Ông Nông Văn Thuận, xóm Lũng Nọi, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng chia sẻ: "Mấy năm gần đây, số lượng công trình thủy lợi được các cấp quan tâm đầu tư, đáp ứng được cơ bản nhu cầu tưới tiêu trong xóm. Nhờ đó, gia đình tôi tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ. Hiện nay, gia đình tôi có hơn 1 ha đất nông nghiệp vừa trồng lúa, ngô, thuốc lá. Mỗi năm, thu nhập trung bình hơn 60 triệu đồng."
Huyện Hà Quảng là một trong những huyện vùng cao biên giới khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Diện tích đất nông nghiệp toàn huyện hơn 40.000 ha, trong đó có hơn 1.400 ha đất trồng lúa; hơn 6.000 ha đất trồng cây hang năm. Huyện có có 3 hồ chứa, 6 trạm bơm điện, hơn 200 km mương với năng lực tưới tiêu trên 1.000 ha.
Ông Lưu Trọng Hính, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng thông tin: Diện tích đất nông nghiệp của huyện khá lớn, người dân trong huyện đa số phát triển kinh tế nhờ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, số lượng công trình thủy lợi của huyện vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng đủ năng lực tưới tiêu cho nhiều địa phương, đặc biệt là các xã ở vùng cao Lục Khu.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Cao Bằng, thời tiết năm nay sẽ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: giông, lốc, mưa đá, lũ quét, mưa lớn kéo dài ảnh hưởng đến tình hình sản xuất. Ngành nông nghiệp Cao Bằng đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc xây dựng phương án vận hành các công trình thủy nông bảo đảm an toàn cho sản xuất nông nghiệp.
Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Cao Bằng là đơn vị duy nhất được UBND tỉnh giao quản lý các công trình thủy lợi lớn trên địa bàn 8/10 huyện, thành phố. Hiện nay, Công ty được giao quản lý 66 công trình thủy lợi, trong đó có 20 hồ chứa, 13 đập dâng, 33 trạm bơm và trên 500 km mương thủy lợi, năng lực tưới tiêu đạt trên 10.000 ha.
Ông La Chí Thành, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Cao Bằng cho biết: Thông qua các nguồn lực đầu tư, Công ty đã sửa chữa, nâng cấp một số hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, tuyến mương xung yếu. Nạo vét hơn 2.700 m3 bùn đất các kênh, mương.
Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương theo dõi diễn biến thời tiết, triển khai kế hoạch phòng, chống mưa lũ. Tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi có nguy cơ ảnh hưởng do mưa bão; tập trung bảo dưỡng máy móc và chuẩn bị sẵn sàng hệ thống máy bơm dã chiến phục vụ tưới tiêu.
Triển khai các phương án vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, bảo đảm tích nước, xả lũ trong mùa mưa bão; tăng cường cử cán bộ vận hành công trình, trực phòng, chống bão lũ 24/24 giờ, thường xuyên cập nhật và báo cáo số liệu mực nước, kiểm tra đầu mối công trình đập đất, đập tràn, cống và lưu lượng nước chảy về vùng hạ lưu khi có mưa bão xảy ra.
Đối với các hồ chứa có dung tích trên 1 triệu m3, Công ty xây dựng phương án ứng phó với thiên tai và các tình huống khẩn cấp như: Tập trung xử lý nhanh các tình huống vỡ đập tràn, phương án di dời dân ra khỏi vùng ngập lụt và thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong việc ứng phó với tình hình diễn biến thời tiết xấu.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Cao Bằng, phần lớn các công trình thủy nông trên địa bàn tỉnh hiện đã xuống cấp do xây dựng đã lâu năm. Nhiều hồ chứa năng lực tưới tiêu giảm khoảng 30%, hệ thống mương thủy lợi giảm 50% so với thiết kế; 7 hồ chứa có hiện tượng thấm qua thân đập, rò rỉ qua thân cống...
Trong điều kiện kinh phí bố trí cho sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy nông của tỉnh còn nhiều khó khăn, để bảo đảm vận hành an toàn hồ, đập, ngành nông nghiệp Cao Bằng chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Cao Bằng, các đầu mối trực thuộc vận hành an toàn hệ thống công trình thủy lợi theo đúng quy trình kỹ thuật.
Phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng các điểm xung yếu trước, trong và sau mưa lũ; kịp thời phát hiện các công trình có dấu hiệu bất thường, có nguy cơ mất an toàn để đề xuất phương án xử lý. Thường xuyên kiểm tra vận hành thử cửa van hồ chứa; các điểm có nguy cơ sụt lún, sạt lở đất, rò rỉ nước; chuẩn bị đầy đủ lực lượng vật tư, trang thiết bị, phương tiện dự phòng xử lý sự cố.
Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng cần cấp thêm kinh phí sửa chữa, nâng cấp, khắc phục sự cố rò rỉ, thấm nước của các hồ, đập và hệ thống mương đã xuống cấp. Đặc biệt là hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để thực hiện Dự án lắp đặt thiết bị quan trắc hồ chứa nhằm phát hiện, ngăn ngừa ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai đối với hệ thống công trình thủy nông.
Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và bố trí kinh phí cho công tác kiểm định, xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt của vùng hạ du đập, hồ chứa. Hỗ trợ kinh phí khoan phụt các hồ chứa có nguy cơ bị mất an toàn như: Khuổi Lái, Khuổi Áng (Hòa An), Co Po, Nà Sloỏng (Thạch An); Thôm Cải (Hà Quảng), Khuổi Kéo (Trùng Khánh). Lắp đặt cửa van hạ lưu hồ Bản Viết (Trùng Khánh); cửa van thượng lưu hồ Nà Lái (Quảng Hòa)…