| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ sinh kế giúp người dân thoát nghèo

Thứ Ba 24/10/2023 , 06:44 (GMT+7)

Yên Bái Để giúp người dân thoát nghèo bền vững, huyện Trấn Yên đã thực hiện chương trình hỗ trợ sinh kế bằng vật nuôi, cây trồng, nông cụ sản xuất để hộ nghèo tự vươn lên.

Từ một địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, bằng những giải pháp đồng bộ, đặc biệt là sự “tiếp sức” về nguồn vốn, sinh kế, hàng trăm hộ nghèo ở huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) đã có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo. 

Trao mô hình sinh kế

Gia đình ông Thân Văn Bắc là hộ nghèo ở thôn Cây Sy, xã Vân Hội. Cả nhà có 4 nhân khẩu, thì người vợ thường xuyên ốm đau bệnh tật, 2 con đang đi học. Gia đình anh là hộ nghèo diện thiếu vốn sản xuất và thiếu nguồn lao động. Tháng 6/2022, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế cho gia đình ông Bắc. Từ nguồn quỹ Vì người nghèo, tỉnh hỗ trợ gia đình ông 20 triệu đồng thực hiện mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm.

Gia đình ông Thân Văn Bắc ở xã Vân Hội được hỗ trợ mô hình nuôi ốc nhồi để thoát nghèo. Ảnh: Thanh Tiến.

Gia đình ông Thân Văn Bắc ở xã Vân Hội được hỗ trợ mô hình nuôi ốc nhồi để thoát nghèo. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Ông Bắc bộc bạch, từ nguồn vốn được hỗ trợ, gia đình đã mua ốc nhồi giống và tận dụng đường ống dẫn nước cũ, bỏ thêm công đắp bờ ao để đảm bảo các điều kiện cho nuôi ốc trên diện tích hơn 1.300m2. Tỷ lệ ốc cho thu hoạch đạt trên 80%. Đến tháng 9/2023 gia đình ông Bắc đã bán được gần 500kg ốc thịt với giá 80.000  - 100.000 đồng/kg, đem lại thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Hiện. Gia đình ông đang tiếp tục chuyển đổi hơn 1 sào ao sang nuôi ốc.

“Với diện tích và số lượng giống đã vào ươm nuôi, dự kiến từ nay đến hết vụ gia đình ông sẽ thu thêm khoảng 800kg ốc thịt, trừ hết các chi phí sẽ mang lại lợi nhuận hơn 70 triệu đồng/năm. Nuôi ốc cho thu nhập cao gấp 5 lần so với cấy 2 vụ lúa, đây chính là cơ hội tốt để giúp nhà tôi thoát nghèo lâu dài”, ông Bắc vui vẻ nói.

Ông Trần Đình Kiên - Chủ tịch UBND xã Vân Hội cho biết: “Mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm chi phí đầu tư ban đầu thấp nên các hộ nghèo cũng có thể tiếp cận áp dụng nuôi được, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, ở xã Vân Hội đã có hơn 40 hộ dân nuôi ốc nhồi trên diện tích hơn 5ha. Chính quyền đang vận động bà con thành lập hợp tác xã và tập huấn kỹ thuật, nhân rộng mô hình, liên kết bền vững thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Hỗ trợ tư liệu sản xuất

Bài liên quan

Gia đình anh Hoàng Văn Lương thuộc hộ nghèo ở thôn Bản Bến, xã Việt Hồng cũng đã được quỹ Vì người nghèo tỉnh Yên Bái hỗ trợ 20 triệu đồng thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn. Sau khi được hỗ trợ, anh Lương đã xây bể nuôi lươn rộng 20m2 để nuôi 4.000 con lươn giống. Theo anh Lương, lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể, vì vậy hàng ngày sau khi cho lươn ăn xong thì phải thay nguồn nước sạch. Nuôi lươn trong bể cũng không cần quá nhiều công chăm sóc, không tốn diện tích. Lứa lươn đầu tiên đã cho gia đình anh Lương thu hoạch hơn 800kg, với giá lươn thịt từ 160.000 - 180.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí giống, thức ăn, gia đình có thu nhập hơn 70 triệu đồng. Đây thực sự là khoản thu nhập lớn nhất từ trước tới nay của gia đình.

Mô hình nuôi lươn không bùn cho thu nhập khá, giúp cho hộ anh Hoàng Văn Lương (xã Việt Hồng) thoát nghèo. Ảnh: Thanh Tiến.

Mô hình nuôi lươn không bùn cho thu nhập khá, giúp cho hộ anh Hoàng Văn Lương (xã Việt Hồng) thoát nghèo. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Triệu Khánh Thiện - Chủ tịch UBND xã Việt Hồng chia sẻ, thấy hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư không lớn nên hiện nay trong xã đã có 4 hộ áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn, bước đầu mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con.

Bài liên quan

Hiện nay, cả xã còn 37 hộ nghèo và 36 hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo là 5,31%. Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả bền vững, chính quyền đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết tới từng hộ xem họ thiếu hụt chỉ số nào để có giải pháp hỗ trợ. Đặc biệt để giúp người dân thoát nghèo bền vững, xã đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai hỗ trợ người dân tư liệu sản xuất như vật nuôi, cây trồng và một số loại máy móc nông cụ để tạo ra sinh kế lâu dài.

Theo số liệu điều tra hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, hết năm 2022, toàn huyện Trấn Yên có 600 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,52%. Ngoài ra còn có trên 700 hộ cận nghèo (tỷ lệ 3,04%). Năm 2023, huyện Trấn Yên phấn đấu giảm 176 hộ nghèo, giảm 0,74% tỷ lệ hộ nghèo.

Giúp cần câu chứ không cho con cá

Ông Nguyễn Thành Lê - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sinh kế ổn định là mục tiêu giảm nghèo bền vững của huyện. Từ đó, huyện Trấn Yên tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn, gắn việc cung cấp tín dụng ưu đãi với hướng dẫn cách làm kinh tế, đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Nhiều hộ nghèo ở huyện Trấn Yên được hỗ trợ sinh kế bằng nông cụ sản xuất. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều hộ nghèo ở huyện Trấn Yên được hỗ trợ sinh kế bằng nông cụ sản xuất. Ảnh: Thanh Tiến.

Công cuộc giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vì vậy hàng năm huyện Trấn Yên đã xây dựng kế hoạch phân công cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ 1 hộ dân thoát nghèo. Năm 2023, có 20 hộ nghèo và cận nghèo được các cơ quan của huyện hỗ trợ vật nuôi, cây trồng như gà giống, lợn giống, cây khôi nhung, dâu tằm… Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để các hộ trực tiếp tham gia sản xuất từng bước vươn lên.

Phòng NN-PTNT huyện tặng gà giống cho hộ nghèo ở xã Tân Đồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Phòng NN-PTNT huyện tặng gà giống cho hộ nghèo ở xã Tân Đồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Thoát nghèo đã khó, thoát nghèo bền vững còn khó hơn, do đó việc hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo được coi là chìa khoá giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững; đồng thời phát huy truyền thống đoàn kết “tương thân, tương ái” nhằm huy động sự vào cuộc của toàn xã hội để tạo nguồn lực chăm lo, giúp đỡ người nghèo cải thiện cuộc sống.

Ông Nguyễn Cảnh Hiếu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: “Bằng nhiều hình thức vận động, huy động các nguồn lực xã hội, chung tay hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, giúp họ yên tâm về chỗ ở để từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Trong năm 2023 từ nguồn quỹ Vì người nghèo và xã hội hóa, huyện Trấn Yên thực hiện làm mới và tu sửa nâng cấp 71 ngôi nhà cho hộ nghèo. Đặc biệt, trong hỗ trợ sinh kế, thống nhất quan điểm “giúp người nghèo cần câu chứ không cho con cá”, chỉ tính trong 2 năm 2022 và 2023, thông qua MTTQ huyện và cơ sở đã thực hiện hỗ trợ 46 mô hình sinh kế để phát triển sản xuất, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.