Không có đối thủ
Theo ông Lưu Nam Tài, đại diện Công ty Logicstic Cương Chính, Quảng Tây, ở miền nam Trung Quốc, hiện cũng có một số địa phương trồng được mít, thanh long như Quảng Đông, Quảng Tây, đảo Hải Nam. Tuy nhiên, do chất lượng thấp nên hiện chưa thể cạnh tranh được với hoa quả Việt Nam. “Hoa quả Việt Nam, nếu được quản lý, chuẩn hóa tốt thì 'không có đối thủ' ở miền nam chúng tôi. Khí hậu, thổ nhưỡng đang là thế mạnh của Việt Nam mà Trung Quốc không thể so sánh được”, ông Lưu nói.
Tuy nhiên, giá nông sản Việt Nam chưa được ổn định. Có hiện tượng lên giá rất nhanh, song xuống dốc cũng thảm không kém. Vấn đề không phải do “thương lái Trung Quốc ép giá”, mà bắt nguồn chính từ chất lượng.
Ông Lưu cho biết từng thấy nhiều lô hàng bị hải quan Trung Quốc trả lại, vì phát hiện vẫn còn sâu bệnh. Đây quả thực là vấn đề nghiêm trọng, nó ảnh hưởng rất lớn đến uy tín. Doanh nghiệp xuất khẩu khi đó lại phải nhận hàng về, rửa sạch, đóng gói lại, rất tốn kém tiền của, thời gian. Nói tóm lại, việc quản lý, giám sát của Việt Nam cần làm mạnh hơn nữa.
Ông Thang Thành Vĩ, đại diện Hiệp hội qua quả Đông Nam Á ở Bằng Tường, Quảng Tây, cho rằng đầu tiên là nông dân cần nâng cao ý thức của chính mình. Không có ý thức, thì không thể làm ra sản phẩm tốt được. Ở phần đóng gói, doanh nghiệp cần hết sức chú ý.
“Vài năm trước, khi trả lời phỏng vấn báo Nông nghiệp Việt Nam, tôi từng nói: Chỉ cần có hàng đạt đủ chất lượng, các bạn đưa sang bao nhiêu, chúng tôi mua hết bấy nhiêu. Đến bây giờ vẫn vậy. Hơn 10 năm làm hàng Việt Nam nhập khẩu, tôi chưa thấy bao giờ dân chúng tôi hết nhu cầu. Dân số đông, nên hàng chất lượng luôn trong tình trạng không đủ”, ông Thang cho biết.
Ông Lưu Nam Tài: Tôi lấy ví dụ nếu hải quan Trung Quốc phát hiện ra một lô sầu riêng Thái Lan đúng về mặt giấy tờ, nhưng quả sầu riêng lại xuất xứ từ Việt Nam, thì doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bị phạt nặng, và phải ngồi tù.
Ông Triệu Tự Cường: Tôi xin bổ sung thêm, hai năm nay hải quan Trung Quốc có thêm chính sách về kiểm dịch, tức là doanh nghiệp phải tự kiểm dịch và chịu trách nhiệm về chất lượng của mình. Nói đi nói lại, chúng ta vẫn phải quay về khía cạnh quản lý.
Mô hình ‘tập đoàn hóa’
Một trong những cách nâng cao giá trị nông sản, là mô hình “tập đoàn hóa”. Ở đó, nông dân được mua giống, phân bón với giá thống nhất, được bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng với các điều khoản ràng buộc chặt chẽ.
Đó là đề xuất của ông Triệu Tự Cường, mô hình này hiện được Công ty nhập khẩu, phân phối nông sản Trung Quan, áp dụng ở nhiều vùng trồng tại Trung Quốc.
“Hiện chúng tôi áp dụng mô hình “tập đoàn hóa”, tức là nông dân liên kết với nhau, liên kết với doanh nghiệp. Họ hoàn toàn có thể mua phân bón, giống, với giá đồng nhất. Vấn đề thổ nhưỡng cũng vậy, ở Trung Quốc, đây là việc mà chúng tôi bỏ ra rất nhiều thời gian, tiền của. Thổ nhưỡng là thứ thúc đẩy nông sản phát triển tốt và nhanh nhất”.
Việt Nam nên mở thêm các cuộc giao lưu quốc tế, không chỉ học hỏi từ Thái Lan đâu, mà còn từ Trung Quốc, Nhật Bản. Thứ nhất, làm thế nào để trồng trọt những loại hoa quả giá trị cao. Ngoài những nông sản thiết yếu ra, còn cần thêm những loại nông sản nào giá trị cao nữa? Nói vậy để thấy vấn đề là chúng ta cần khai thác đúng giá trị đất đai.
Ông Lưu cho biết, xét toàn diện, điểm mạnh đầu tiên là lợi thế địa lý do hai nước có đường biên giới dài với nhau, do đó, nếu làm tốt các khâu quản lý, hoa quả Việt Nam vẫn giữ được độ tươi ngon khi đến thị trường Trung Quốc.
Điểm yếu lớn nhất của nông sản Việt chính là chất lượng không ổn định. Ông Lưu nói chính bản thân đi mua sầu riêng Việt Nam, nay ngon mai dở. “Tôi biết những quả sầu riêng đó đến từ nhiều vùng khác nhau, điều này cho thấy một số địa phương ở Việt Nam chưa thống nhất về quản lý chất lượng. Do đó, có hiện tượng là nông sản Việt Nam ở thị trường Trung Quốc lên giá rất nhanh, nhưng rớt giá cũng nhanh chẳng kém”.