| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ người trồng thanh trà ở Thừa Thiên- Huế khắc phục thiệt hại

Thứ Sáu 27/11/2020 , 08:29 (GMT+7)

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu đã đi kiểm tra thực tế, hỗ trợ người trồng thanh trà ở Thừa Thiên- Huế khắc phục sau bão lụt.

Trắng tay sau bão lũ

Trong những đợt bão, lũ vừa qua, nước ngâm lâu khiến hàng trăm ha cây thanh trà, bưởi da xanh của người dân Thừa Thiên- Huế chết và bị bệnh. Thủ phủ cây thanh trà là phường Thủy Biều (TP. Huế) cùng một số địa phương khác như phường Hương Vân (thị xã Hương Trà) và xã Phong Thu (huyện Phong Điền) có số lượng cây thanh trà bị chết nhiều do ngập lụt.

Sau những đợt bão lũ vừa qua khiến hành trăm ha thanh trà ở tỉnh Thừa Thiên- Huế bị thiệt hại nặng nề. Ảnh: Tiến Thành.

Sau những đợt bão lũ vừa qua khiến hành trăm ha thanh trà ở tỉnh Thừa Thiên- Huế bị thiệt hại nặng nề. Ảnh: Tiến Thành.

Ông Dương Đình Hữu trú phường Hương Vân (thị xã Hương Trà) rầu rĩ cho biết, vườn thanh trà 5 sào đã trồng được hơn 4 năm nay, đang cho thu hoạch thì bị mưa, lũ ngâm hơn 10 ngày, khiến hơn 95% cây bị hư hại, ước tính tổn thất hơn 200 triệu đồng. Hiện gia đình ông Hữu đang vệ sinh vườn, bơm thuốc, chăm sóc cây để cứu vãn một ít diện tích thanh trà còn lại.

“Mọi năm cũng có ngập lụt nhưng chỉ diễn ra trong 1 - 2 ngày nên không sao, năm nay cây bị ngập trong nước gần nửa tháng nên chết hàng loạt. Thanh trà bị chết chủ yếu là những cây trồng khoảng 4 năm trở lại, ở nơi thấp trũng”, ông Hữu cho hay.

Gần đó, gia đình bà Nguyễn Thị Chuối, trú phường Hương Vân cũng đang tích cực dọn lại vườn thanh trà hơn 4 sào bị hư hại gần hết sau bão, lũ. Gia đình bà đang đứng trước khó khăn về kinh tế và thiếu giống cây để trồng để khôi phục lại vườn.

Thanh trà được xem là cây trồng mang lại kinh tế cao cho hàng trăm hộ dân ở tỉnh Thừa Thiên- Huế. Những trận bão, lụt lịch sử vừa qua đã khiến nhiều hộ trồng thanh trà đã trắng tay, khi vườn cây gãy, đổ và khô chết dần.

Thống kê của UBND phường Hương Vân (thị xã Hương Trà), toàn phường có khoảng 130 ha thanh trà bị chết, số còn lại cũng đang bị khô héo dần. Xã Phong Thu (huyện Phong Điền) cũng có 100 ha cây thanh trà bị hư hại hoàn toàn sau bão, lụt.

Hàng năm cây thanh trà mang lại thu nhập hơn hàng chục tỷ đồng cho người dân ở phường Thủy Biều (TP. Huế). Tuy nhiên, mưa lũ  thời gian qua đã khiến hơn 12 ha bị thiệt hại nặng.

Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên- Huế cho biết, đợt bão lụt diễn ra thời gian dài vừa qua, khiến 540 ha cây có múi ở địa phương này bị thiệt hại nặng. Trong đó, chủ yếu là cây thanh trà và tập trung chủ yếu ở xã Phong Thu (huyện Phong Điền) và phường Hương Vân (thị xã Hương Trà). Nhiều hộ dân đang đứng trước khó khăn trong việc  phục hồi diện tích thanh trà đã bị hư hại.

Sở NN-PTNT Thừa Thiên- Huế đang phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để được hỗ trợ trong việc xây dựng đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn một cách hợp lý và khoa học trong thời gian tới.

Khôi phục những vườn cây đặc sản

Nhằm hỗ trợ người dân trồng thanh trà ở Thừa Thiên- Huế phục hồi sản xuất sau mưa lũ, ngày 26/11, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu đã trực tiếp đi kiểm tra, đồng thời hướng dẫn người dân khắc phục những thiệt hại.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT đến khảo sát thiệt hại của người trồng thanh trà ở Thừa Thiên- Huế. Ảnh: Tiến Thành.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT đến khảo sát thiệt hại của người trồng thanh trà ở Thừa Thiên- Huế. Ảnh: Tiến Thành.

Để khắc phục hiệu quả những vườn thanh trà đã hư hại, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trước tiên phải khôi phục lại bộ rễ cho cây, bằng cách phá váng để cung cấp ôxy cho rễ, sau đó tiến hành chăm sóc.

Cùng với đó, cắt tỉa bớt cành đã bị khô héo, khi bộ tán khôi phục và cây mọc mầm trở lại được thì bón thêm phân bón lá để cho cây để cây nhanh phục hồi và phát triển tốt. Đối với những diện tích không thể phục hồi thì mua cây giống trồng thay thế.  

Theo ông Sơn, đối với loại cây thanh trà thì không được trồng nơi thấp trũng và phải có biện pháp cải tạo vườn ngay từ ban đầu. Theo đó, đối với những nơi thấp trũng thì phải tạo rãnh thoát nước rộng và sâu, nhằm tiêu thoát nước mùa lũ và cấp nước mùa hạn. Lập vành đê bao quanh vườn, để khi trường hợp ngâp lụt như vừa rồi thì có thể áp dụng bơm tiêu cực, thoát nước đi.

“Cán bộ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng sẽ trực tiếp hướng dẫn cho người sản xuất hạ bớt tán cây xuống để tạo điều kiện cho việc chăm sóc sau này và chất lượng quả đồng đều hơn. Việc phục hồi lại những vườn thanh trà sẽ đúng quy trình trồng trọt của loại cây ăn quả này. Đồng thời, hướng dẫn người dân trồng theo phương pháp ụ nổi đối với những diện tích thanh trà ở nơi thấp trũng, dễ ngập úng. Theo đó, sẽ hướng dẫn người dân thực hiện đôn rễ, bằng các xáo cho rễ  ăn lên và sau đó đắp đất cao lên”, ông Sơn chia sẻ.

Đồng thời ông Sơn cũng khuyến cáo, người dân không nên mua các giống trôi nổi trên thị trường để đưa vào trồng dặm, trồng bổ sung để tránh nhiễm bệnh lây lan cả vườn. Thời điểm này địa phương cũng cần có lượng cây giống để trồng dặm, bố sung hoặc trồng mới. Đồng thời, việc kiểm soát quy trình các hộ sản xuất cây giống và việc cung ứng cho người dân là hết sức quan trọng.

Cũng theo ông Sơn, thời gian tới, phía Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam sẽ hỗ trợ địa phương phục tráng lại cây bưởi thanh trà, để có những cây đầu dòng tốt. Từ đó, nhân lên thành những vườn giống tốt, sạch bệnh để phục vụ sản xuất.

Cán bộ Bộ NN-PTNT đang hướng dẫn người dân phương pháp khắc phục thiệt hại. Ảnh: Tiến Thành.

Cán bộ Bộ NN-PTNT đang hướng dẫn người dân phương pháp khắc phục thiệt hại. Ảnh: Tiến Thành.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, nhằm hỗ trợ người dân khắc phục sản xuất sau bão lũ, phía Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã có nhưng gói hỗ trợ khuyến nông cho các tỉnh, trong đó có Thừa Thiên- Huế. Đồng thời, cũng sẽ mở những lớp đào tạo, huấn luyện khắc phục bão lũ theo từng nhóm: thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt… từ đó, có những giải pháp cụ thể để khắc phục sản xuất sau thiên tai. Về lâu dài, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp với các địa phương ở miền Trung xây dựng những mô hình khuyến nông dài hạn, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

 “Câu chuyện của bão lũ không chỉ của năm nay, mà các năm tiếp theo chúng ta cũng không thể lường trước được. Khi chúng ta chưa có giải pháp, công trình sản xuất nào lớn, để hạn chế lũ lụt thì phải dùng các giải pháp thuận thiên hơn, cơ cấu cây trồng phù hợp hơn để né tránh tác động của thiên tai”, ông Thanh nói.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, những đợt bão lũ gần cuối năm nay đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân miền Trung nói chung và ở Thừa Thiên- Huế nói riêng. Thanh trà là cây đặc sản được duy trì lâu đời ở Thừa Thiên- Huế, chất lượng cũng rất ổn định, vì vậy cần được khôi phục lại những vườn đã bị thiệt hại.

“Vấn đề quan trọng hiện nay là phải phân loại được mức độ thiệt hại của từng diện tích cụ thể, từ đó, có những biện pháp kĩ thuật phù hợp trong việc khắc phục. Đối với những diện tích không thể phục hồi, phải trồng lại đề nghị bà con nên chọn giống chất lượng để thay thế. Còn những nơi quá trũng, hay bị ngập lụt thì không nên tiến hành trồng lại mà chuyển đổi cây trồng khác phù hợp hơn”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho hay.

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ NN-PTNT đã cử nhiều đoàn công tác với nhiều nhà khoa học có kinh nghiệm về trực tiếp để hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc phục hồi thanh trà...

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm