“Có nhiều thôn/bản đạt chuẩn sẽ có xã đạt chuẩn"
Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Trị, trong 57/101 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đến nay chỉ mới có 6 xã miền núi đạt chuẩn NTM, gồm: xã Triệu Nguyên của (huyện Đakrông); các xã Tân Hợp, Tân Liên, Tân Long, Hướng Lập và Tân Thành (huyện Hướng Hóa). Tuy nhiên 6 xã miền núi đạt chuẩn này đều có điều kiện thuận lợi và không thuộc vùng đồng bằng dân tộc thiểu số.
Các xã chưa đạt chuẩn còn lại là những xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, tiêu chí hiện đạt rất thấp, xã cao nhất mới đạt 12 tiêu chí, các tiêu chí khó đạt là thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư, môi trường và an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh Quảng Trị hiện còn 27 xã đạt dưới 13 tiêu chí và 178 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, các tiêu chí về cơ sở hạ tầng như: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa... đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, trong khi nguồn lực của các xã miền núi rất khó khăn cũng là rào cản để những địa phương này hoàn thành các tiêu chí NTM.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Quảng Trị, thực tế cho thấy, quá trình xây dựng NTM ở các địa phương miền núi gặp khó khăn do năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở xã miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, còn hạn chế. Phần lớn người dân trên địa bàn các huyện miền núi là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống kinh tế thấp nên có khó khăn trong việc huy động đóng góp kinh phí thực hiện chương trình.
Với mục tiêu giảm dần khoảng cách giữa các vùng miền, tỉnh đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 có thêm 9 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đạt chuẩn (hiện có các xã đăng ký gồm: Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà của huyện Vĩnh Linh, xã Linh Trường của huyện Gio Linh, xã Mò Ó, Ba Lòng của huyện Đakrông và xã Hướng Phùng, Thuận, Hướng Tân của huyện Hướng Hóa).
Tuy nhiên, với hiện trạng như hiện nay ở các địa phương miền núi, việc đạt mục tiêu đề ra thực sự rất khó khăn.
"Trong thời gian tới cần phải tổ chức rà soát kỹ hiện trạng các thôn, bản, xem xét lại về sự phù hợp của Bộ tiêu chí và mục tiêu đề ra. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, vận động người dân thực hiện các tiêu chí thuộc về trách nhiệm của địa phương. Tập trung giải quyết tốt các vấn đề về an sinh xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững...", ông Tuấn cho biết.
Đến năm 2025 không còn xã dưới 13 tiêu chí
Trên cơ sở thành công và kinh nghiệm xây dựng NTM 10 năm qua, theo lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM Quảng Trị, để các xã miền núi trên đạt chuẩn cần thực hiện theo chủ trương tập trung xây dựng thôn/bản NTM theo bộ tiêu chí riêng theo phương châm "có nhiều thôn/bản đạt chuẩn sẽ có xã đạt chuẩn".
Đồng thời cần có sự lồng ghép có hiệu quả 2 chương trình MTQG là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và chương trình MTQG xây dựng NTM.
Ngoài ra, hiện nay Sở NN-PTNT Quảng Trị đang tổ chức rà soát và đề xuất UBND tỉnh chọn 9 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số là xã chỉ đạo điểm của tỉnh về xây dựng NTM và đề xuất các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp đỡ đầu để huy động tối đa nguồn lực cho các địa phương.
Cũng với phương châm "có nhiều thôn/bản đạt chuẩn sẽ có xã đạt chuẩn", các xã khó khăn hơn cần ưu tiên thực hiện tiêu chí thôn/bản để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 không còn xã dưới 13 tiêu chí và có 40% thôn bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn.
Thực hiện Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020, Quảng Trị có 10 xã, 93 thôn thuộc phạm vi Đề án, gồm xã A Dơi, Ba Tầng, Thanh, Hướng Lập và Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa), A Vao, A Bung, Tà Long, Ba Nang và A Ngo (huyện Đakrông).