| Hotline: 0983.970.780

Hồ Thác Bà sẽ cho 20.000 tấn cá/năm

Chủ Nhật 29/10/2023 , 17:04 (GMT+7)

YÊN BÁI Nhờ lợi thế sẵn có về nguồn nước cùng những tiến bộ khoa học trong chăn nuôi, sản lượng các loài cá lăng, nheo, ngạnh… trên hồ Thác Bà liên tục tăng qua các năm.

Loài cá lăng được nuôi khá phổ biến ở các cơ sở nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. Ảnh: Thanh Tiến.

Loài cá lăng được nuôi khá phổ biến ở các cơ sở nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. Ảnh: Thanh Tiến.

Thác Bà là hồ thủy điện nhân tạo đầu tiên ở nước ta, hình thành từ năm 1971. Đây là hồ lớn nhất ở tỉnh Yên Bái với diện tích mặt nước hơn 19.000ha. Ngoài tiềm năng phát triển du lịch, hiện nay nguồn lợi thủy sản từ hồ Thác Bà cũng mang lại sinh kế cho hàng trăm hộ dân trong khu vực.

Anh Lê Văn Thư ở xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình (Yên Bái) gắn bó với nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên hồ Thác Bà nhiều năm nay. Từ khi tận dụng mặt nước sẵn có nuôi cá lồng, kinh tế gia đình anh ổn định hơn nhiều. Hiện cơ sở nuôi cá của anh Kiên có 66 lồng gồm các loại như: Cá lăng, diêu hồng, rô phi, trắm đen, ngạnh… mỗi năm xuất bán từ 20 - 25 tấn, thu về vài trăm triệu đồng.

Anh Thư chia sẻ, trước đây bản thân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt tự nhiên. Sau khi được chính quyền địa phương khuyến khích nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà, anh đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, sau đó quyết định đầu tư hệ thống lồng, bè để nuôi cá. Nuôi cá lồng không quá vất vả vì nguồn nước sạch tự nhiên và có thể tận dụng được nguồn thức ăn là các loại sản phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như: lá sắn, lá chuối, ngô… Do vậy, chi phí đầu tư ban đầu không quá cao và nhanh cho thu hồi vốn hơn.

Hiện nay, người dân các xã vùng hồ Thác Bà của huyện Yên Bình phát triển nuôi cá trên hồ với hai hình thức: Nuôi cá lồng và nuôi cá quây lưới tại những eo ngách trên mặt nước. Nhờ lợi thế sẵn có cùng những tiến bộ khoa học, sản lượng cá trên hồ Thác Bà liên tục tăng qua các năm. Trong số đó, sản lượng cá da trơn chất lượng cao nuôi bằng lồng tăng nhanh trong năm 2021, 2022 như: cá lăng, cá ngạnh, cá nheo…

Nghề nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà đã tạo sinh kế cho nhiều hộ dân ở Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Nghề nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà đã tạo sinh kế cho nhiều hộ dân ở Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện khu vực xung quanh hồ Thác Bà có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 13 tổ hợp tác cùng hơn 300 hộ dân nuôi cá lồng, nuôi cá quây lưới. Hầu hết các cơ sở nuôi cá lồng đều mở rộng quy mô nuôi các loại cá đặc sản, nhất là những loại cá da trơn có nguồn giống bản địa. 

Để nâng tầm giá trị sản phẩm cá hồ Thác Bà, bên cạnh các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, Công ty Cổ phần Nghiên cứu ứng dụng dịch vụ khoa học công nghệ T&T đã đầu tư hệ thống lồng nuôi cá chất lượng cao, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi các loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Đồng thời, áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa nâng cao năng suất vừa mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần nuôi cá thông thường.

Với quy mô trên 100 lồng nuôi cá các loại, năm 2022, công ty đã xuất bán ra thị trường khoảng hơn 400 tấn cá, trong đó chủ yếu là cá nheo Mỹ, cá lăng, trắm đen và diêu hồng, mang lại doanh thu hơn 15 tỷ đồng. Hiện nay sản phẩm của công ty được tiêu thu rộng rãi tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.

HTX thủy sản Hoàng Kim (huyện Yên Bình) có 300 lồng bè nuôi cá trên hồ Thác Bà. Ảnh: Thanh Tiến.

HTX thủy sản Hoàng Kim (huyện Yên Bình) có 300 lồng bè nuôi cá trên hồ Thác Bà. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, HTX Hoàng Kim đã liên kết với Công ty TNHH Chế biến thủy sản sạch Hải Hà, tạo ra chuỗi sản xuất khép kín nhằm đưa sản phẩm đặc sản cá sấy hồ Thác Bà tới người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Quyết - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy sản sạch Hải Hà cho biết: “Công ty đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng từ 5-7 công nhân với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng. Hiện nay, công ty sản xuất các sản phẩm được chế biến từ cá lăng và được công nhận sản phẩm OCOP như: Chả cá, giò cá, xúc xích cá và ruốc cá. Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, công ty đã đào tạo đội ngũ nhân viên lành nghề và dây chuyền máy móc hiện đại. Cùng với đó luôn chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm trong các quy trình sản xuất”.

Sản phẩm từ nguyên liệu cá lăng của HTX thủy sản Hoàng Kim (huyện Yên Bình) đã được công nhận sản phẩm OCOP. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản phẩm từ nguyên liệu cá lăng của HTX thủy sản Hoàng Kim (huyện Yên Bình) đã được công nhận sản phẩm OCOP. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Hoàng Ngọc Đại - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái cho biết thêm: “Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, hồ Thác Bà có trên 3.000 lồng cá nuôi, đạt sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm, tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách hỗ trợ các cá nhân nuôi cá lồng và nuôi cá ở các eo ngách trên hồ Thác Bà. Đồng thời, sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi mời gọi các doanh nghiệp để cùng các HTX, tổ hợp tác và người dân phát huy lợi thế của địa phương đưa thương hiệu cá vùng hồ Thác Bà vươn xa hơn.

Đến nay trên hồ Thác Bà có 2 doanh nghiệp và 5 HTX nuôi trồng thủy sản và trên 300 hộ dân nuôi cá lồng và nuôi cá quây lưới. Với trên 2.200 lồng nuôi cá và 230ha diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá, tổng sản lượng thủy sản của huyện Yên Bình năm 2022 ước đạt hơn 9.000 tấn. Trong đó, sản lượng nuôi cá lồng khoảng 6.500 tấn; sản lượng khai thác đánh bắt tự nhiên khoảng 2.500 tấn. Huyện Yên Bình phấn đấu đến năm 2025, đưa sản lượng khai thác thủy sản đạt khoảng 20.000 tấn và mời gọi doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn huyện để xuất khẩu sản phẩm cá sang thị trường các nước như: Mỹ, Nhật, Thái Lan và các nước châu Phi…

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.