| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi: Nút thắt đã có hướng mở

Thứ Tư 06/12/2023 , 11:19 (GMT+7)

Sau 3 năm đợi chờ mòn mỏi, người dân có vật nuôi phải tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục đã có thể thở phào nhẹ nhõm.

Sau 3 năm gián đoạn, việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân có vật nuôi bị nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã tìm ra hướng mở. Ảnh: Việt Khánh.

Sau 3 năm gián đoạn, việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân có vật nuôi bị nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã tìm ra hướng mở. Ảnh: Việt Khánh.

Bám sát Công văn 8108/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ về việc hỗ trợ thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở NN-PTNT, Tài chính thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo đúng đối tượng, tránh lợi dụng, trục lợi chính sách.

Để hoàn thành nhất thiết phải niêm yết công khai danh sách các hộ có động vật tiêu hủy do dịch bệnh gây ra. Hồ sơ liên quan nộp về UBND cấp huyện (qua phòng NN-PTNT, Kinh tế hạ tầng/ Trung tâm dịch vụ dịch vụ nông nghiệp) để tổng hợp, rà soát trước khi gửi Sở NN-PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y).

Hồ sơ phải đáp ứng các điều kiện đặt ra tại điều 4 Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Trường hợp không thuộc diện trên sẽ không được hỗ trợ.

Xoay quanh vấn đề này, ngành NN-PTNT Nghệ An cũng đã có phương án hướng dẫn nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện, tránh kéo dài lê thê. Theo đó, định mức hỗ trợ áp dụng cho lợn là 38.000 đồng/kg hơi; với trâu, bò là 45.000 đồng/kg hơi.

Tương tự là bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Ảnh: Việt Khánh.

Tương tự là bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Ảnh: Việt Khánh.

Thời gian áp dụng với lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi tính từ ngày 01/01/2021 cho đến khi Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật được ban hành và có hiệu lực. Riêng trâu, bò tiêu hủy do bị bệnh viêm da nổi cục áp dụng trước ngày 27/9/2021, trên tinh thần đó đề nghị UBND huyện, thành thị tổng hợp số liệu để đề xuất hướng giải quyết.

Như NNVN đã thông tin, Nghệ An ghi nhận dịch tả lợn Châu Phi từ năm 2019, viêm da nổi cục xuất hiện năm 2021. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế chính sách, đối tượng, mức hỗ trợ theo từng năm (Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019; Quyết định số 2254/QĐ-TTg ngày 30/12/2020), tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan làm thủ tục, kịp thời chi trả 100% kinh phí cho các chủ hộ có lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi (đã tiêu hủy trong 2 năm 2019 và 2020) với số tiền gần 150 tỷ đồng.

3 năm kế tiếp dịch tả lợn Châu Phi vẫn thường xuyên “ghé thăm” khiến người nuôi mất ăn mất ngủ, tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là ưu tiên kinh phí cho công tác phòng chống Covid-19 nên chính sách hỗ trợ trong thời gian này bị ngưng trệ, vô hình trung đẩy ngành chăn nuôi vào tình cảnh ngặt nghèo, Nghệ An với tổng đàn gia súc thuộc tốp đầu cả nước khó tránh khỏi cảnh điêu đứng.

Số liệu thực tiễn đã nói thay tất cả, trong thời gian trên bệnh dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục đã phát sinh tại nhiều địa phương, số lượng vật nuôi phải tiêu hủy rất lớn, ước tổng thiệt hại hơn 96 tỷ đồng. Dịch giã kéo dài xuyên suốt 5 năm ròng, nhiều chủ hộ chịu không thấu buộc phải bỏ nghề và để trống chuồng trại bấy lâu nay, trong khi các trường hợp tiếp tục duy trì phải tiến hành giảm đàn để hạn chế rủi ro.

Mòn mỏi đợi chờ kinh phí hỗ trợ trong vô vọng khiến số đông hình thành tâm lý chán chường, buông xuôi, thành thử khi phát hiện dịch bệnh thì tự ý xử lý mà không báo cáo qua chính quyền và cơ quan chuyên môn, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Nghệ An có chiều hướng gia tăng và lây lan thời gian gần đây.

Xuất phát từ thực trạng bí bách nêu trên, việc Chính phủ ban hành kế hoạch “hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục” được xem như cơn mưa rào mát mẻ giữa trời hanh khô, góp phần giảm tải áp lực đè nặng bấy lâu.

Ông Phạm Hoàng Mai, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong chia sẻ: “Trên cơ sở chỉ đạo của cấp trên, Trung tâm đã khẩn trương khâu nối, phối hợp cùng các bên liên quan triển khai các bước theo đúng quy định. Số liệu bước đầu sẽ được niêm yết công khai, đối chiếu cụ thể trước khi chốt chính thức, qua đó đảm bảo tính khách quan, minh bạch”.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.