Theo Đài Khí tưởng thủy văn khu vực Nam Trung bộ, khoảng 10 giờ, ngày 10/11, vùng tâm bão số 12 đã đi vào đất liền các tỉnh Bình Định đến Ninh Thuận và đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 10 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 12,3 độ vĩ Bắc. 109,3 độ kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận.
Về lượng mưa trong 24 giờ qua từ 10 giờ ngày 9/11 đến 10 giờ ngày 10/11 tại Khánh Hòa phổ biến 40-80mm, riêng huyện Vạn Ninh mưa từ 150-200mm. Còn mực nước sông trong 24 giờ qua đều giao động ở mức dưới báo động 1.
Đối với các hồ chứa của tỉnh Khánh Hòa hiện mực nước trung bình đạt 60-70% so với dung tích thiết kế. Riêng hồ Hoa Sơn đạt 96%, Đá Đen 86%, Suối Trầu 99% và Suối Dầu 82% so với dung tích thiết kế. Hiện nay 4 hồ Hoa Sơn, Đá Đen, Suối Dầu và Suối Hành đang điều tiết hạ mực nước hồ với lưu lượng từ 3,25-283m3/s để đón lũ.
Về thiệt hại bão số 12, theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa, tính đến 12 giờ ngày 10/11, toàn tỉnh có 16 nhà bị tốc mái (Ninh Hòa 15 và Cam Lâm 1), 2 trụ sở cơ quan bị hỏng ở Ninh Hòa; 3 nhà màng công nghệ cao của trại thực nghiệm Suối Dầu khoảng 1.700m2/nhà bị sập, hư hỏng. Quốc lộ 27C bị sạt rãnh thoát nước tại km 50+680. Nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng đổ ngã. 1 tàu cá bị chìm ở Vĩnh Trường, Nha Trang.
Tại huyện Vạn Ninh mất điện trên các địa bàn xã Vạn Khánh, Vạn Long, Vạn Phước, Vạn Thọ và Đại Lãnh. Huyện Khánh Vĩnh mất điện hoàn toàn. Ninh Hòa mất điện ở các xã Ninh Vân, Ninh Phước…
Tàu SE2 di chuyển hướng Nam ra Bắc hiện đang tạm dừng tại lý trình 1233+650 (thuộc huyện Vạn Ninh) do đường sắt bị ngập ở đoạn từ lý trình 1233+200 đến 1233+600…
Còn tại Phú Yên, theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên, cập nhật từ các trạm đo mưa tự động trên địa bàn tỉnh, tính từ 19 giờ ngày 9/11 đến 11 giờ ngày 10/11 trên địa bàn toàn tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 89,6-318,6mm. Lượng mưa lớn nhất tại Hòa Thịnh, Tây Hòa: 318,6mm.
Mực nước trên các sông Ba, sông Kỳ Lộ đang dao động ở mức báo động I; riêng lũ trên sông Bánh Lái đã đạt trên báo động III.
Theo dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh nên trên lưu vực sông Ba có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to tập trung chủ yếu ở trung và hạ lưu. Mực nước lũ trên sông Ba tiếp tục lên và đạt đỉnh báo động II trong đêm nay (10/11).
Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên, tính đến 11 giờ 30 ngày 10/11, bão số 12 làm 1 người trên địa bàn bị thương do tai nạn giao thông,. Cụ thể, xe 49C.23870 do anh Nguyễn Trần Huy Hoàng điều khiển, lưu thông theo hướng Bắc-Nam tự lật xuống taluy.
Về nhà ở, toàn tỉnh có 3 nhà bị sập, hư hỏng (1 nhà sập hoàn toàn 100%, 2 nhà thiệt hại 30-50% trên địa bàn thị xã Sông Cầu) và 1 nhà bị tốc mái.
Bên cạnh đó, tuyến QL29 tại Km76+160 (thuộc xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh) nước ngập 0,5m tắc giao thông. Hiện Sở Giao thông vận tải đang tổ chức khơi thông hệ thống thoát nước; phối hợp với các địa phương ứng trực, rào chắn, cắm biển báo hiệu cấm các phương tiện qua lại tại các vị trí bị ngập lụt.
Ngoài ra, tính đến 10 giờ, ngày 10/11, toàn tỉnh có 64/110 xã mất điện. Ngành điện đang huy động lực lượng tập trung, khắc phục.
Phú Yên chủ động khắc phục bão số 12 và mưa lũ sau bão
Ngày 10/11, UBND tỉnh Phú Yên đã có công văn gửi các sở, ban ngành, các địa phương trên địa bàn về việc chủ động, khẩn trương triển khai công tác ứng phó, khắc phục sau bão số 12 và mưa bão sau lũ.
Theo đó, hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên do ảnh hưởng của cơn bão số 12 và không khí lạnh gây ra mưa to, đến rất to và diễn biến rất phức tạp. Trong khi đó, theo dự báo khu vực tỉnh Phú Yên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt và có khả năng gây ra lũ, lũ ống, lũ quét và ngập lụt tại các vùng thấp trũng, ven sông, suối và nguy cơ sạt lở đất tại các khu vực đồi núi là rất cao.
Do đó, để chủ động triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 12 và mưa lũ sau bão kịp thời, hiệu quả, nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất xảy ra sau bão; kịp thời chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”; xử lý kịp thời các tình huống sự cố phát sinh và khắc phục nhanh hậu quả bão, mưa lũ lụt xảy ra. Kiểm tra, rà soát các vùng trũng thấp dễ bị ngập lụt, chia cắt, khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực vùng đồi núi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất cao, kịp thời di dời sơ tán người dân đến nơi an toàn…