| Hotline: 0983.970.780

Trồng dứa kỳ vọng giúp người dân Tu Mơ Rông thoát nghèo

Chủ Nhật 22/10/2023 , 18:54 (GMT+7)

Từ hiệu quả trồng dứa trên đèo Măng Rơi, UBND huyện Tu Mơ Rông đang tiến hành khảo sát để nhân rộng mô hình cho người dân theo dự án hỗ trợ giảm nghèo.

Anh Lân thành công với mô hình trồng dứa trên đèo Măng Rơi. Ảnh: Tuấn Anh.

Anh Lân thành công với mô hình trồng dứa trên đèo Măng Rơi. Ảnh: Tuấn Anh.

Mạnh dạn trồng dứa trên cao nguyên

Anh Nguyễn Hoàng Lân (TP.HCM) được xem là người tiên phong đưa mô hình trồng khóm MDD2 (hay còn gọi là dứa) về vùng cao nguyên Tu Mơ Rông. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Xử lý thực vật, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, anh Nguyễn Hoàng Lân rời TP. HCM lên tỉnh Lâm Đồng lập nghiệp với mô hình trồng táo ôn đới. Sau một thời gian triển khai tại Đà Lạt, nhận thấy mô hình trồng táo ôn đới chưa thực sự hiệu quả, anh tìm đến vùng đất mới ở huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum).

Tại đây, anh quyết định mua 2 giống táo xanh và đỏ từ nước ngoài về trồng thử nghiệm trên khu vực đèo Măng Rơi (xã Đăk Hà). Sau một thời gian trồng thử nghiệm, cây táo phát triển khá tốt, anh Lân xin thành lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đăk Psi (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông) để tiếp tục mở rộng diện tích, liên kết vùng trồng với người dân.

Đến nay, HTX đã có 5ha diện tích trồng táo và bắt đầu cho thu bói. Giống táo này có tuổi thọ lên đến 40 năm, mỗi năm cho thu 2 vụ, năng suất trung bình 40 tấn/ha, tùy theo giống, công chăm sóc. Hiện loại táo này đang được bán với giá 10.000 đồng/kg.

Bên cạnh trồng táo phục vụ thị trường nội địa, HTX đang rất thành công mô hình trồng dứa. Đây là loại dứa được kết hợp từ giống dứa Qeen và Caren, khi chín có màu vàng, vỏ mỏng, nhiều nước, ngọc thanh, ăn không bị rát lưỡi và bảo quản thời gian lâu dài. Từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 14 - 18 tháng.

Mô hình trồng dứa rất phù hợp trên vùng đất Tu Mơ Rông. Ảnh: Tuấn Anh.

Mô hình trồng dứa rất phù hợp trên vùng đất Tu Mơ Rông. Ảnh: Tuấn Anh.

Năm 2022, HTX bắt đầu triển khai với diện tích 10ha ngay trên đỉnh đèo Măng Rơi (xã Đăk Hà). Tại đây, HTX đã liên kết với một doanh nghiệp trong nước thu mua dứa để xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và Hàn Quốc. Chính vì phục vụ thị trường xuất khẩu, mọi quy trình từ sản xuất đến chăm sóc được thực hiện đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật, không dùng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép của các nước nhập khẩu. Đối với loại dứa này, vụ đầu khoảng 18 tháng mới cho thu hoạch nhưng về sau rút ngắn còn 12 tháng. Dứa phải đạt từ 1 - 2kg mới tiến hành thu hoạch.

“Dứa được trồng ở khu vực sườn đồi cao khoảng 1.200m so với mặt nước biển và phải có nguồn nước để phục vụ tưới, điều tiết cho cây phát triển tốt. Đặc biệt, dứa được trồng ở khu vực cao nguyên sẽ cho quả ngọt thanh, rất khác với các loại dứa thường dùng ở nước ta. Hiện nay, trong tổng số 10ha HTX đã trồng thì có 4ha cho thu hoạch, 6ha còn lại cũng đang phát triển khá tốt. HTX đang tiếp tục phát triển thêm 4ha dứa ở khu vực đỉnh đèo Măng Đen để phục vụ xuất khẩu”, anh Lân chia sẻ.

Hỗ trợ người nghèo nhân rộng mô hình trồng dứa

Anh Lân cho biết, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đăk Psi đã ký kết với doanh nghiệp mỗi tuần xuất khẩu khoảng 36 tấn dứa. Giá thu mua ổn định từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay diện tích trồng dứa của HTX còn ít nên chưa đủ đáp ứng số lượng cho xuất khẩu. Do đó, HTX đang vận động, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các hộ dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào chuỗi liên kết trồng dứa quy mô lớn. Theo đó, người dân sẽ được hướng dẫn về quy trình sản xuất, kỹ thuật trồng chăm sóc và trồng theo kế hoạch sản xuất của HTX để đảm bảo có sản phẩm quanh năm.

Cũng theo anh Lân, trồng dứa dễ chăm sóc, lại không hại đất, nên người dân chưa am hiểu về loại cây này cũng có thể canh tác được. Trung bình 1ha có thể đạt khoảng 50 tấn, lợi nhuận thu được từ 200 - 250 triệu đồng/năm.

“Nhu cầu của HTX phải xây dựng vùng trồng khoảng 60ha mới đủ phục vụ xuất khẩu. Về lâu dài, HTX sẽ cố gắng liên kết mở rộng vùng trồng lên khoảng 200ha để tiến tới xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ dứa”, anh Lân chia sẻ.

Huyện Tu Mơ Rông sẽ nhân rộng mô hình trồng dứa cho người dân. Ảnh: Tuấn Anh.

Huyện Tu Mơ Rông sẽ nhân rộng mô hình trồng dứa cho người dân. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết, hiện nay mô hình trồng dứa của HTX đã cho thu hoạch và bước đầu cho thấy hiệu quả nhất định. Mô hình trồng dứa được sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nói không với thuốc bảo vệ thực vật. Với mục tiêu hướng đến xuất khẩu sang Hàn Quốc và Trung Đông, HTX cũng đang đẩy mạnh liên kết với các hộ dân trong vùng để mở rộng diện tích.

“Mô hình trồng dứa rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng để phát triển trên vùng đất xã Đăk Hà nói riêng và huyện Tu Mơ Rông nói chung. Mặt khác, chăm sóc cây dứa đòi hỏi kỹ thuật không quá cao, nên người dân có thể dễ dàng canh tác. Dự kiến trong trời gian tới, từ nguồn kinh phí của chương trình giảm nghèo, chúng tôi sẽ xin ý kiến của huyện để hỗ trợ người dân nhân rộng giống cây dứa trên địa bàn. Qua đó, giúp người dân từng bước ổn định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”, ông Khoa chia sẻ.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, nhìn vào năng suất cũng như chất lượng để thấy rằng, mô hình trồng dứa bước đầu đã mang lại hiệu quả trên vùng đất Tu Mơ Rông. “Chúng tôi đợi đến cuối năm sẽ có đánh giá cụ thể về mô hình trồng dứa trên địa bàn, nếu thực sự hiệu quả sẽ chọn để hỗ trợ người dân trồng dưới tán rừng. Khi đó sẽ đạt được cả 2 mục đích trong phát triển kinh tế của của địa phương, đồng thời đảm bảo sinh kế cho người dân một cách bền vững”, ông Mạnh chia sẻ.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.