| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ người dân nâng cao năng suất cho cây chuối ở Nậm Chảy

Thứ Sáu 09/10/2020 , 06:35 (GMT+7)

Cây chuối mô mang lại cho người dân ở Nậm Chảy thu nhập đáng kể đặc biệt khi họ được hỗ trợ kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Người dân Nậm Chảy được hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc chuối mô. Ảnh: H.D

Người dân Nậm Chảy được hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc chuối mô. Ảnh: H.D

Hiệu quả từ cây chuối mô

Với điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, với bản tính cần cù, người dân ở Nậm Chảy (huyện Mường Khương, Lào Cai) đã phát triển được hàng chục hécta chuối, quýt, sa nhân… Qua đó, bước đầu hình thành nên vùng sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn.

Đặc biệt, cây chuối mô rất phù hợp với thổ nhưỡng ở vùng này, nên diện tích chuối ở Nậm Chảy tăng nhanh trong những năm qua. Trong đó, chuối được trồng tập trung ở nhiều thôn như Nậm Chảy, Nậm Pản, Mào Phìn…

Cây chuối mô bắt đầu vào đợt thu hoạch, tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến giá cả thu mua vì thị trường chính tiêu thụ chuối là Trung Quốc gặp khó khăn.

Cùng thời điểm này năm trước, chuối mô được các thương lái Trung Quốc đến trực tiếp thu mua với giá dao động từ 8 – 10 nghìn đồng/kg, thậm chí có thời điểm giá chuối đẩy lên cao kỷ lục với giá 16 nghìn đồng/kg. Không ít gia đình đổi đời chỉ sau một vụ chuối và bắt đầu mở rộng diện tích với rất nhiều kỳ vọng vào cây trồng này.

Thế nhưng năm nay, giá chuối giảm chưa bằng một nửa năm ngoái, khiến nhiều gia đình lo lắng. Nhất là từ năm 2019, do chính sách biên mậu của Trung Quốc, quả chuối sẽ bắt buộc phải đi qua con đường chính ngạch (qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai), điều này sẽ đẩy chi phí vận chuyển, thuế phí lên cao.

Hiện thời điểm này mỗi cân chuối, bà con có thể bán được với giá trên dưới 7 nghìn đồng/kg.

Ông Lùng Văn Sơn (thôn Nậm Chảy, xã Nậm Chảy) cho biết, gia đình có 3ha chuối, năm nay thời tiết thuận lợi và được hỗ trợ 400kg phân bón đúng lúc nên chuối cho quả to, đều và đẹp.

“Cứ như năm ngoái, trừ chi phí thì gia đình tôi cũng có lãi khoảng 70 - 80 triệu đồng/ha. Số tiền này chi mua sắm vật dụng gia đình, cho con cái ăn học”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, cây chuối mô phù hợp với đất ở Nậm Chảy nên so với những cây trồng như ngô, lúa mang lại hiệu quả cao hơn, trong khi, cây chuối mô không phải chăm sóc nhiều.

“Có chăm cây thì hằng ngày thu nhặt lá chuối khô còn có thể đem bán cho thương lái. Họ mua về để gói bánh gai, khoảng 3 nghìn đồng/kg”, ông Sơn cho hay.

Ông Vàng Văn Khương, người cùng thôn, hồ hởi cho biết, được nhà nước hỗ trợ phân bón đúng thời điểm nên vườn chuối của gia đình ông phát triển tốt. Năm nay, dự kiến thu hoạch khoảng gần hécta chuối thì gia đình ông cũng có thêm mấy chục triệu đồng tiền mặt. So với năm ngoái, chuối được giá hơn song ông cũng không quá lo khi giá chuối chồi sụt.

“Có năm giá chuối lên, có năm xuống thấp nhưng đấy là do thị trường, còn nhà tôi thì vẫn cứ trồng thôi. Vì cây chuối mô trồng hiệu quả hơn hẳn trồng cây ngô, cây sắn”, ông Khương nói.

Lá chuối khô được bà con đem bán cho những người làm bánh. Ảnh: H.Đ

Lá chuối khô được bà con đem bán cho những người làm bánh. Ảnh: H.Đ

Chương trình “Không còn nạn đói” được triển khai tại tỉnh Lào Cai năm 2020 tập trung vào việc hỗ trợ bà con vùng cao trồng chuối và nuôi gà đẻ trứng. Qua đó, để tổ chức sản xuất, liên kết phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế để nâng cao thu nhập cho người dân được hỗ trợ. Đặc biệt, việc hỗ trợ này giúp người dân áp dụng đúng kỹ thuật năng xuất sẽ tăng từ 10-15%; sản phẩm chuối tiêu hồng sản xuất ra đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Liên kết để tiêu thụ sản phẩm

Ông Lùng Văn Hoà – Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Chảy – cho biết, xã có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 1.172,13 ha, trong đó tổng diện tích đất bằng phẳng đất ruộng trồng lúa là 242,35 ha.

Trong năm 2019-2020, diện tích trồng lúa trên địa bàn xã là 110 ha. Để phục vụ cho diện tích trồng lúa xã hiện có 13 công trình thủy lợi về hệ thống đập đầu mối canh nương thủy lợi hoạt động phục vụ tưới tiêu cơ bản đáp ứng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động do thời gian, ảnh hưởng của thời tiết mưa gió, lũ quét, sạt lở một số công trình đã bị hư hỏng nặng, xuống cấp không hoạt động được.

Trong đó, có thủy lợi Gia Khâu A, Sấn Pản vì vậy người dân cũng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích trồng lúa sang trồng cây chuối để mang lại hiệu quả hơn…

Đặc biệt, 5 thôn vùng thấp thôn Nậm Chảy, Sấn Pản, Mào Phìn, Cốc Ngù, Cốc Râm trước đây phụ thuộc vào trồng ngô, lúa thì nay người dân các thôn này đã đầu tư trồng cây chuối và cây sa nhân.

Cùng với diện tích chuối do bà con phát triển trong những năm vừa qua, hiện diện tích trồng chuối trên toàn xã đạt 337ha. Chính vì vậy, xã đã đưa cây chuối đưa vào chương trình đăng ký là mũi nhọn để chuối sản phẩm chủ lực, OCOP của xã.

Song cũng có những khó khăn nhất định, vì hầu hết bà con sinh sống của Nậm Chảy là người Mông, Nùng, Pa Dí, Dao… và một số dân tộc ít người Tày, Bố Y, Kinh. 99% là đồng bào dân tộc thiểu số nên tiếp cận kiến thức, khoa học kỹ thuật rất thấp nên hiệu quả về chăn nuôi và một số cây trồng chưa thực hiện theo quy trình kỹ thuật nên hiệu quả còn thấp…

Để khắc phục điều này, UBND xã giao cho đội ngũ khuyến nông cũng như cán bộ thôn bản, tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho bà con nhân dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch khi đến mùa vụ...

Ngoài ra, xã phối hợp với cơ quan liên quan tập huấn kỹ thuật cho nhiều hộ sản xuất nông nghiệp nói chung và các hộ trồng chuối nói riêng về kiến thức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có ghi chép nhật ký, đáp ứng các tiêu chuẩn để xin cấp mã số vùng trồng.

Qua đó, tạo được nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao và sản phẩm làm ra đủ tiêu chuẩn đưa vào các hệ thống siêu thị lớn, nhà hàng, xuất khẩu ra thị trường nước khác.

Trong khi đó, trước đây 90% sản lượng quả chuối của Lào Cai được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và khách hàng phía Trung Quốc chủ yếu là các đơn vị thu gom nhỏ lẻ, chưa có các doanh nghiệp hoặc nhà máy chế biến ký hợp đồng bao tiêu nên giá cả thường bấp bênh.

Vì vậy, để tiêu thụ sản phẩm xã chủ động kêu gọi thị trường Hải Dương, Hà Nội và liên kết với một số doanh nghiệp để thu mua sản phẩm cho bà con.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.