“Đừng nhân danh bất cứ gì, đừng nhân danh làm du lịch, cuốn hút du khách để làm sai lệch lịch sử. Thiếu tính chân xác thì bản thân nó sẽ làm hỏng ngay, nó không chỉ hỏng về mặt kinh tế mà hỏng về mặt văn hóa”.
Thô kệch, xa lạ
Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An” ra mắt khán giả ngày 18/3, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công nhận 2 kỷ lục: “Sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam”và “Chương trình biểu diễn nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên tham gia đông nhất”. Song sau đó gặp phải những ý kiến phản đối gay gắt từ phía những người xem có chuyên môn.
Chinh phụ hóa đá... mò cua (“Ký ức Hội An” - 18/3) |
Nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ, ông mua vé và cố ngồi xem một tiếng rưỡi đồng hồ để rồi kinh ngạc về sự nghèo nàn và thô kệch của cái gọi là chương trình nghệ thuật thực cảnh ấy. Nhà văn băn khoăn về “ê kíp sáng tạo hùng hậu nhất việt Nam’’ không tìm được gì hơn ngoài cái mô típ cũ rích vọng phu chờ chồng hóa đá ở Hội An.
“Chuyên gia lịch sử nào cố vấn cho đạo diễn mời từ tận bên Trung Quốc qua vậy? Rồi người Hội An dồn lồng đèn lại để tạo ánh sáng cho anh chồng lạc hướng ngoài biển khơi biết lối mà tìm đường về. Chuyện bịa thì cũng được thôi nhưng bịa đến thế thì quá thô kệch, xa lạ đến nhố nhăng”, nhà văn Nguyên Ngọc nói.
Còn ông Nguyễn Sự phân tích: “Cái thiếu sót chính của nhà sản xuất chương trình là không tham khảo ý kiến của người Hội An vì không ai hiểu Hội An bằng chính họ”.
Trọc phú
Nguyên Ngọc lý giải, ở Việt Nam vọng phu bao giờ cũng ngồi cô đơn trên ngọn núi cao để mòn mỏi ngóng ra khơi xa, đến hóa đá. Đó là hình ảnh bi thiết mà cao cả, chứ không có cảnh lếch thếch lội lõm bõm dưới sông cạn chưa đến gối để rồi hóa đá thành người… mò cua!
“Họa chăng chỉ có cái cảnh kỹ xảo rẻ tiền anh chàng chinh phu bay vút từ trên cánh buồm lớn xuống với người chinh phụ đã hóa đá đứng còng lưng một cách vụng về dưới sông cạn còn có thể làm lóa mắt mấy bà cụ già ở quê lần đầu ra phố coi xiếc…”, nhà văn bày tỏ.
Nguyên Ngọc cũng phân vân “Ấn tượng Hội An’’ với sân khấu thực cảnh được quảng cáo là rất tân kỳ mới nhập khẩu từ Trung Quốc, còn chương trình cụ thể có tên là “Ký ức Hội An’’ mà tìm mãi, chẳng thấy tí Hội An nào. Ông mỉa mai chắc vị cố vấn lịch sử uyên bác quá biết Hội An không hề có đám cưới Huyền Trân với Chế Mân để trưng con voi khổng lồ ra. Còn chợ Hội An thì biến thành kiểu chợ nổi đặc sản của Cái Răng miền Tây Nam Bộ.
“Tôi có hỏi cảm tưởng anh Nguyễn Sự, anh chỉ hạ hai chữ: trọc phú! Rất có ý nghĩa: văn hóa trọc phú ồn ào, khoa trương mà trống rỗng. Đặc điểm của văn hóa trọc phú là hình thức, hợm hĩnh và thô kệch, lấy kỹ xảo che cho sự nghèo nàn, ở đây có khá đầy đủ những thứ đó. Ngược với thị hiếu văn hóa nhỏ nhẹ, tinh tế Hội An”, Nguyên Ngọc cho biết.
Tổn thương Hội An
"Hội An rất đẹp, mà đã là người làm nghệ thuật thì tất phải biết, cái đẹp bao giờ cũng mong manh, càng đẹp càng mong manh. Hội An lại rất nhỏ, đã quá đẹp lại quá nhỏ, nên càng rất dễ bị tổn thương. Chỉ cần một chút thô bạo và ngu dốt, là tai họa rồi”, Nguyên Ngọc đánh giá.
Bình luận về thực cảnh nghệ thuật “Ký ức Hội An”, ông cho rằng thị hiếu thấp, qua hình thức phô trương, với kỹ thuật tinh xảo, âm thanh hiện đại chát chúa, cùng các trò chơi ánh sáng choáng ngợp lừa bịp, làm rối loạn thị hiếu công chúng, triệt tiêu sự suy nghĩ, gây câm điếc, trơ lỳ về thẩm mỹ.
“Ký ức Hội An’’ đang là một tai họa văn hóa cho thành phố này”, nhà văn Nguyên Ngọc cảnh báo.
Nhà nghiên cứu Trương Điện Thắng cho rằng: Nội dung kịch bản “Ký ức Hội An” trái ngược lại những gì thuộc về văn hóa, lịch sử của Hội An.
“Về nghệ thuật thì tất cả các màn trình diễn đều không mang tính khái quát gì hết đối với văn hóa Hội An. Hội An nhẹ nhàng, đằm thắm. Ở trong một xã hội hiện đại nhưng Hội An vẫn giữ cái hồn riêng, giữ cái nét riêng. Hội An nhẹ nhàng mà thẩm thấu vào lòng người”, ông Thắng phân tích.
Ông Thắng nói các kỷ lục như Sân khấu lớn nhất, Âm thanh ánh sáng hoành tráng… Hội An không cần. “Cái hoành tráng của Hội An chính là chiều sâu của nó”.
Cần khiêm nhường, lắng nghe, học hỏi “Đến với một vùng đất và người như vậy, chạm vào nó, dù anh là chuyên gia “cha đẻ của ngành nghệ thuật thực cảnh’’ nổi tiếng ở những đâu đâu, là người được coi cố vấn sử học hoạt ngôn có tiếng, là kiến trúc sư không biết được ai phong là nhà “Hội An học’’… thì anh đều phải hết sức thận trọng, rất khiêm nhường, lắng nghe mà học, chứ đừng vội đem những thứ mình tưởng văn minh tân thời đến dạy cho dân u muội ở đây” (Nhà văn Nguyên Ngọc). |