| Hotline: 0983.970.780

Những chuyên gia 'gỡ rối tơ lòng' cho bà con nông dân

Thứ Ba 26/09/2023 , 06:29 (GMT+7)

Không phân biệt già hay trẻ, còn làm việc hay đã nghỉ hưu, hễ ở đâu có vấn đề nông nghiệp là họ thường đến để giải đáp những thắc mắc của nông dân.

Những chuyên gia gắn bó với nhà nông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những chuyên gia gắn bó với nhà nông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuyện quả bưởi Diễn, bưởi Tam Vân

Trong chương trình “Nhịp cầu nhà nông tổ chức” do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội mới tổ chức tại huyện Phúc Thọ tôi lại gặp họ, những chuyên gia của nông dân gồm: Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, có thể giải đáp hầu hết những vấn đề về sinh học; PGS.TS Lê Văn Năm - chuyên gia về thú y, có thể giải quyết hầu hết những vấn đề bệnh tật của các loại vật nuôi; PGS.TS Kim Văn Vạn - Trưởng khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có thể giải quyết hầu hết vấn đề về bệnh thủy sản và tư vấn cách nuôi; TS Ngô Vĩnh Viễn, nguyên Viện trưởng Viện BVTV, có thể giải quyết hầu hết những vấn đề về bệnh cây. TS Cao Văn Chí - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi, chuyên gia nghiên cứu sâu về bưởi, cam. Bên cạnh đó là ông Đoàn Đức Dân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, người có thể giải đáp những vấn đề về chính sách liên quan đến nông nghiệp.

Thấy các chuyên gia, dưới hội trường hàng trăm nông dân hào hứng đặt câu hỏi. Đối với thắc mắc bưởi Diễn phải cắt tỉa như thế nào, khi trồng được hơn 20 năm tại sao có hiện tượng ra quả ít, không ngọt? TS Cao Văn Chí trả lời: Trên địa bàn huyện Phúc Thọ có giống bưởi Tam Vân hay còn gọi là Diễn sớm, tháng 9 bắt đầu ăn được, tháng 10, 11 thu hoạch chính. Thế nhưng 2 năm vừa rồi do tình hình bán chậm, bà con để quả trên cây cho đến tận tháng 2 âm lịch mà không có vấn đề gì. Đây là đặc điểm tốt của giống này bởi ở nhiều địa phương đang tập trung vào ghép cải tạo bưởi theo hướng chín muộn.

Bưởi Tam Vân - đặc sản của Phúc Thọ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bưởi Tam Vân - đặc sản của Phúc Thọ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong thời kỳ kinh doanh bưởi Diễn cũng như Tam Vân phải tuân thủ 4 biện pháp chính: Thứ nhất là cắt tỉa, tạo tán, đây là việc phải làm bởi nếu không thì cây rơi vào tình trạng ra hoa nhưng đậu quả kém hoặc năm được mùa, năm mất mùa. Phải hạ tán cho cây bưởi để chỉ cao khoảng 3 - 3,5m, cắt tỉa hình chữ y sao cho ánh sáng lọt vào tán cây đều. Thứ hai là làm cỏ, bón phân. Tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn bưởi nói riêng và vườn cây ăn quả nói chung bởi làm tổn thương bộ rễ tơ khiến cây không hút được nước, dinh dưỡng, thậm chí dễ nhiễm nấm bệnh, tuyến trùng xâm nhập. Làm sạch cỏ gốc thường xuyên và còn cỏ trong vườn khi tốt có thể cắt ủ làm phân hữu cơ. Bón phân có nhiều giai đoạn, sau cắt tỉa, ra hoa, đậu quả non, quả lớn và trước khi thu hoạch. Mỗi năm thường bón 7 - 10 lần theo hướng ưu tiên dùng phân chuồng, phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh, ngoài đạm, lân, kali cây cần các trung lượng, vi lượng để cho quả ngon. Bây giờ phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng cho quả chứ việc ra hoa, đậu quả trên bưởi thì Hà Nội đã khắc phục được rồi.

Thứ ba là cây ăn quả có múi rất cần nước nhưng lại sợ nước. Chúng cần nước trong giai đoạn mùa khô, nhất là lúc ra hoa, đậu quả, phải đủ nước mới phân hóa được mầm hoa, quả mới lớn. Bởi thế sau Tết ông công ông táo đến mùa mưa phải duy trì tưới. Bưởi sợ nước trong giai đoạn mùa mưa nên phải thoát nước tốt cho vườn. Thứ tư là phòng trừ sâu bệnh. Ở giai đoạn quả chuẩn bị chín sinh lý có thể bón kali để tăng độ ngọt.

Bưởi Diễn trồng hơn 20 năm ra quả thưa, không ngọt là do bắt đầu suy thoái. Nếu cây vẫn sinh trưởng tốt thì trẻ hóa bằng cách cắt cành cấp 2, cấp 3, hạ tán chỉ cao 3 - 3,5m, trẻ hóa bộ rễ bằng cách chặt bớt rễ tơ đi cho mọc rễ mới.

Chuyện lúa ma và chính sách nông nghiệp

Trước câu hỏi về lúa ma và cách loại bỏ nó, TS Ngô Vĩnh Viễn trả lời: Lúa ma xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc khoảng 3 - 4 năm nay, thuốc cỏ không trừ được nên phải sử dụng biện pháp thủ công, khi làm cỏ phải nhổ đi. Lúa ma sẽ trỗ trước lúa thường nên phải cắt bỏ trước khi chúng chín sữa để phòng hạt rụng xuống. Nếu không làm triệt để, hạt lúa ma rụng xuống vụ sau lại mọc tiếp.

Trước câu hỏi về hiện tượng “đùi gà” trên cây bầu, ông trả lời: Đó là do bị nấm, với cây yếu thì loại bỏ luôn chứ không có thuốc nào trừ được. Trước câu hỏi về hiện tượng chuối vàng lá và chết, ông trả lời: Trước đây chuối Tây thường bị vàng lá Panama do nấm fusarium nhưng 5 năm trở lại đây nấm này gây bệnh trên cả cây chuối tiêu. Nấm tồn tại ở trong đất, lây bệnh từ cây mẹ sang cây con nên khi bị bệnh phải đào củ đưa ra khỏi vườn, dùng sun phát đồng tưới, sử dụng phân chuồng kết hợp nấm đối kháng trichoderma. Bà con khi trồng nên dùng giống nuôi cấy mô, tuyệt đối không dùng giống từ vườn đã bị bệnh. Cuối cùng là phải thoát nước tốt cho vườn.

Hội trường chăm chú nghe chuyên gia lý giải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hội trường chăm chú nghe chuyên gia lý giải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước câu hỏi tại sao mướp trồng lên rất tốt, dù đã vặt bớt lá mà vẫn không có quả. Ông trả lời, đó là hiện tượng cây sinh trưởng phát triển quá mạnh sẽ không tạo quả. Kinh nghiệm dân gian là tách đôi thân cây hay chèn mảnh gỗ kê để kìm hãm lại... Trước câu hỏi để trị sâu tơ trên rau, ông khuyên nếu dùng thuốc BVTV hóa học thì phải luân phiên để chống nhờn, còn nếu sinh học thì dùng vi khuẩn BT, không độc cho người và các động vật mà chỉ phát triển trong ruột sâu, hủy hoại hệ tiêu hóa của nó. Nông dân trồng cây ngoài năng suất phải chú ý đến sức khỏe đất, chăm bón hợp lý. Đất khỏe là đất giữ được nước, giữ được phân bón và vi sinh vật và ngược lại.

Trước những câu hỏi về thủy sản, PGS.TS Kim Văn Vạn trả lời: Hiện nay nhiều gia đình có mốt chơi cá Koi nói riêng cũng như cá cảnh nói chung nên nông dân bắt đầu quan tâm đến việc nuôi bán. Cá Koi cũng họ cá chép, nhưng thường con nào có màu sắc đẹp thì sức đề kháng yếu. Nếu dùng nước máy mà chưa xả hết cho clo bay ra đã nuôi thì dễ gây ngộ độc, mùa đông thay nước lạnh quá cá cũng dễ sốc. Nếu để lâu không thay nước thì cá xuất hiện nhiều ký sinh trùng, có thể thấy trên thân có nhiều chấm trắng, ngứa nên thường xát vào thành bể. Nếu mất điện hay máy bơm hỏng sẽ gây ngạt cá. Tất cả những biểu hiện đó đều có thuốc trị, định kỳ sát khuẩn khử trùng và cho ăn thuốc chống ký sinh trùng.

Còn trong ao nuôi cá trắm cỏ, dù tẩy dọn vẫn xuất hiện nhiều váng xanh đó là do tảo lam. Nếu để các cây um tùm che bóng xung quanh, nước không lưu thông, nhiều phân cá thải ra thì tảo càng phát triển mạnh. Dùng các chất sát khuẩn để diệt thì chỉ được 3 - 5 ngày tảo lại mọc. Bởi thế phải điều chỉnh thức ăn cho cá, vớt bớt cỏ thừa, chất thải và nuôi ghép với những loài cá ăn tảo như cá mè. Trong điều kiện nuôi thâm canh phải thay nước mới hay bổ sung nước giếng khoan vào bởi trong đó có nhiều sắt sẽ trị được tảo lam. Hạn chế dùng các hóa chất không cần thiết.

Ông khuyên trên địa bàn Hà Nội có thể nuôi cá lăng dù phải đầu tư nhiều nhưng sau 15 - 18 tháng nuôi, bỏ 1 đồng có thể được lãi 1 đồng với giá bán tại ao 100.000 - 120.000 đồng/kg như hiện tại. Với những khu chuồng lợn mà do dịch bệnh đang bỏ không, có thể tận dụng để nuôi ếch, giá bán hiện 50.000 - 55.000 đồng/kg cũng cho lãi khá. Với những khu ao lớn hay nhỏ đều có thể nuôi ốc nhồi, giá bán hiện 70.000 - 80.000 đồng/kg mà chưa bao giờ bị ế.

Ông Đoàn Đức Dân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội trả lời những câu hỏi về chính sách. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đoàn Đức Dân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội trả lời những câu hỏi về chính sách. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước các câu hỏi về chính sách nông nghiệp của Thủ đô, ông Đoàn Đức Dân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội trả lời: Điều kiện để tham gia các mô hình khuyến nông nói chung phải nằm trong quy hoạch sản xuất của địa phương, phải có cơ sở vật chất, nhân lực và vốn đối ứng. Ở vùng đồng bằng, chính sách sẽ hỗ trợ tối đa 50% giống, vật tư, thiết bị, còn lại nông dân phải đối ứng.

Về HTX, ngoài chính sách hỗ trợ chung của Nhà nước, Hà Nội còn có những chính sách riêng để hỗ trợ khi thành lập hay hỗ trợ tín dụng, cơ sở vật chất hạ tầng. Về cơ giới hóa, khi mua máy cấy, thành phố hỗ trợ cả với cá nhân hay tổ chức. Hỗ trợ tín dụng mua máy bay không người lái. Hỗ trợ công phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái. Về đất đai đất thầu, giờ UBND xã chỉ được phép ký hợp đồng gia hạn tối đa 1 năm, UBND huyện chỉ được phép ký hợp đồng gia hạn tối đa 5 năm. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội luôn đồng hành cùng với các chủ trang trại khi có nhu cầu vay vốn nếu họ có đầy đủ các thủ tục.

Xem thêm
Viện Chăn nuôi chuyển giao gần 9 triệu con giống năm 2024

Năm 2024, Viện Chăn nuôi đạt nhiều thành tựu lớn, chuyển giao gần 9 triệu con giống, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ cao.

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Tủ gốc, tưới nước lên tán cây ăn quả vào sáng sớm để chống rét

Cục Trồng trọt khuyến cáo các biện pháp chống rét cho cây trồng trước dự báo rét đậm, rét hại.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.