| Hotline: 0983.970.780

Sứ mệnh khuyến nông ngày nay phải giúp dân làm giàu

Thứ Hai 25/09/2023 , 08:38 (GMT+7)

HÀ NỘI Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội bảo, khuyến nông đã hoàn thành sứ mệnh xóa đói giảm nghèo, nay phải giúp nông dân làm giàu, dù không hề dễ.

Xưa cán bộ khuyến nông đến đâu đều được dân chào đón

Bà đánh giá ra sao về vai trò của khuyến nông trong những năm qua?

Nhìn lại quá trình 30 năm phát triển của khuyến nông Hà Nội nói riêng và khuyến nông cả nước nói chung, tôi thấy đã hoàn thành được sứ mệnh xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân. Khuyến nông ra đời, đưa vào sản xuất nhiều kỹ thuật mới, giống cây, con mới giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu cả trong nước lẫn xuất khẩu.

Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp đi thăm ruộng khoai tây. Ảnh: Tư liệu. 

Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp đi thăm ruộng khoai tây. Ảnh: Tư liệu. 

Ngay từ những năm 2000, chúng tôi đã thấy được vấn đề năng suất của nông nghiệp đã đến ngưỡng. Khó khăn vướng mắc trong suốt thời gian qua là chúng ta cứ phải giải cứu nông sản, tình trạng được mùa rớt giá. Đó là những tồn tại nhìn thấy được.

Bây giờ nông dân rất cần hỗ trợ, tư vấn cho họ làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi bắt đầu hướng dẫn cho nông dân cách liên kết với nhau để sản xuất thành hàng hóa, đảm bảo sự đồng đều về chất lượng, số lượng nhiều mới tiêu thụ được. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ những mô hình liên kết trong sản xuất lúa, rau, gà thả vườn an toàn sinh học…

Một mặt khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn cho những tác nhân trong chuỗi sản xuất để họ hiểu được vai trò, ý nghĩa của việc liên kết với nhau và buộc phải liên kết. Các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cũng muốn tìm đầu vào, muốn biết được khu vực nào có những tổ, nhóm, HTX sản xuất ra nông sản chất lượng, còn nông dân thì muốn bán được hàng. Khuyến nông là cầu nối giữa HTX, nông dân và doanh nghiệp thông qua các diễn đàn liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, đó chỉ là những bước ban đầu.

Còn để hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ nông sản một cách ổn định thì phải có những cơ chế, chính sách của chính quyền địa phương cùng với các cơ quan chuyên môn trong việc xây dựng, quản lý vùng trồng, vùng nuôi và kiểm tra, giám sát chất lượng. Cũng đã có nhiều kết nối bị đứt gãy do không có tiếng nói chung. Nguyên nhân có thể từ phía doanh nghiệp tiêu thụ, có thể từ phía đơn vị sản xuất.

Đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng rau, diện tích của mỗi hộ rất nhỏ. Để có được vùng nguyên liệu 10 - 20ha phải liên quan đến rất nhiều hộ. Đả thông được tư tưởng của hàng trăm người là cả một vấn đề. Trong khi đó, khi đưa sản phẩm vào siêu thị thường người ta sau 15 - 30 ngày mới thanh toán. Nếu các HTX không có vốn thì sẽ không có tiền ứng trả cho bà con. Đó là chưa kể, HTX không quản lý tốt chất lượng sẽ bị siêu thị từ chối tiêu thụ.

Trước khi có máy cấy, gieo sạ là một tiến bộ kỹ thuật được nông dân hào hứng đón nhận. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước khi có máy cấy, gieo sạ là một tiến bộ kỹ thuật được nông dân hào hứng đón nhận. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trình độ kỹ thuật nhiều nông dân hơn hẳn cán bộ khuyến nông trẻ

Trình độ của cán bộ khuyến nông 30 năm trước so với mặt bằng dân trí ra sao và hiện so với mặt bằng dân trí ra sao, nhất là so với các chủ trang trại, các HTX tiên tiến thưa bà?

Trước đây, đúng là trình độ canh tác của bà con còn rất lạc hậu. Nông dân làm thuần theo tập quán, người trước chỉ người sau. Hàng vụ họ toàn tự để giống rồi gieo trồng, vì thế chất lượng giống, kỹ thuật canh tác không đảm bảo, sâu bệnh nhiều, năng suất thấp. Có khuyến nông đưa các tiến bộ kỹ thuật mới vào đã làm cho sản xuất thay đổi hẳn. Cán bộ khuyến nông khi đó đi đến đâu cũng được bà con chào đón nồng nhiệt. Khi chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nếu chỉ có nói không thì bà con không nghe đâu. Thông qua các mô hình khuyến nông, sau một vụ thôi bà con đã thấy sự khác biệt và nhanh chóng làm theo.

Nông dân đã chuyển từ vụ lúa chiêm xuân sang xuân muộn, thời vụ rút ngắn nên thêm được vụ thứ ba là vụ đông. Mặt khác, bộ giống ngoài các giống lúa thuần năng suất khá, lúa lai là một đột phá. Chính vì thế mà tôi mới nói khuyến nông đã hoàn thành sứ mệnh giúp cho bà con xóa đói giảm nghèo.

Cùng với tiến trình phát triển của khoa học kỹ thuật, không chỉ có cán bộ khuyến nông mà chính nông dân của Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung đã cập nhật rất nhanh. Bởi ngay trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh đều có các doanh nghiệp nông nghiệp và họ cũng có các nhóm chuyên gia khoa học để tư vấn, giúp cho mình như Công ty Cổ phần Kinh doanh và Chế biến nông sản Bảo Minh, Tập đoàn Quế Lâm chẳng hạn. Trong quá trình đó, doanh nghiệp đi sâu, đi sát xuống với bà con nông dân, giúp đỡ họ. Đó cũng là sự cạnh tranh với lực lượng khuyến nông.

Nếu cán bộ khuyến nông không nhìn thấy vấn đề ấy mà tự nâng cao trình độ của mình, không sát với các mô hình của doanh nghiệp, của bà con để học hỏi thì cũng sẽ bị tụt hậu. Thế hệ các cán bộ 8X, 9X bây giờ nếu như chỉ có học lý thuyết trong trường, thông qua điện thoại mà tư vấn, hướng dẫn thì bà con sẽ không nghe. Trong khi ấy, các chủ trang trại người ta cập nhật thông tin, kỹ thuật thông qua sách báo rồi mạng internet. Đó là chưa kể họ có tiền còn ra cả nước ngoài để học hỏi nữa. Nếu không chủ động về kỹ thuật như thế thì làm sao các trại nuôi được hàng vạn con lợn trong bối cảnh dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát?

Mô hình nuôi ếch ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Tư liệu.

Mô hình nuôi ếch ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Tư liệu.

Nhiều lúc tôi cứ nói đùa rằng một số cán bộ khuyến nông cứ lơ lửng, hãy đặt một chân xuống đất cho tôi nhờ. Nhiều lần trong các cuộc giao ban tôi cũng muốn truyền tải mong muốn đó đến với những cán bộ khuyến nông trẻ, tuy nhiên sự chuyển biến vẫn còn chậm. Và tôi thấy được sự chênh lệch trong cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật của bà con nông dân, đặc biệt là các chủ trang trại đã hơn hẳn một số cán bộ khuyến nông trẻ.

Sứ mệnh xóa đói giảm nghèo đã hoàn thành rồi, vậy sứ mệnh làm giàu cho nông dân có quá khó với khuyến nông hiện nay không thưa bà?

Thực sự là khó. Với những vùng thuần sản xuất nông nghiệp lại có diện tích lớn thì thuận lợi hơn Hà Nội. Thủ đô bây giờ chỉ còn vài huyện tập trung sản xuất nông nghiệp nhiều thôi, còn các huyện ven đô, những huyện chuẩn bị lên quận thực sự sản xuất nông nghiệp cũng có hạn chế. Bà con nghe nói chuẩn bị lên quận rồi nên trồng trọt, chăn nuôi bắt đầu có sự cầm chừng. Còn sản xuất rau, hoa, quả, kể cả lên quận vẫn cần, vẫn có thể ưu tiên cho sản xuất.

Bà con đang cần cán bộ giúp họ thành lập các tổ nhóm, HTX liên kết sản xuất. Khi thành lập các tổ nhóm, HTX như vậy thì tổ chức tập huấn, đào tạo giúp các kỹ năng về khảo sát thị trường, lập kế hoạch sản xuất, chỉ đạo sản xuất, kết nối với thị trường. Sứ mệnh của khuyến nông giai đoạn tới cần tập trung vào đào tạo cho chính cán bộ khuyến nông về những vấn đề đó, để rồi từ đấy hỗ trợ, giúp cho bà con nông dân.

Cán bộ khuyến nông phải nhận thức được rằng giúp cho bà con, HTX sản xuất và tiêu thụ, kết nối được với doanh nghiệp cũng là giúp cho chính mình bởi sau này theo định hướng, khuyến nông dần phải tự chủ. Nhưng để cán bộ khuyến nông kết nối được với các doanh nghiệp cũng cần có sự hỗ trợ của lãnh đạo Sở NN-PTNT, lãnh đạo Thành phố Hà Nội, rồi Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT nữa.

Các doanh nghiệp lớn không phải lúc nào cũng dễ dàng tiếp cận được. Còn các doanh nghiệp nhỏ họ cũng đang gặp khó trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ. Chúng tôi mong muốn nông sản ngoài cung cấp tại chỗ ở vùng nông thôn ra, phải hướng đến chính là thị trường nội đô, nơi đông dân và có nhu cầu tiêu dùng nông sản an toàn lớn vì họ có thu nhập cao.

Để thuê được mặt bằng bán nông sản trong nội thành cũng là một vấn đề. Có những bạn ở tỉnh ngoài đến Hà Nội lập nghiệp, muốn thành lập chuỗi cửa hàng nông sản nên cần vay vốn quỹ khuyến nông nhưng do không có nhà tại đây nên không thể làm thủ tục vay được.

Xin cảm ơn bà!

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.