| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ người dân thoát nghèo từ nhiều nguồn lực

Thứ Tư 25/10/2023 , 22:13 (GMT+7)

Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã lồng ghép nhiều chương trình, chính sách để hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống kinh tế.

Các hộ nghèo xã Đăk Song (huyện Kông Chro) được cấp bò giống. Ảnh: Tuấn Anh.

Các hộ nghèo xã Đăk Song (huyện Kông Chro) được cấp bò giống. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo thống kê, huyện Kông Chro có hơn 4.300 hộ nghèo (chiếm 33,7%), giảm 697 hộ (5,91%) so với năm 2022. Mục tiêu từ nay đến cuối năm, huyện Kông Chro quyết tâm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo. Cùng với đó, xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 6% trở lên so với năm 2022.

Để đạt được điều này, thời gian qua, huyện Kông Chro đã tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ sinh kế cho người người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Là một trong những hộ nghèo, gia đình anh Đinh Kênh (làng Bò, xã An Trung) được sự quan tâm của chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp vay vốn làm ăn, từng bước thoát nghèo. Dẫn chúng tôi xem mô hình nuôi chăn nuôi, trồng trọt của gia đình, anh Kênh cho biết, khoảng 10 năm trước, vợ chồng anh vừa nuôi con nhỏ thường xuyên đau ốm, mẹ già bệnh tật nên cuộc sống gia đình rất khó khăn.

Nhờ tích cực lao động sản xuất, gia đình anh Đinh Kênh vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhờ tích cực lao động sản xuất, gia đình anh Đinh Kênh vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Tuấn Anh.

Sau đó, được xã tạo điều kiện, anh Kênh đã vay 30 triệu đồng của ngân hàng Chính sách Xã hội để mua giống cây trồng, vật nuôi. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sau mỗi vụ thu hoạch, anh trả bớt tiền vay, đồng thời có vốn tái đầu tư, phát triển sản xuất.

“Đến năm 2019, gia đình tôi trả hết nợ, đồi thời mua thêm được 1 chiếc máy cày phục vụ sản xuất. Hiện gia đình có 4ha mía, khoai mì, lúa nước và 1ha trồng cỏ để duy trì đàn bò 9 con và 5 con dê. Thu nhập của gia đình hơn 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí”, anh Kênh chia sẻ.

Trong khi đó, gia đình bà Đinh Thị Alưch (làng Kte-Kchăng, xã Đăk Song) là hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Tháng 6/2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hỗ trợ cho gia đình 44 triệu đồng để xây nhà mới.

Bà Alưch bộc bạch: “Ngôi nhà cũ trước đây của gia đình đã dột nát, xuống cấp. Được nhà nước hỗ trợ, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương về ngày công, gia đình có được ngôi nhà kiên cố.  Đây là niềm khát khao, mong mỏi bấy lâu nay của gia đình”.

Lãnh đạo xã Đăk Song bàn giao nhà cho bà Alưch. Ảnh: Tuấn Anh.

Lãnh đạo xã Đăk Song bàn giao nhà cho bà Alưch. Ảnh: Tuấn Anh.

Cũng giống như bà Alưch, hàng chục hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trong xã Đăk Song cũng có niềm vui khi được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà và hỗ trợ kế sinh nhai.  

Ông Huỳnh Văn Cư, Chủ tịch UBND xã Đăk Song cho biết, thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, xã đầu tư làm mới 54 căn nhà cho các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Riêng năm 2023, xã đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho 30 hộ dân, trong đó 21 căn nhà xây mới, 9 nhà sửa chữa với tổng kinh phí thực hiện hơn 1,1 tỷ đồng.

Cũng theo ông Cư, toàn xã có 260 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 51,1%. So với năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm 7,23%. “Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư từ nhiều chương trình, dự án để giúp người dân từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, các chương trình hỗ trợ  như cấp bồn nước, cấp bò, hỗ trợ xây nhà, tập huấn kỹ thuật để chuyển đổi cây trồng... đã giúp đời sống người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc”, ông Cư chia sẻ.

Ông Đỗ Hà Quang, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kông Chro cho biết,  xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời và hỗ trợ đúng đối tượng là người nghèo trên địa bàn.

Cụ thể, năm 2023, từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia, huyện đã hỗ trợ 182 tỷ đồng cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, mở lớp đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân… Đồng thời, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các địa bàn đặc biệt khó khăn. Mặt khác, huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong công tác giảm nghèo.

Các hộ nghèo được hỗ trợ cấp bồn chứa nước. Ảnh: Tuấn Anh.

Các hộ nghèo được hỗ trợ cấp bồn chứa nước. Ảnh: Tuấn Anh.

“Nhờ hỗ trợ từ các chương trình, đời sống người dân ngày càng nâng lên, số hộ nghèo giảm rõ rệt và vượt chỉ tiêu đề ra. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội, cách thức làm ăn cũng từng bước được cải thiện”, ông Quang chia sẻ.

Ông Đinh Văn Súy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như hỗ trợ sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo đã thực hiện hiệu quả, dạy nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, giải quyết nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo…

“Huyện sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, ông Súy chia sẻ.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.