| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo nghề nông thôn tạo sinh kế và giảm nghèo bền vững

Chủ Nhật 15/10/2023 , 08:31 (GMT+7)

Bến Tre Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre khẳng định, đào tạo nghề góp phần quan trọng phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, tạo sinh kế, việc làm và giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Những năm qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách về đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bản tỉnh nói chung và các xã bãi ngang, ven biển nói riêng. Công tác đào tạo nghề đã giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng đề có việc làm hoặc tự tạo việc làm ổn định chủ động vươn lên thoát nghèo.

Nghề đan giỏ nhựa ở xã An Hiệp, huyện Ba Tri giúp nhiều chị thu nhập khoảng 150.000 đồng/ngày. Ảnh: Minh Đảm.

Nghề đan giỏ nhựa ở xã An Hiệp, huyện Ba Tri giúp nhiều chị thu nhập khoảng 150.000 đồng/ngày. Ảnh: Minh Đảm.

Huyện Ba Tri là địa phương còn nhiều khó khăn. Huyện còn có 23 đơn vị hành chính cấp xã nhưng có đến 9 xã thuộc diện xã bãi ngang. Năm 2022, Phòng LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính quyền các xã tổ chức 12 lớp dạy nghề nông thôn tại 10 xã với 268 học viên tham gia, tổng kinh phí hơn 445 triệu đồng. Riêng năm 2023, phòng đã tham mưu UBND huyện phê duyệt mở 10 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 227 lao động. Những nghề đào tạo như may công nghiệp, nấu ăn, kỹ thuật nề.

Bên cạnh đào tạo nghề phi nông nghiệp, đào tạo nghề nông nghiệp cũng được địa phương chú trọng. Năm nay, Phòng NN-PTNT phối hợp với Trường Cao đẳng cơ điện Nông nghiệp Nam bộ mở 5 lớp đào tạo nghề trồng dừa hữu cơ ở các xã An Ngãi Tây, Tân Hưng; kỹ thuật chăn nuôi bò ở xã An Hiệp; kỹ thuật chăn nuôi dê ở xã An Đức; trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã An Bình Tây. Mỗi lớp có 32 học viên tham gia.

Xã An Hiệp là xã bãi ngang còn rất nhiều khó khăn của huyện Ba Tri. Năm 2023, An Hiệp còn hơn 413 hộ nghèo (chiếm 12,4%) và 297 hộ cận nghèo (chiếm 9,9%). Xã có đàn bò trên 6.500 con, chủ yếu được nuôi theo hình thức nông hộ nhỏ. Vừa qua, phòng NN-PTNT huyện đã hỗ trợ địa phương mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho 32 học viên.

Học viên lớp kỹ thuật chăn nuôi bò tại xã An Hiệp, huyện Ba Tri. Ảnh: Minh Đảm.

Học viên lớp kỹ thuật chăn nuôi bò tại xã An Hiệp, huyện Ba Tri. Ảnh: Minh Đảm.

Bà Huỳnh Thị Pha, cán bộ phụ trách lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội cho hay, phần lớn học viên tham gia là hộ nghèo, hộ cận nghèo; ngoài ra, còn có 3 hộ thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn. Lớp được khai giảng ngày 26/8, dự kiến kết thúc trong giữa tháng 10. Bà Pha nhận xét, qua khóa đào tạo đã giúp học viên nâng cao tay nghề, kỹ thuật trong lao động sản xuất.

Hộ Hồ Lê Thị Trang thuộc diện hộ nghèo ở xã An Hiệp. Nhờ chăm chỉ lao động, từ 1 con bò nái buổi ban đầu khởi nghiệp, đến nay gia đình bà Trang đã gây dựng được 4 con nái và 1 bê con. Tham gia lớp đào tạo nghề bà học được các kỹ thuật trồng cỏ, ủ thức ăn, nhận biết các loại bệnh phổ biến và cách phòng ngừa, chăn nuôi an toàn sinh học… Bà nói sau khi tốt nghiệp sẽ vận dụng các kiến thức đã học để chăm sóc phát triển đàn bò.

Xã An Ngãi Tây cũng là xã bãi ngang của huyện Ba Tri. Hiện tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 12,5% và tỷ lệ hộ cận nghèo trên 8,3%. Ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã An Ngãi Tây chia sẻ, dừa là cây trồng chủ lực của xã với diện tích trên 800ha. Cùng với đó, bò cũng là vật nuôi chủ lực với tổng đàn khoảng 4.500 con.

Thời gian qua, xã được phòng NN-PTNT huyện hỗ trợ mở lớp đào tạo nghề chăn nuôi bò và kỹ thuật trồng dừa hữu cơ cho một số hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn. Qua tập huấn, bà con đã tích cực áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, đã có doanh nghiệp tìm hiểu liên kết xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ.

Ông Bình cho biết thêm, hiện thu nhập bình quân của xã đạt 49 triệu đồng/người, thấp hơn mức quân bình chung của huyện. Thời gian tới, xã tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; giảm tỷ lệ hộ nghèo; phấn đấu gia tăng thu nhập lên mức mặt bằng chung của huyện.

Chị Hồ Lê Thị Trang, học viên lớp kỹ thuật chăn nuôi bò ở huyện Ba Tri. Ảnh: Minh Đảm.

Chị Hồ Lê Thị Trang, học viên lớp kỹ thuật chăn nuôi bò ở huyện Ba Tri. Ảnh: Minh Đảm.

Theo ông Đoàn Hải Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre, trong Đề án Đào tạo nghề lao động nông thôn cũng xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo là một trong những chỉ tiêu quan trọng, kiến thức, kỹ năng nghề là yếu tố quan trọng để người nghèo thoát nghèo bền rừng.

Hiện nay, vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với giảm nghèo bền vững đã được khẳng định tại Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong Chương trình, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng là dự án số 4 với các mục tiêu, lộ trình và chỉ tiêu cụ thể.

Theo đó, mục tiêu của chương trình là phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối tượng là người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Năm 2022, Sở NN-PTNT phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức 39 lớp, số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề là 833, kinh phí trên 1,3 tỷ đồng. Năm 2023, dự kiến tổ chức 87 lớp cho 2.175 học viên, kinh phí trên 3,2 tỷ đồng. Các nghề được tập trung như kỹ thuật trồng chăm sóc cây dừa, trồng rau, nuôi bò, nuôi tôm, nuôi gà…

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.