảnh: Công Hải.

Song so ng đó, khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa không chủ động nguồn nước sang canh tác nông nghiệp đa dạng, bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu hạn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước tưới.

Đồng thời, phát động phong trào nhân dân làm thủy lợi, thực hiện việc tu sửa, nạo vét, khơi thông dòng chảy, thực hiện gia cố các phai, đập, kênh mương. Ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để sớm đi vào hoạt động…

Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Cao Bằng hiện đang quản lý 65 công trình (19 hồ chứa, 20 trạm bơm, 26 đập dâng, phai dâng, 581 km kênh mương) tại các huyện Hòa An, Thạch An, Hà Quảng, Quảng Hòa, Hạ Lang, Nguyên Bình, Trùng Khánh và Thành phố Cao Bằng. Năm 2022, tổng diện tích tưới theo hợp đồng ký với Sở NN-PTNT tỉnh là 11.905 ha.

Hồ Khuổi Khoán đạt dung tích trữ nước 96% so với thiết kế, đảm bảo nước tưới cho khoảng 454 ha lúa. Ảnh: Công Hải.

Hồ Khuổi Khoán đạt dung tích trữ nước 96% so với thiết kế, đảm bảo nước tưới cho khoảng 454 ha lúa. Ảnh: Công Hải.

Ông La Chí Thành, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Cao Bằng chia sẻ: Công ty phối hợp tổ chức ra quân nạo vét các tuyến mương thủy lợi do công ty quản lý; bảo dưỡng máy móc, thiết bị bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chỉ đạo các đơn vị thủy nông trực thuộc cử cán bộ thay nhau trực 24/24 giờ tại đầu mối công trình để vận hành máy bơm, thực hiện mở nước theo yêu cầu của các địa phương.

Đối với các công trình hồ chứa, lượng nước thấp hơn cửa cống, công ty dùng máy bơm dầu chống hạn bơm nước từ dung tích mực nước chết trong hồ ra cống lấy nước để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, công ty chuẩn bị 10 máy bơm dầu cơ động để phục vụ tưới tiêu thuận lợi cho các loại cây trồng.

Một số máy bơm được đặt tại hồ Khuổi Lái, xã Bạch Đằng (Hòa An), hồ Bản Nưa, xã Ngọc Đào (Hà Quảng), đây là những địa phương có diện tích lúa, thuốc lá trọng điểm của tỉnh, đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho cây trồng và đề phòng hạn hán xảy ra.

Công ty cũng phối hợp với UBND các xã và phòng NN-PTNT các huyện thống nhất kế hoạch về diện tích, lịch gieo trồng, thời gian lấy nước để điều tiết, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, phát huy hiệu quả công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Đến nay, các bước chuẩn bị cơ bản đã hoàn thiện, bảo đảm tưới tiêu trên 90% diện tích theo kế hoạch vụ đông xuân 2021 - 2022.

Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Cao Bằng phối hợp với huyện Hà Quảng tổ chức ra quân nạo vét các tuyến muơng. Ảnh: Công Hải.

Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Cao Bằng phối hợp với huyện Hà Quảng tổ chức ra quân nạo vét các tuyến muơng. Ảnh: Công Hải.

Bà Ma Thị Huyền Linh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi Cao Bằng cho biết: Để đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước phục vụ gieo trồng vụ đông xuân 2021 - 2022, ngay từ đầu vụ, Chi cục xây dựng kế hoạch tưới tiêu phục vụ sản xuất, phương án đảm bảo nguồn nước; nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy.

Tuy nhiên, do hệ thống các công trình hồ, đập, kênh mương thủy lợi ở một số khu vực đã xuống cấp và chưa được đầu tư đồng bộ nên trên địa bàn một số huyện vẫn còn khoảng hơn 500 ha lúa vụ đông xuân phụ thuộc vào nguồn nước thiên nhiên, có nguy cơ bị hạn hán.

Ðối với những diện tích này, Chi cục chỉ đạo chính quyền các xã vận động người dân tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên bằng cách chủ động đắp phai tạm ngăn dòng từ trước để tích nước, đảm bảo 100% diện tích gieo cấy lúa vụ đông xuân được cung cấp đủ nước tưới.

Sản xuất vụ đông xuân năm nay ở Cao Bằng nhiều khả năng sẽ thiếu hụt nguồn nước, nhất là các huyện vùng cao. Nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất trong vụ đông xuân, Sở NN-PTNTCao Bằng khuyến cáo các địa phương sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, huy động mọi nguồn lực, phương tiện và các biện pháp để lấy và trữ nước; đồng thời bám sát lịch xả nước từ các hồ chứa để tích nước trong các hệ thống bảo đảm đủ nước phục vụ cấy lúa và các cây trồng vụ đông xuân 2022.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.