| Hotline: 0983.970.780

'Hội An mở cửa giao lưu có chọn lọc'

Thứ Ba 10/04/2018 , 08:41 (GMT+7)

Đó là chia sẻ của nhà báo Trương Điện Thắng (Quảng Nam) về Hội An trước những ồn ào về việc xây dựng khu du lịch sinh thái Cồn Bắp cùng thực cảnh nghệ thuật “Ký ức Hội An”.

img-1494132749381
Nhà báo Trương Điện Thắng

Ông có thể chia sẻ những điều làm được và những điều cần điều chỉnh của thực cảnh “Ký ức Hội An” mới diễn ra gần đây?

Tôi thấy chẳng có cái gì được cả mà phần không được nó át hết cả kể từ khi xây dựng cho đến nội dung. Nó vừa xâm hại môi trường cảnh quan khi xây dựng, cho đến phần chương trình trình diễn thì đầy méo mó và áp đặt.

Nhà văn Nguyên Ngọc và cựu bí thư Nguyễn Sự đã nói quá đủ và quá đau rồi. Hội An là nhẹ nhàng, đằm thắm, cổ xưa và hồn hậu. Ở trong một xã hội hiện đại nhưng nó vẫn giữ cái hồn riêng, giữ cái nét riêng. Nó nhẹ nhàng mà thẩm thấu vào lòng người. Du khách đến Hội An là để tắm gội làm thanh sạch mình chớ không phải đến đó để tìm cái ồn ào, hoành tráng đô thị…

Bây giờ khách du lịch tới một đô thị cổ, một Di sản văn hóa thế giới như Hội An là người ta tìm lại cái gì đã mất. Ở các nước tiên tiến bây giờ cái làng của họ không còn như ngày xưa nữa cho nên họ rất quý trọng và bảo vệ một cái làng cũ. Họ tìm đến Việt Nam là để tìm lại những cái mà ông cha họ đã đánh mất rồi chứ không phải họ tìm cái bê tông cốt thép, không phải họ tìm cái ồn ào, đô hội.

Có ý kiến cho rằng “Ký ức Hội An” đã được “Hán hóa” về hình ảnh và nội dung. Ông có cho rằng điều này là cực đoan không?

Quá trình hội nhập của Hội An không phải chỉ có người Hoa. Hội An thời các chúa Nguyễn đã tiếp thu rất nhiều các nền văn hóa. Trước khi người Hoa tới thì Hội An đã có người Bồ Đào Nha, người Pháp, người Italia, người Hà Lan, người Nhật nữa, kể cả thương nhân và các cha đạo… Người Hoa chỉ đến Hội An từ thời kỳ các chúa Nguyễn và được lập các làng Minh Hương.

Văn hóa Hội An là văn hóa mở nhưng không phải chỉ mở với người Trung Quốc mà mở và kế thừa với nền văn hóa của người Chăm trước đó. Nền văn hóa Chăm rực rỡ như thế. Các trận thủy chiến của chúa Nguyễn đánh với các hạm đội Hà Lan là kỹ thuật của người Chăm, ghe thuyền buôn bán trên biển với các nước là ghe bầu kế thừa của họ…

Nhiều khán giả cũng thắc mắc ngay đêm diễn đầu tiên: dẫn chương trình là người miền Bắc cùng điệp khúc "Khung cửi ơi..." láy đi láy lại đến nhàm chán. Tuy nhiên, một vị cố vấn cho rằng dùng tiếng Bắc là ngôn ngữ phổ thông?

Thời chúa Nguyễn đến thời nhà Nguyễn, giọng Quảng vẫn được triều đình sử dụng để đọc các chiếu chỉ ở kinh đô Huế. Tại sao chỉ có tiếng Bắc mới là tiêu biểu? Chữ Quốc ngữ khi mới hình thành ở Việt Nam thời De Pina và Alexandre de Rhodes thì chính các cha đạo sử dụng tiếng Quảng. Diễn “Ký ức Hội An” mà dùng tiếng Bắc để dẫn thì chẳng khác gì anh vào một tiệm cao lầu hay mỳ Quảng Hội An mà người bán lại là một người đàn bà Nam Bộ hay người đàn bà Huế bán.

Để xảy ra phản ứng kịch liệt của dư luận như hiện nay phải chăng vì kịch bản “Ký ức Hội An” do Sở VH-TT Hà Nội duyệt, còn TP Hội An không tham gia?

Đó cũng là một điều vô lý mà tôi muốn nói đến. Tại sao kịch bản lại do Sở VH-TT Hà Nội duyệt về một đề tài của Hội An mà không phải là Sở VH-TT Quảng Nam hay Phòng VH-TT Hội An duyệt? Có điều gì đằng sau đó khó hiểu ở đây.

Không phải Hội An là bê tông cốt thép, Hội An là phải có karaoke, Hội An là phải có casino, Hội An phải có vũ trường nhảy nhót cả đêm… Hội An không cần cái đó. Đặc trưng của Hội An không phải là những thứ đó.

Tại sao lại cứ giữ một Hội An cũ kỹ, cổ xưa, rêu phong mà không phải là một Hội An hiện đại?

Ở Hội An người ta cần các tour đi ra ngoại ô đánh bắt cá, làm rau, cùng với các sinh hoạt văn hóa trong các chương trình trong phố đi bộ, nhẹ nhàng sâu lắng. Nên nhớ rằng lịch sử Đàng Trong khi người Đại Việt vào đến Quảng Nam và Hội An thì thấy rằng trên thế giới này có nhiều nền văn hóa khác chứ không phải chỉ có nền văn hóa Khổng giáo và họ đã chấp nhận, đã giao lưu, đã tiếp biến và họ làm giàu hơn, phong phú hơn văn hóa Đại Việt. Cho nên không thể nói là Hội An bảo thủ được. Hội An mở cửa giao lưu tiếp thu nhưng có chọn lọc. Bây giờ Hội An chọn lọc là không thể đưa bê tông cốt thép, không thể đưa văn minh nhà cao tầng vào Hội An được.

Có phải là một sự xâm lấn về văn hoá?

Đó là câu hỏi của một khán giả nêu ra khi xem “Ký ức Hội An”.

“Dù show diễn đặt tên gọi là “Ký ức” nhưng bản chất và truyền thông vẫn gọi là “Ấn tượng Hội An”.

Trên fanpage của chương trình vẫn để là “Ấn tượng”, trên trailer tiếng anh là “Impression”. Mà chuỗi “Ấn tượng” này đã quá quen thuộc với khán giả khắp nơi trên thế giới, đó chính là một chuỗi show của Trung Quốc do Trương Nghệ Mưu, Mai Soái Nguyên làm đạo diễn.

Nhà sản xuất đặt tên như vậy phải chăng để khán giả nhầm hiểu đây cũng chính là một show trong chuỗi show nghệ thuật của Trung Quốc?

Trên fanpage và cả youtube của show diễn đều đánh tráo tên gọi. Vì sao trong truyền thông báo chí thì là “Ký ức” nhưng fanpage và youtube là “Ấn tượng”.“Ký ức” phải dùng đúng là từ “Memory”.Sự bất nhất này phải chăng là sự lập lờ để che giấu thông điệp sâu xa nào đó?”

Xem thêm
Quang Linh Vlogs hội ngộ hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Chàng Youtuber nổi tiếng Quang Linh Vlogs đang ở Việt Nam để có chuyến đi chơi xuyên Việt cùng bố con Matiloi - người bạn đến từ châu Phi.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.