Được học nghề, hiệu quả sản xuất tăng cao
Từ những nghề nông nghiệp đào tạo cho người dân nằm trong danh mục nghề do Bộ NN-PTNT ban hành, Phòng NN-PTNT huyện An Lão (Bình Định) xuống tận cơ sở để thông báo tuyển sinh, công tác này được các xã triển khai xuống đến thôn. Sau đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện An Lão về cơ sở để tuyển sinh.
“Nếu địa phương nào chọn nghề nuôi heo đen hoặc nghề trồng trọt thì đăng ký, lập danh sách, khi đủ số lượng học viên thì Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở lớp. Nhu cầu đào tạo xuất phát từ lao động nông thôn, họ muốn học nghề gì mình đào tạo nghề đó. Nếu huyện triển khai dự án nuôi heo đen hoặc dự án trồng bưởi da xanh thì đào tạo nghề theo dự án, mở những lớp dạy kỹ thuật nuôi heo đen và trồng cây có múi”, ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Lão chia sẻ.
Chị Đinh Thị Phúc, cán bộ nông nghiệp xã An Trung (huyện An Lão) cho biết, xã này phát triển mạnh nghề nuôi heo bản địa (heo đen), nên khi huyện mở những lớp đào tạo nghề nuôi heo đen bà con đăng ký rất nhiều.
“Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số trong xã nuôi heo đen chỉ thả rông chứ không làm chuồng trại. Sau khi được đào tạo nghề, bây giờ dù heo đen vẫn được nuôi thả rông, nhưng hộ nuôi vẫn làm chuồng trại che mưa che nắng cho heo để heo giảm dịch bệnh. Hoặc khi heo bị bệnh, họ biết phải báo ngay cho thú y xã đến kiểm tra, hỗ trợ trong việc phòng chữa bệnh cho heo”, chị Phúc chia sẻ.
Theo ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Lão, năm 2023, kinh phí từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ cho huyện An Lão thực hiện công tác đào tạo nghề là khoảng 1,6 tỷ đồng. Trong quá trình mở lớp, ngành nông nghiệp huyện An Lão thường xuyên kiểm tra, giám sát để nắm bắt tình hình học tập của nông dân. Nhờ tổ chức bài bản, nông dân sau đào tạo đều nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Đặc biệt, người dân đồng bằng tiếp thu rất tốt những kiến thức được đào tạo.
“Trong giai đoạn 2017 - 2019, huyện An Lão khôi phục 30ha dâu tằm ở vùng Vạn Long, Vạn Khánh (xã An Hòa), ngành nông nghiệp mở 6 lớp đào tạo nghề trồng dâu nuôi tằm, sau khi được đào tạo, nông dân ứng dụng vào sản xuất rất hiệu quả. Sản xuất, chăn nuôi của đồng bào miền núi cũng có những chuyển biến rõ rệt sau khi nông dân được đào tạo nghề”, ông Đỗ Đình Biểu cho hay.
Đào tạo không chạy theo số lượng
Theo ông Nguyễn Văn Tương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện An Lão, hiện nay, trong lĩnh vực đào tạo nghề nông nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện An Lão có 1 giáo viên cơ hữu, còn lại là ký hợp đồng thỉnh giảng với Trường Cao đẳng Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ hoặc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện An Lão. Ngoài ra, Trung tâm còn ký hợp đồng với những người đã tốt nghiệp các ngành chuyên môn, nhưng chưa xin việc được tại các cơ sở dạy nghề về đứng lớp”.
Cũng theo ông Tương, theo phân phối của chương trình đào tạo nghề nông nghiệp ở huyện An Lão, trong năm 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện An Lão tạm đủ lực lượng giáo viên đứng lớp. Năm 2023, UBND huyện An Lão giao cho các ngành chức năng đào tạo 30 lớp nghề nông nghiệp, nhưng qua quá trình khảo sát, ngành chức năng chỉ đảm bảo mở 22 lớp, trong đó có 14 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, còn lại là đào tạo các nghề phi nông nghiệp.
Theo ông Phạm Minh Tâm, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện An Lão, đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số là vào ban ngày, hầu hết nông dân đều bám rẫy bám ruộng để sản xuất, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện An Lão phải sắp xếp lịch học vào ban đêm để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi học.
“Trong thời gian mở lớp, giáo viên trực tiếp giảng dạy sẽ lập danh sách hộ nào đang trồng trọt diện tích lớn hoặc hộ chăn nuôi có đàn vật nuôi lớn để thuê diện tích đất hoặc chuồng trại chăn nuôi của hộ đó để cả lớp sản xuất và nuôi thực hành nhằm tăng chất lượng đào tạo”, ông Nguyễn Văn Tương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên UBND huyện An Lão nói.