Tuy nhiên, trong thời gian qua người dân chỉ trồng cây ăn quả theo hướng tự phát, manh mún, mang lại hiệu quả không cao.
Vườn bưởi da xanh ở xã Ân Thạnh |
Vận dụng lợi thế, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, Hoài Ân đã đưa vào đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 chương trình trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP. Sau 3 năm thực hiện, mô hình này đã thu hút nhiều hộ nông dân tham gia.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Hoài Ân đã có 1.330ha cây ăn quả các loại, nhưng trồng theo kiểu tự phát, không có định hướng với các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế thấp. Để tạo bước đột phá, cuối năm 2016, Hoài Ân đã phối hợp với Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, quy hoạch và xây dựng mô hình phát triển cây ăn quả có giá trị cao, trong đó tập trung 2 loại cây bưởi da xanh và bơ sáp.
Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, để khuyến khích người dân tham gia trồng bưởi da xanh và bơ sáp trên đất đồi và đất trồng cây lâu năm, huyện hỗ trợ cho người tham gia mô hình 100% cây giống, hỗ trợ 3 năm đầu về phân bón và tùy quy mô hệ thống nước tưới hộ dân đầu tư, huyện sẽ có định mức hỗ trợ phù hợp.
“Hiện trên địa bàn huyện Hoài Ân đã trồng được khoảng 200ha bưởi da xanh, cam, quýt và bơ sáp, trong đó có 100ha trồng tập trung và 100ha trồng phân tán. Bưởi da xanh đang ra quả lứa 1, lứa 2. Trong năm 2018, bưởi da xanh Hoài Ân ngoài có mặt tại các siêu thị trong tỉnh, còn thâm nhập được thị trường các tỉnh Tây Nguyên, TP.HCM, Đà Nẵng, mang lại thu nhập cao cho nông hộ”, ông Nguyễn Hữu Khúc cho hay.
Ông Huỳnh Công Chính ở thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân), cho biết: “Hơn 10 năm trồng bưởi da xanh, tôi thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, trồng 4 - 5 năm đã cho thu hoạch trái. Hơn 100 gốc bưởi của gia đình mỗi năm cho lãi ròng hơn 100 triệu đồng. So với nhiều loại cây trồng khác thì bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần”.
Với 50 cây bưởi da xanh, mỗi năm gia đình ông Võ Đông Sơ ở thị trấn Tăng Bạt Hổ cũng kiếm được hơn 50 triệu. “Ngoài phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, muốn cây bưởi da xanh mang lại hiệu quả cao thì mình phải chịu khó chăm sóc tưới nước, bón phân đầy đủ. Khi bưởi ra quả thì mình dùng bao bọc từng quả lại để tránh sâu rầy, côn trùng và ánh sáng, không cần phải phun thuốc BVTV, do đó bưởi Hoài Ân ngon ngọt và rất sạch”, ông Võ Đông Sơ chia sẻ.
Bưởi da xanh là loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện Hoài Ân |
Một loại cây ăn quả tiềm năng khác trên đất Hoài Ân mới được phát hiện là sầu riêng. Trong một chuyến thị sát địa bàn, ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân đã phát hiện tại gia đình một lão nông có trồng 10 cây sầu riêng trên đất gò đồi, cho hiêu quả kinh tế rất cao.
“Trong số 4 cây đã cho quả, hộ nông dân này có thu nhập 52 triệu đồng/năm. Từ thực tế này, huyện đang điều chỉnh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mở rộng đối tượng, bổ sung vào đề án 2 loại cây sầu riêng và mít Thái”, ông Khúc chia sẻ.
Cũng theo ông Khúc, trong thời gian qua người dân Hoài Ân đã có ý thức cao trong việc cải tạo vườn tạp. Trước khi phát triển mạnh các loại cây bưởi da xanh, cam, quýt, bơ sáp, bà con rất thích cây dừa xiêm mà không cần đến sự khuyến khích của ngành chức năng. Mỗi cuộc hội chợ được tổ chức trên địa bàn, những hộ dân có nhiều diện tích đất vườn đồi mua đến 500 – 700 cây giống về trồng. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có đến vài ngàn ha dừa xiêm đang giai đoan kinh doanh, tạo nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân ở đây.
“Hiện trên địa bàn huyện còn nhiều diện tích đất nông nghiệp bị người dân “cưỡng bức” trồng cây lâm nghiệp, hiệu quả kinh tế cho trước mắt kém đã đành, các loại cây bạch đàn và keo còn làm cạn kiệt dinh dưỡng của đất. Nếu các loại cây bưởi da xanh, bơ sáp, mít Thái và sầu riêng cho hiệu quả thuyết phục thì chắc chắn người dân ở đây sẽ phá hết những diện tích đã trồng keo để trồng những loại cây nói trên”, ông Nguyễn Hữu Khúc. |