Không chỉ AGCO bị ảnh hưởng, các nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp khác cùng chung cảnh ngộ bao gồm Deere & Co, và CNH Industrial.
AGCO đã phải thông báo với khách hàng rằng họ có thể phải đợi tới 6 tháng để có máy móc - thực tế là quá muộn so với vụ thu hoạch ở Hoa Kỳ, một nước sản xuất ngô và đậu tương lớn.
Khi nền kinh tế Mỹ phục hồi trở lại sau cuộc suy thoái do đại dịch gây ra, nó đang tạo ra số lượng các đơn hàng lớn bất thường. Nhu cầu chủ yếu là về các bộ phận và vật liệu mà hàng tồn kho lại đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Chính sự gián đoạn liên quan đến đại dịch và thời tiết đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào tình trạng lộn xộn.
Chỉ số của Viện Quản lý Nguồn cung đối với các đơn đặt hàng mới trong tháng 3 đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2004. Trong khi đó, chỉ số về các đơn đặt hàng tồn đọng, một trong những thước đo tốt nhất về khả năng đáp ứng của Hoa Kỳ đối với nhu cầu của các nhà sản xuất, ở mức cao nhất trong 28 năm.
Sự chậm trễ và thiếu nguyên liệu cần thiết đang kìm hãm tốc độ phục hồi kinh tế, biến thành áp lực lạm phát và đe dọa làm sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Đối với các công ty máy móc nông nghiệp như AGCO, hoạt động kinh doanh mang tính thời vụ cao, các vấn đề về nguồn cung ứng có thể khiến doanh số bán hàng bị giảm sút.
Hàng tồn kho bị thắt chặt
Lonn Schlueter, một đại lý có trụ sở tại Iowa chuyên bán máy kéo New Holland và là chủ đồn điền Kinze, nói với Reuters rằng ông đang tìm kiếm máy kéo đã qua sử dụng vì đơn đặt hàng mới dự kiến sẽ không được giao trước cuối năm nay.
“Vấn đề lớn là kiếm được hàng tồn kho, bán được sản phẩm", ông cho biết. “Chúng tôi được thông báo rằng việc sản xuất thực sự bị trì hoãn vì họ không thể có được nguyên liệu thô để hoàn thiện máy móc”.
Nguồn cung máy kéo ở Bắc Mỹ ở mức khan hiếm nhất trong 18 năm, theo Jefferies Equity Research. Một cuộc khảo sát gần đây của Morgan Stanley về các đại lý thiết bị nông nghiệp ở Mỹ đã ghi nhận những lo ngại về tác động tiềm ẩn của việc thiếu hàng tồn kho đối với doanh số bán hàng.
Trong khi các đại lý của tất cả các thương hiệu thiết bị nông nghiệp lớn phàn nàn về tình trạng khan hiếm hàng tồn kho, cuộc khảo sát cho thấy tình hình còn tồi tệ hơn đối với những người bán thiết bị của hãng Deere.
Công ty có trụ sở tại Illinois từ chối bình luận. Tuy nhiên, vào tháng 2, Deere nói với các nhà đầu tư rằng họ đang phải đối mặt với những ràng buộc ngày càng tăng đối với một số linh kiện điện tử.
Điều chưa từng thấy
Đó là một sự tương phản rõ rệt so với mùa xuân năm ngoái khi các công ty máy móc bao gồm AGCO cắt giảm sản lượng, dự đoán nhu cầu thiết bị sẽ suy giảm kéo dài. Vào thời điểm đó, không ai mong đợi "một thị trường nóng như thế này", Giám đốc điều hành của AGCO, Eric Hansotia, nói.
Tình trạng thiếu hụt vẫn chưa làm gián đoạn hoạt động sản xuất của AGCO, nhưng đội ngũ thu mua của AGCO đang nỗ lực làm việc để đảm bảo nguồn cung cấp chip bán dẫn, thép và nhựa thay thế.
Trong khi các nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp yêu cầu ít chip hơn nhiều so với các nhà sản xuất ô tô, nỗ lực làm cho máy móc của họ thông minh hơn đã khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc về nguồn cung chip.
Toornman cho biết số lượng chip dùng trong sản xuất máy kéo của AGCO đã tăng “đáng kể” trong thập kỷ qua. Do đó, "chip là mặt hàng đầu tiên trong chương trình nghị sự tại các cuộc họp hàng tuần về chuỗi cung ứng", ông nói.
Trong khi đó, sản lượng thép tăng chậm sau khi cắt giảm vào năm ngoái đã khiến việc mua kim loại này trở nên khó khăn với thời gian và giá cả cạnh tranh. Tương tự, tình trạng mất điện hàng loạt ở Texas sau cơn bão lịch sử vào tháng 2 đã gây ra tình trạng thiếu nhựa toàn cầu.
Toornman cho biết thời gian chờ đợi cho cả nguyên liệu thô đã tăng gấp đôi. Ông dự báo tình trạng thiếu thép sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay nhưng không rõ khi nào nguồn cung nhựa sẽ bình thường trở lại.
“Tôi chưa bao giờ thấy thứ gì như thế này” Toornman nói. "Nó giống như một cơn bão hoàn hảo".