Bởi đó, Hoàng Sa luôn là “máu thịt” của ngư dân huyện đảo Lý Sơn.
Những người lính Hoàng Sa đầu tiên
Trong những ngày biển Đông “dậy sóng” do tàu Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, lòng ông Nguyễn Quốc Chinh (66 tuổi), Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi), không lúc nào là không đau đáu nghĩ về Hoàng Sa, vùng biển mà những bậc tiền hiền của đảo Lý Sơn đã vĩnh viễn nằm lại trong khi làm nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền và đo đạc thủy trình do triều đình sai đi cách đây hàng trăm năm.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, trò chuyện với PV. |
Theo ông Chinh, đến đời ông đã là đời thứ 10 từ khi những cư dân đầu tiên từ đất liền ra Lý Sơn lập nghiệp, tính đến nay đã là 415 năm. Theo tiền nhân kể lại, vào khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, có 7 ngư dân làng An Vĩnh và 8 ngư dân làng An Hải trong đất liền dong thuyền buồm vượt cửa Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn sinh cơ lập nghiệp. 7 ngư dân làng An Vĩnh định cư ở phía Tây, 8 ngư dân làng An Hải định cư ở phía Đông của đảo Lý Sơn, lập nên phường An Vĩnh và phường An Hải của huyện đảo Lý Sơn sau này.
Tại thời điểm này, những vị tiên đế của đất Việt đã có tầm nhìn chiến lược về biển, nên đã cho thành lập đội Hoàng Sa với nhiệm vụ thay phiên nhau đi làm nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa. Lịch sử về đội Hoàng Sa được ghi chép khá nhiều trong các thư tịch dưới triều Lê và triều Nguyễn. Ví như sách “Toàn tập Thiên Nam Tứ Chi Lộ đồ thư” của Đỗ Bá và “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn. Trong 2 thư tịch cổ nói trên đều ghi lại: Chúa Nguyễn lập nên đội Hoàng Sa, phiên chế gồm 70 người, lấy người ở xã An Vĩnh bổ sung, có 1 đội trưởng chỉ huy.
Đội Hoàng Sa chịu sự điều hành của Bộ Công, thậm chí có khi nhà vua trực tiếp chỉ thị những việc hệ trọng. Ví như vua Gia Long sai Phạm Quang Ảnh dẫn đội Hoàng Sa ra đo đạc thủy trình ở quần đảo Hoàng Sa. Hoạt động của đội Hoàng Sa được các sử gia thời Chúa Nguyễn, triều Nguyễn ghi chép liên tục, rõ ràng, điều đó cho thấy vai trò của đội Hoàng Sa rất được triều đình coi trọng. Những người lính Hoàng Sa được miễn thuế sưu dịch, thuế nông nghiệp. Đội trưởng Hoàng Sa còn phụ trách cả đội Bắc Hải để kiểm soát các đảo Trường Sa, Côn Lôn và vùng vịnh Thái Lan.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (huyện Lý Sơn), chia sẻ: “Theo những bậc tiền nhân kể lại, thuở đầu, đội Hoàng Sa chỉ được Chúa Nguyễn chiêu mộ từ dân của xã An Vĩnh và xã An Hải của phủ Bình Sơn trên đất liền và dân của phường An Vĩnh và phường An Hải trên đảo Lý Sơn. Về sau, vào đầu triều Nguyễn, đội Hoàng Sa chỉ còn dân của phường An Vĩnh và phường An Hải của đảo Lý Sơn tham gia”.
Nhiệm vụ quyết tử
Tại đảo Lý Sơn, định suất 70 người trong đội Hoàng Sa do triều đình quy định được chia đều cho 7 dòng họ phường An Vĩnh và 8 dòng họ phường An Hải. Dòng họ có nhiều lính Hoàng Sa nhất là dòng họ Võ, Phạm, Nguyễn ở phường An Vĩnh và dòng họ Mai ở phường An Hải. Triều đình miễn cho những trưởng tộc của dòng họ, chi phái, con trai trưởng trong gia đình không phải đi lính Hoàng Sa. Bởi, nhiệm vụ của người lính Hoàng Sa rất nguy hiểm, có ngày đi mà không có ngày trở lại. Hiện họ Võ ở xã An Vĩnh còn có cả khu mộ gió chôn tưởng niệm những người con của dòng họ đi lính Hoàng Sa không về. Khu mộ này hiện nằm ở xóm Tò Vò, thôn Tây.
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại đảo Lý Sơn. |
Hàng năm, cứ đến tháng 3 âm lịch là đội Hoàng Sa nhận nhiệm vụ. Mỗi người lính được triều đình cấp cho 6 tháng lương thực, toàn đội triển khai đội hình trên 5 chiếc ghe bầu, mỗi ghe đi 14 người. Hành trang của mỗi người lính Hoàng Sa còn có 1 đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây dài và 1 thẻ bài bằng tre khắc rõ danh tánh, bản quán, phiên hiệu. Để nếu bị tử nạn trên biển thì những người sống lấy chiếu bó xác, lấy đòn tre nẹp chung quanh, dùng dây mây buộc chắc chắn, sau đó thả xác người tử nạn trôi trên biển với hy vọng xác sẽ được sóng biển đưa về đảo Lý Sơn mà không bị cá ăn.
Sau 3 ngày 3 đêm cật lực chèo những chiếc ghe bầu mới đến được đảo Hoàng Sa. Tại đây, những người lính Hoàng Sa ngày ngày lặn xuống biển để lượm những đồ vật quý do các thuyền buôn của nước ngoài bị chìm, bỏ lại như: Hoa bạc, tiền bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, súng, ngà voi, sáp ong vàng, đồ chiêm dạ, đồ sứ; đồng thời săn những hải sản và hải vật quý đẹp như: Đồi mồi, hải sâm cùng các loại ốc có vỏ đẹp.
Đến tháng 8, đội lính Hoàng Sa quay về bờ, cập thuyền vào cửa Eo, (cửa Thuận An bây giờ) rồi về kinh thành Phú Xuân dâng lên triều đình những vật dụng đã săn lượm được.
Những người lính Hoàng Sa còn có nhiệm vụ quan trọng hơn là cắm mốc chủ quyền trên đảo Hoàng Sa. Cụ Phạm Thoại Tuyền (75 tuổi) ở thôn Đông, xã An Vĩnh, hậu duệ của Phạm Hữu Nhật, nhân vật được cho là người đầu tiên cắm cột mốc chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, không khỏi tự hào khi dẫn lại sử sách nói về chiến công của tổ tiên.
Theo cụ Tuyền, vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua chỉ thị cho Bộ Công chuẩn bị việc phái người ra dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa. Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 165 chép rằng, từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tấu vua hàng năm cử người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Vua Minh Mạng phê trong bản tấu của Bộ Công rằng: Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, dày một tấc làm cột mốc.
Phạm Hữu Nhật được chọn phụng mệnh vua đi khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Phạm Hữu Nhật mang theo 10 bài gỗ làm dấu mốc, trên mặt bài khắc chữ “Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh ra Hoàng Sa, xem xét, đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ…”.
Mô hình chiếc ghe ngày xưa đội Hoàng Sa dùng để ra đảo Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền, đo đạc thủy trình và săn lượm sản vật quý. |
Ngày nay, trong câu chuyện truyền đời của dòng họ Phạm Văn ở xã An Vĩnh, đó là những chuyến ra khơi hùng tráng của những người lính Hoàng Sa, mà chính tổ tiên của dòng họ là Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật dẫn đầu.
“Năm ấy, Bộ Công tâu lên vua Minh Mạng mấy câu “Bổn quốc hải cương Hoàng Sa, tối thị hiểm yếu”, có hàm ý nói lên vai trò quan trọng của quần đảo Hoàng Sa đối với đất nước. Do đó, vua Minh Mạng mới xem trọng việc lập đội hùng binh Hoàng sa đi xác lập chủ quyền ngay từ thời đó. Ngoài làm nhiệm vụ thu lượm sản vật, cắm mốc và dựng bia chủ quyền, những người lính Hoàng Sa còn xây miếu, dò để biết biển chỗ nào nông, chỗ nào sâu, rồi trồng cây trên đảo để làm ám hiệu cho những chiếc thuyền ra Hoàng Sa sau này biết mà tránh khỏi bị mắc cạn”, cụ Phạm Thoại Tuyền nói.
“Những chuyến biển vượt sóng dữ bằng những chiếc ghe bầu bé tẹo đã khiến đội lính hoàng Sa thường xuyên gặp nguy hiểm, nhiều người đã không trở về. Do đó, hiện nay ngư dân đảo Lý Sơn có thông lệ cứ vào mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm và trước Tết, họ lấy cát được hốt từ đáy biển ngư trường Hoàng Sa để thay vào các lư hương thờ các vị tiền hiền của các dòng tộc, để tưởng nhớ những người lính đã bỏ mạng ngoài Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ. Họ nghĩ, trong cát ấy có xương thịt của các bậc tiền nhân, nhằm nhắc nhở con cháu sau này phải đồng lòng kiên tâm giữ gìn biển đảo của Tổ quốc”, ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải. |